Nhà sáng lập FUNiX: Bình đẳng trong giáo dục là quyền được từ bỏ

Nhà sáng lập FUNiX: Bình đẳng trong giáo dục là quyền được từ bỏ

Tin tức 15/01/2019

Lễ hội âm nhạc “Thu hẹp khoảng cách” – một trong những sự kiện xã hội – giải trí thú vị và giàu ý nghĩa đã diễn ra chiều 13/1, tại Hà Nội. Theo đó, nằm trong khuôn khổ chương trình, talkshow “Tọa đàm về Giáo dục và Lễ hội âm nhạc BridgeFest 2019” với sự tham gia của hai khách mời: Hoa hậu H’Hen Niê và Nhà sáng lập FUNiX – ông Nguyễn Thành Nam – một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam, đã thu hút đông đảo giới trẻ Thủ đô.

Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam và Hoa hậu H’ Hen Niê đã có nhiều chia sẻ tại Toạ đàm: Bàn về bình đẳng giáo dục trong chiều 13/1. Với cách tiếp cận khác biệt, ông Nam cho thấy bất bình đẳng trong việc học tập không chỉ dừng lại ở việc trẻ em có được tiếp cận trường học hay không, mà còn ở việc được tự chọn theo đuổi những thứ mà mình mong muốn. Anh cho rằng, ai cũng có quyền được lựa chọn bước lên con đường học hành không quan trọng tuổi tác, giới tính hay vùng lãnh thổ.

Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia phủ sóng mạng Internet lớn nhất thế giới. Internet thực sự là cơ hội bình đẳng giáo dục chưa từng có trong lịch sử nhân loại. “Một cậu bé ở buôn làng hoàn toàn có thể học chứng chỉ MIT (Viện Công nghệ Massachusetts – Massachusetts Institute of Technology) của Mỹ, miễn phí 100%. Và người dân tộc thiểu số cũng có thể vừa làm rẫy, vừa theo học tại FUNiX”, anh Nam khẳng định.

Nơi cô hoa hậu người Ê-Đê sinh ra và lớn lên, việc học không phải điều được quan tâm nhất. Mọi người xung quanh luôn suy nghĩ rằng ở nhà hỗ trợ gia đình rồi lấy chồng là đủ. H’Hen Niê khi đó chỉ có một ước mơ được làm ngân hàng, được ngồi bàn giấy để thoát khỏi những khổ cực của việc làm nông. Khao khát được học tập khiến H’Hen Niê thoát khỏi “xiềng xích” của quan niệm cổ hủ và quyết tâm đến TP HCM học đại học. Để rồi Việt Nam có một cô hoa hậu tự tin đứng giữa đấu trường sắc đẹp quốc tế và dõng dạc nói về bản thân: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”

Cuối cùng, H’Hen Niê thừa nhận, nếu từ bỏ việc học, nếu chỉ chấp nhận sống một cuộc sống kết hôn năm 13 tuổi theo tục lệ dân tộc Ê Đê thì hẳn hiện tại, cô cũng chỉ là một cô gái bình dị như bao cô gái cùng quê, ngày ngày lên rẫy, làm ruộng. Và cũng sẽ chẳng có một H’Hen Niê đầy bản lĩnh, mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Ông Nam cho biết bản thân từng là học sinh trường chuyên, được chọn đi học nước ngoài, vì vậy, ông luôn phải chịu sức ép lớn đến từ sự kỳ vọng của gia đình cũng như chính bản thân khi phải làm được điều gì đấy.

“Tôi rất tự hào và thấy may mắn là đã thoát khỏi sức ép đấy, trong khi đó, rất nhiều người đã phải mang gánh nặng này đến tận già”, Nhà sáng lập FUNiX nói.

Điều này đã giúp ông chọn và theo đuổi một sự nghiệp khác mà như ông miêu tả là thoải mái hơn rất nhiều. Từ trường hợp của bản thân, ông Nam nhận xét mỗi người cần có quyền được từ bỏ.

“Bình đẳng giáo dục còn nói lên một vấn đề nữa là việc chúng ta được quyền từ bỏ. Nhiều khi bố mẹ, người khác đã ép chúng ta đi trên một con đường mà chúng ta không dám từ bỏ. Chúng ta có thể bình đẳng từ lúc đầu, nhưng không ai nói đến điều này. Nếu tôi không hợp thì tôi có quyền đi hướng khác”, ông nói và nhấn mạnh nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng với điều này khiến con cái họ mang theo gánh nặng không đúng suốt cả cuộc đời.

Chính vì vậy, ông Nam cho rằng người cản trở bình đẳng trong giáo dục nhiều nhất, ngoài những yếu tố bên ngoài như điều kiện môi trường, vật chất, chính là phụ huynh học sinh. Do vậy, phụ huynh cần phải có sự thay đổi phù hợp với thời cuộc đang vận động.

Còn đối với những trường hợp bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục do trở ngại về các yếu tố môi trường, khoảng cách, điều kiện vật chất, Founder của FUNiX cho rằng Internet sẽ là một giải pháp hiệu quả.

Theo ông, Việt Nam đang có lợi thế là nước có mạng lưới Internet phổ cập, và điều này có thể được tận dụng trong lĩnh vực dạy và học. Theo đó, những người ở vùng sâu, vùng xa không cần đi khỏi địa bàn sinh sống vẫn có cơ hội học những chương trình hiện đại nhất trên thế giới. Và khi họ bước ra khỏi mảnh đất, vùng quê, họ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều.

“Hãy khai thác tối đa Internet, đừng nhìn nó như con quái vật, đó là cơ hội chưa từng có”, ông nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Thành Nam cũng lưu ý về việc tự học. Con đường này, theo ông, không phải là con đường cao tốc chạy thẳng mà có rất nhiều ngã rẽ, mà ở đó dù được tham khảo những người có kinh nghiệm thì quyết định vẫn là ở bản thân chọn lựa.

Tại mô hình học tập mà FUNiX đang áp dụng, bình đẳng là quyền được đi học và cũng là quyền được dừng lại khi việc học quá nặng nề. Nếu sau này sinh viên có mong muốn cũng có thể quay lại tiếp tục chương trình đang bỏ giữa chừng.

Bình đẳng còn liên quan đến vấn đề về khoảng cách. Theo đó, đối với những người ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến các thành phố lớn để học thì cần phải tìm cách mang trường đến cho họ. Nếu làm bằng phương pháp truyền thống chắc chắn sẽ không hiệu quả và Internet cùng giáo dục từ xa sẽ là lời giải cho bài toán hóc búa này.

Khép lại buổi Talkshow, Nhà sáng lập FUNiX bày tỏ mong muốn thu hẹp khoảnh cách và bình đẳng giáo dục ngay từ những người làm cha mẹ. Đặc biệt, người Việt cần khai thác tối đa sức mạnh của Internet để tạo cơ hội cho con cái và chính bản thân mình.

Thanh Nga (Tổng hợp)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!