FUNiX tư vấn trực tuyến về ngành công nghệ thông tin và các vấn đề liên quan | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

FUNiX tư vấn trực tuyến về ngành công nghệ thông tin và các vấn đề liên quan

Tin tức 07/08/2018

Từ 9h30 hôm nay (10/8), 4 Khách mời của chương trình đã bắt đầu giải đáp những câu hỏi của độc giả quan tâm về chủ đề: “Ngành CNTT Việt Nam thiếu bao nhiêu lập trình viên?”. Kính mời các bậc phụ huynh, sinh viên và các độc giả quan tâm đến chủ đềcùng theo dõi buổi tư vấn.

>>  Tư vấn: ‘Ngành CNTT Việt Nam thiếu bao nhiêu lập trình viên?’

4 khách mời của chương trình gồm ông Nguyễn Thành Nam – nhà sáng lập FUNiX; ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực của FPT Software; ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên công nghệ thông tin Trung tâm Phát triển nguồn lực CMC và bạn Bạch Thanh Tuấn -sinh viên FUNiX.

Buổi tư vấn nhằm hỗ trợ giải đáp những băn khoăn của phụ huynh và các bạn trẻ về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT Việt Nam cũng như xu hướng đào tạo, tuyển dụng và các cơ hội việc làm trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software

Thay mặt ban tư vấn, cho phép tôi gửi lời chào trân trọng nhất tới các bạn độc giả, quý phụ huynh cũng như các em học sinh – sinh viên.

Với mong muốn giải đáp những băn khoăn của các bạn trẻ về nhu cầu nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và của FPT Software nói riêng, đặc biệt những cơ hội việc làm trong năm 2018 và xa hơn nữa FUNiX cùng các đại diện của FPT Software, tổ chức buổi Tư vấn trực tuyến “Ngành CNTT Việt Nam thiếu bao nhiêu lập trình viên”. Chúng tôi kỳ vọng những thông tin trong chương trình sẽ phần nào cung cấp được cho quý độc giả, các bậc phụ huynh và sinh viên những thông tin hữu ích về bức tranh toàn cảnh của nhu cầu nhân sự CNTT, những cơ hội việc làm cho giới trẻ trong năm nay và tầm nhìn 5 năm tới. Đặc biệt là cách thức truyền đạt kiến thức trực tuyến, phương pháp học tập được đưa ra từ góc nhìn của chính những người trong cuộc – mentor và sinh viên của FUNiX – đơn vị đào tạo CNTT trực tuyến đầu tiên của Việt Nam.

Nguyễn Văn Cảnh – Nam – 35 tuổi –  Hà Nội

Chào anh Hoàng, anh có thể điểm qua nhu cầu tuyển dụng nhân sự của FPT Software trong thời gian gần đây và tầm nhìn 5 năm tới? Riêng trong năm 2018, Fsoft dự định tuyển bao nhiêu nhân sự và tập trung ở mảng nào? Xin cám ơn.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software

Thời gian gần đây FPT Software (FSOFT) đang tuyển dụng mạnh ở Hà Nội, TP. HCM và tăng đều ở các mảng dự án và công nghệ. Dự kiến 2018 này FSOFT sẽ tuyển mới 6.000 nhân viên, lập trình viên chiếm khoảng 80%, trong đó tuyển mạnh nhất ở các ngôn ngữ truyền thống như Java, .Net, C/C++, ESS và mở cửa chào đón các bạn đã và đang theo đuổi các công nghệ mới như AI, Cloud, Blockchain, Big Data….

Trong 5 năm tiếp theo, dự kiến hàng năm số lượng tuyển mới sẽ tăng từ 20-30% theo lộ trình tăng trưởng về kinh doanh của công ty.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, dự kiến trong năm 2018 FPT Software sẽ tuyển mới 6.000 nhân viên, trong đó lập trình viên chiếm khoảng 80%. Ảnh: NVCC.

Đức Anh – Nam – 40 tuổi – Hà Nội

Thưa anh Nam, anh đánh giá FUNiX có vai trò gì trong việc giải quyết bài toán nhân sự trong ngành CNTT? Anh có thể cho biết lý do?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Chắc bạn đã biết ngành CNTT đang cực hot. Cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần, càng đòi hỏi thế hệ tương lai phải làm chủ được máy tính, dù có là làm trong ngành CNTT hay không.

FUNiX ra đời với mục đích cung cấp cơ hội học tập cho không giới hạn người học. Đây cũng chính là sứ mệnh mà Tập đoàn FPT giao cho Trường ngay từ ngày đầu thành lập.

Là ngôi trường 3 không: Không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa, tất cả dựa vào mentor, MOOC (giáo trình mở) và Internet, FUNiX giải quyết tốt bài toán thời gian khi sinh viên được chủ động 100% thời gian học tập. Đây cũng chính là cơ hội lớn nhất mà FUNiX mang lại đối với những người muốn học song song hai chương trình hoặc người đi làm muốn học thêm CNTT để chuyển nghề.

FUNiX cũng giải quyết tốt bài toán chuyên môn, khi những kiến thức mà sinh viên được học đều bắt nguồn từ thực tế của FPT Software kết hợp với gần 500 khóa MOOC (giáo trình mở) từ các đơn vị đào tạo uy tín hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, Udemy, Coursera…

FUNiX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên. Mentor (người hướng dẫn chuyên môn) của FUNiX chính là các chuyên gia – người đứng đầu ngành công nghệ của các công ty/tập đoàn lớn. Họ sẽ định hướng sinh viên theo đúng chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp học. Thậm chí, trong quá trình hướng dẫn, họ “ngắm nghía” và tuyển chọn ứng viên cho công ty của mình. Thực tế, rất nhiều sinh viên FUNiX đã đi làm sau 1 năm học, thậm chí là 5-7 tháng tại FPT Software, TMA Solutions, NCCSoft… Trong đó, tỉ lệ mentor tuyển dụng sinh viên cũng là một con số không nhỏ.

Sinh viên và mentor FUNiX trong một buổi học offline.

Nguyễn Khôi – Nam – Hải Phòng

Anh Tuấn ơi, trước khi học FUNiX anh đã từng tham gia chương trình trực tuyến nào chưa? Với kinh nghiệm của mình, rất mong anh chia sẻ những yêu cầu quan trọng nhất dành cho người muốn tự học lập trình?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Hi bạn Khôi. Cảm ơn bạn đã quan tâm. Trước khi học FUNiX  mình chưa từng tham gia khóa học trực tuyến nào cả. Còn đối với người muốn tự học lập trình thì có nhiều yêu cầu lắm, nhưng theo mình yêu cầu quan trọng là kỹ năng tự tìm hiểu, tự tìm kiếm, nôm na ra là tự search những vấn đề mình mắc phải. Có thể ban đầu chưa ổn nhưng nếu tự search nhiều bạn sẽ có kỹ năng tìm ra được ngay cái mình muốn.

Dương Thịnh – lminhbuuxx@

Liệu trong 4-7 năm nữa thì ngành này còn hot không ạ? Giữa Khoa học máy tính và Kĩ thuật phần mềm nên chọn cái nào ạ?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào bạn, câu hỏi của bạn có 2 ý. Ý đầu tiên, thì vì đây là sự dự đoán trước chứ không ai có thể khẳng định được 100%. Tuy nhiên nếu như dựa vào những xu hướng hiện nay, cũng như những key word được nhắc đến rất nhiều như là cuộc cách mạng 4.0. Thì ngành Công nghệ thông tin (CNTT) gần như đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc cách mạng này. Ngoài ra nhìn sang các nước đang phát triển trước chúng ta cả vài chục năm đến tram năm như Nhật Bản, Hàn Quốc…thì CNTT hiện hữu trong tất cả các ngành công nghiệp, đời sống và Chính phủ của họ. Cho nên theo mình nghĩ, ngành CNTT sẽ còn “hot”. Với sự thay đổi nhanh về mặt công nghệ thì người yêu công nghệ phải luôn học hỏi và tìm kiến thức mới thì sẽ không lo hết “hot”.

Còn “Giữa Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm nên chọn ngành nào?”, thì đây cũng là câu hỏi khó của bạn. Theo kinh nghiệm làm giáo trình tại một số trường đại học mà mình đã được tham gia thì về cơ bản. Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm đều có những môn cơ sở ngành giống nhau. Tuy nhiên về sau sẽ rẽ nhánh và có thể nói là Khoa học máy tính thì thiên về phần cứng máy tính nhiều hơn còn Kỹ thuật phần mềm thiên về ứng dụng trên máy tính. Tuy nhiên, về Khoa học phần cứng thì Việt Nam cũng chưa thực sự phát triển và cơ hội tiếp cận nghiên cứu khá khó. Về Kỹ thuật phần mềm dễ tiếp cận hơn và nhu cầu theo mình biết thì cần nhiều hơn. Ngoài ra theo mình thì khi đã có nền tảng cơ sở tốt thì việc thích nghi với công việc sau này không quá khó. Vì nên tảng vững thì công việc hướng theo hướng nào thì mình đều có thể đáp ứng được.

Phương Đông – Nam – Kiên Giang

Xin hỏi anh Bạch Thanh Tuấn, từ kinh nghiệm bản thân anh thấy làm lập trình thực tế khi chưa có bằng cấp có gặp khó khăn nào không? Cơ hội thăng tiến, đánh giá của đồng nghiệp có gì khác biệt không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào bạn Phương Đông. Câu hỏi của bạn rất hay. Làm lập trình bây giờ thực chất vẫn dựa vào kỹ năng, trình độ của bạn. Bằng cấp cũng chỉ là để đánh giá kỹ năng và tất nhiên kỹ năng bạn tốt thì cơ hội thăng tiến luôn rộng mở cũng như được sự đánh giá cao của đồng nghiệp. Tuy nhiên việc có bằng thì có vẫn tốt hơn, nghĩ đơn giản là: Bạn + trình độ X + Không có bằng < Vẫn là bạn + trình độ X + có bằng. Chính vì thế mà mình dù đi làm nhưng vẫn học đầy đủ 8 chứng chỉ của FUNiX.

Minh Tiến – Nam – Yên Bái

Chào anh Đỗ Ngọc Hoàng, anh có thể tiết lộ trong thời gian tới, vị trí công việc nào sẽ là vị trí hot mà FSoft cần nhiều LTV được không ạ? Bọn em nên học theo job nào để có nhiều cơ hội vào FSoft?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software:

Hàng năm FPT Software cần tuyển dụng khoảng 6000-7000 lập trình viên chưa kể các công ty bên ngoài, trong khi nguồn đào tạo từ các trường đại học thường xuyên không đap ứng đủ nhu cầu tuyển dụng cho nhu cầu phát triển của ngành công nghệ. Trong thời gian tới, FSOFT vẫn cần tuyển dụng rất nhiều lập trình viên thành thạo một trong các công nghệ: Java, .Net, C++, C/Embedded, iOS, Android, Angular, NodeJS, React…

Bạn chỉ cần chọn 1 công nghệ để học và sử dụng thật thành thạo là có thể đi làm việc cho FSOFT được rồi, bên cạnh đó học viên cần phải học và có khả năng giao tiếp được bằng 1 ngoại ngữ là tiếng Anh hoặc tiêng Nhật. Nên nhớ rằng đã theo nghề IT thì việc giao tiếp bằng ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc.

Tại Fresher Academy của Fsoft, có những học viên bắt đầu học lập trình ở tuổi 38 – 40, và có kết quả học tập tốt không kém các bạn sinh viên mới ra trường, ngoài ra họ cũng thể hiện được lòng khao khát, quyết tâm đi theo nghề IT hơn các bạn trẻ.

Dương Trung – email: trungbach09xxxx@ – sdt: 098566xxxx – Thái Nguyên

Xin hỏi, tổng học phí 1 khóa học tại FUNiX là bao nhiêu ạ?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Chào em, Chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật phần mềm tại FUNiX gồm 8 Học kỳ tương ứng với 8 kỹ năng khác nhau trong nghề lập trình (học xong kỳ nào nhận chứng chỉ kỹ năng đó). Mỗi kỳ học kéo dài từ 4 đến 6 tháng (tùy vào tốc độ của người học). Học phí mỗi kỳ học giao động từ 9,5 triệu đến hơn 13 triệu. Thông tin chi tiết em có thể tham khảo tại link: https://www.funix.edu.vn/hoc-phi/

Mai Phương – Nữ – Hà Nội

Anh Tuấn cho hỏi tại sao anh lại chọn học CNTT và tại sao lại chọn FUNiX? Anh định học để lấy Bằng Đại học hay học ngắn hạn để đi làm ở FPT Software thôi?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào Mai Phương. Mình chọn CNTT là vì mình có niềm đam mê với lập trình và ước mơ là góp phần tạo ra những phần mềm có ích cho cuộc sống. Lý do mình chọn FUNiX là bởi vì thời gian học rất thoải mái cũng như cách thức học online giúp mình có  thể học ở bất cứ nơi đâu, mọi thứ rất là tiện. Còn ý định của mình là học lấy bằng vì mình cũng chưa có bằng, dù sao việc học cũng không ảnh hưởng đến việc đi làm của mình vì nó khá là thoải mái.

Sinh viên FUNiX – Bạch Thanh Tuấn cho biết, nhu cầu về nhân lực CNTT ngày càng lớn và chỉ cần người học nắm chắc những kiến thức ở 3 chứng chỉ đầu của FUNiX là bạn hoàn toàn đi làm ngay được.

Phạm Nguyễn Anh Khoa – Nam – TPHCM

Mong anh tư vấn Bằng Đại học FUNIX cấp có đủ tiêu chuẩn điều kiện để học thạc sĩ ở các trường đại học trong nước và nước ngoài không?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Bằng Đại học của FUNiX là Bằng Kỹ sư Kỹ thuật phần mềm hệ từ xa, do Đại học FPT cấp, được Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam công nhận.

Ở trong nước, thì như bất kỳ bằng cấp nào được kiểm định bởi Bộ Giáo dục & Đào tạo, sinh viên sở hữu Bằng Đại học của FUNiX đều có thể học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ như bình thường.

Với nước ngoài, mỗi quốc gia và mỗi trường lại có một quy định riêng về điều kiện đầu vào với bằng cấp của Việt Nam. Việc học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ có được hay không, em nên định vị rõ là trường nào và tìm hiểu kỹ trước để đảm bảo chắc chắn 100%. Trên thực tế chưa thấy có vấn đề gì.

Nguyễn Việt Hoàn – Nam – Hải Dương

Em đang học ngành xây dựng, muốn học để trở thành lập trình viên. Em thấy có 2 mô hình học hiệu quả cho người muốn đổi sang nghề lập trình hiện nay là học trực tuyến và bootcamp. Nhờ các anh đánh giá khách quan điểm mạnh của từng cách học. Người chưa từng học về lập trình như em nên học theo cách nào?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào bạn, nói về đào tạo trực tuyến thì khá rộng và theo mình hiểu thì bạn nghĩ rằng với đào tạo trực tuyến thì không được thực hành dự án như bootcamp. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan của mình mô hình trực tuyến FUNiX đang đáp ứng được đầy đủ những gì mô hình đào tạo khác có.

– Học viên theo học được quản lý lớp đôn đốc tiến độ cũng như tạo động lực học tập (Không như khóa đào tạo trực tuyến bán xong là không quan tâm đến học viên như trên internet rất nhiều).

– Học viên khi học gặp khó khăn về chuyên môn thì có mentor đang làm việc trong ngành hỗ trợ (Chat, Call, Teamview…) Đáp ứng tốt như bạn đang có giảng viên thực hành ngồi cạnh mà mô hình Bootcamp.

– Bạn có cộng đồng mentor rộng lớn là người làm trong nghề và có thể tuyển dụng bạn ngay khi bạn làm được việc mà chưa cần bạn phải tốt nghiệp. Bạn có thể vừa học vừa làm.

– Môn học được thiết kế bài bàn từ cơ bản đến nâng cao. Cho phép bạn có thể tiếp cận từ một người chưa biết về công nghệ thông tin (Một số mô hình đào tạo khác cần phải có kiến thức CNTT trước).

– Sau một số môn học thì bạn được làm project và được những mentor trong ngành hướng dẫn. Project này mô phỏng được những công việc thực tế nhất mà mentor đang làm việc hàng ngày.

– Hàng tháng có những buổi gặp mặt (xDay) để các bạn sinh viên được gặp gỡ trao đổi trực tiếp với các mentor. Mở rộng được network để phát triển tốt hơn cho sự nghiệp sau này.

Nguyễn Việt Hoàn – Nam – Hải Dương

Kính gửi các khách mời, tôi xin được hỏi: Tuổi nghề của nghề lập trình viên kéo dài bao lâu? Có phải các nhà tuyển dụng Việt Nam thường từ chối các lập trình viên lớn tuổi (ngoài 30 tuổi, cùng trình độ) vì khả năng lao động trí óc và sáng tạo không bằng giới trẻ hay không? Tôi ngoài 30 tuổi mới bắt đầu theo nghề lập trình thì cơ hội tương lai như thế nào? Xin cảm ơn.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software

Lập trình viên không có tuổi, ở nước ngoài có rất nhiều lập trình viên đã làm việc 15 – 20 năm thậm chí là 30 năm. Tại Việt Nam, do ngành IT tăng trưởng quá nóng và mức độ chuyên môn hoá chưa cao nên các lập trình viên chỉ làm chuyên môn 5-7 năm thường bị đẩy lên làm các vị trí cao hơn nên dẫn đến là có ít lập trình viên nhiều năm kinh nghiệm. Có 1 thực tế là các công ty tuyển dụng và quản trị dự án thường ngại tuyển dụng các lập trình viên có tuổi do lo ngại sức ì và kém năng động, điều này chỉ đúng với 1 số ứng viên đã không thể hiện được sự nhiệt huyết, kỹ năng, kinh nghiệm của mình trong các buổi phỏng vấn. Ngược lại rất nhiều lập trình viên lớn tuổi thể hiện được sự chín chắn trong công việc, kinh nghiệm, khả năng giao tiếp đã thuyết phục được các nhà tuyển dụng. Do đó, dù bạn có lớn tuổi bạn cần phải thể hiện được những gì mà nhà tuyển dụng, công ty cần ở bạn.

Lu Quoc Nghia –  sđt: 01225422xxx – email: nghiacw1379@

Mong anh cho biết sự khác nhau giữa Dev và Test?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Dev và Test là hai nhiệm vụ trong một dự án. Dev là người trực tiếp viết code cho dự án. Dev là người đóng vai trò lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện sản phẩm phần mềm. Dev có nhiệm vụ phức tạp hơn Tester vì thường xuyên phải chạy theo những công nghệ mới hơn của khách hàng hoặc thay đổi công nghệ mới của sản phẩm xây dựng.

Còn Tester là người kiểm thử. Nhiệm vụ Tester đóng vai trò phát hiện ra các lỗi của phần mềm do Dev tạo ra sau đó yêu cầu Dev sửa lỗi và giám sát các lỗi đó.Việc này đảm bảo chất lượng phần mềm.

 

Trần Ngọc Thắng – Nam – 20 tuổi – thangmhxx@

Liệu em có thể vừa học đại học chính quy vừa học đại học FUNiX được không? Em có thể chủ động thời gian học được không hay là cố định giờ học?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Hi bạn Trần Ngọc Thắng, việc bạn vừa học đại học chính quy vừa học FUNiX là hoàn toàn có thể được. Học FUNiX là bạn chủ động về mặt thời gian, bất cứ lúc nào rảnh đều có thể học được. Chỉ cần bạn sắp xếp thời gian hợp lý là bạn hàn toàn học ở cả 2 chỗ mà không ảnh hưởng gì. Mình biết ở FUNiX có rất nhiều bạn sinh viên đang học Đại học Ngoại Thương đến theo học, có vài bạn gần như sắp hoàn thành cả 2 bằng ĐH cùng lúc rồi. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn sắp xếp được thời gian để theo học cả 2 nơi nha bạn.

Văn Cương – Nam – Bình Dương

Chào mentor Quyết, em có 1 câu hỏi: mất bao nhiêu lâu thì có thể trở thành senior dev? Em thấy các bạn lập trình viên bây giờ trong CV đều tự nhận mình là senior dev sau khoảng 1 năm. Vậy có tiêu chuẩn nào về senior dev, junior dev không?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào bạn, thực ra khái niệm về Senior dev hay Junior dev cũng rất chung chung. Chưa chắc phân biệt Senior hay Junior qua thời gian làm việc. Nhưng theo mình thì ít nhất phải tầm 3 năm trở nên thì một bạn mới vào lập trình mới có thể trở thành Senior. Mỗi công ty khác nhau lại có những quy chuẩn để xác định là Junior hay Senior và một số công ty còn không có điều này.

Nhưng trong Fsoft thì dev được chia level rõ ràng hơn. Dev được chia làm 4 level. Dev1 đến Dev4. Và cũng được định nghĩa rất rõ ràng Dev level nào có những hard skill và những soft skill nào. Những điều này được dựa trên công việc mà họ phải đảm nhận. Dev4 là mức độ cao nhất của Dev và họ có thể làm những công việc giá trị hơn như PM,SA,BA…

Nguyễn Hữu Phúc – Nam – Quảng Ninh

Chào anh Nam, em biết đến FUNiX từ ngày Trường mới thành lập và trong một số trao đổi giữa phụ huynh với nhau có nói đến FUNiX. Năm nay con trai em lên lớp 10. Cháu thích máy tính và quen thuộc với các chương trình học tập online từ nhỏ. Gia đình định hướng cho cháu theo học FUNiX và lấy Bằng Đại học. Tuy nhiên, đang không rõ nên bắt đầu luôn từ bây giờ hay đợi cháu tốt nghiệp cấp 3 xong mới học?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Chào Phúc, cảm ơn em và các phụ huynh đã nhắc đến FUNiX, đặc biệt là định hướng học để lấy Bằng Đại học luôn tại FUNiX rất tiến bộ.

FUNiX không giới hạn độ tuổi. Em có thể cân nhắc lực học và thời gian của cháu ở trường phổ thông để quyết định. Tuy nhiên như em nói cháu “Thích máy tính và quen thuộc với các chương trình học tập online” thì theo anh là nên học luôn. CNTT như ngoại ngữ, học càng sớm càng tốt. Hiện tại ở FUNiX, số lượng học sinh cấp 2-3 theo học hiện chiếm tỉ lệ 15%. Trong đó khá nhiều học sinh lớp 10-11 cũng mục tiêu giống nhà em. Quan điểm của các gia đình là: Học sớm – Trưởng thành nhanh. Xong 3 năm cấp 3 là cũng có luôn bằng đại học. Sau đó đi làm để tích lũy kinh nghiệm, thích thì thêm 1-2 năm nữa vừa làm vừa học thêm các Chứng chỉ chuyên ngành…, Nói chung là khá vững rồi, trong khi các bạn cùng tuổi lúc đó mới bắt đầu chọn trường đại học.

Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ, FUNiX không giới hạn độ tuổi. Người học và phụ huynh có thể cân nhắc lực học và thời gian của mình để quyết định.

Mai Ngọc – Nữ – 22 tuổi – Hà Nội

Chào anh Tuấn, em năm nay đang học đại học năm thứ 3 ngành Kinh tế, nhưng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do đam mê, em muốn chuyển sang ngành CNTT. Em muốn vẫn tiếp tục học nốt ngành đang học và song song đó học FUNiX. Em muốn hỏi anh, nếu nghiêm túc học thì sau bao lâu em có thể đi làm được? Em cần biết để cân đối tài chính của bản thân. Cảm ơn anh.

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào bạn Mai Ngọc, nếu nghiêm túc học thì bao lâu đi làm mình không dám nói chắc, nhưng theo mình biết có rất nhiều trường hợp đi làm sau khi học xong 1 chứng chỉ, chậm hơn cũng chỉ sau chứng chỉ 2,3 . Sau đó vừa làm vừa học bạn vừa có lương vừa được trainning như ở chương trình fresher của FPT. Nhu cầu về nhân lực CNTT ngày càng lớn và chỉ bạn nắm chắc những kiến thức ở 3 chứng chỉ đầu là bạn hoàn toàn đi làm ngay được. Chúc bạn sớm học xong để đi làm.

Lu Quoc Nghia – nghiacwxx@ – sđt: 01225422xxx

Xin hỏi, cần những yếu tố nào để trở thành lập trình viên, thưa anh?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào bạn, để trở thành lập trình viên thì mình nghĩ bạn cần: (1) Sự yêu thích công nghệ và đam mê những công nghệ mới; (2) Định hướng rõ ràng và quyết tâm, cần mẫn theo đuổi và sẵn sàng học tập, nghiên cứu công nghệ mới vì công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh; và (3) Có khả năng tư duy logic tốt và sử dụng thành tạo tiếng Anh là những ưu điểm lớn để thành công trên lĩnh vực này.

Tuyên Đoàn – Nam – Hòa Bình

Nhờ các anh tư vấn: Lộ trình nghề nghiệp của lập trình viên là gì? Sau 10-15 năm thì LTV có thể trở thành vị trí gì?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software

Có rất nhiều con đường, nhiều hướng rẽ cho nghề làm Software, 1 lập trình viên có thể theo các nghề sau:

– Chỉ làm 1 lập trình viên chuyên môn hoá theo 1 công nghệ nào đó 10 – 15 năm: hiện nay các lập trình viên có kinh nghiệm tốt về công nghệ nào đó có mức thu nhập khá tốt, có thể từ 1200 – 2000 usd/tháng

– Phát triển tiếp theo hướng Technical Leader hoặc Solution Architect: mức thu nhập có thể từ 1500 – 3000 usd/tháng

– Chuyển ngạch theo hướng quản trị dư án, nếu có kinh nghiệm thì có thể đạt mức thu nhập thu nhập 1200 – 3000 usd/tháng hoặc có thể phát triển cao hơn làm giám đốc dự án, giám đốc đơn vị sản xuất, giám đốc công ty với mức thu nhập rất cao…

– Hoặc có thể làm các công việc khác như phân tích yêu cầu (BA), Tester…

Minh Khuê – Nữ – 20 tuổi – Hà Nội

Anh Tuấn ơi, trước đây anh rẽ ngang ngành Y sang CNTT, chỉ đơn thuần vì đam mê thôi hay cũng nắm được đâu đó về tiềm năng tuyển dụng của ngành này? Bản thân em đang là sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật. Em thích CNTT nhưng khá lăn tăn về vấn đề việc làm khi học xong. 

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào bạn Minh Khuê. Thật hâm mộ bạn vì bạn là sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật. Nếu như bạn có ý định chuyển sang CNTT thì có thể đây là cơ hội của bạn, theo mình biết thì Việt Nam nhận rất nhiều dự án từ nhật và nhân lực IT biết tiếng Nhật lại cực kỳ ít ỏi, nhu cầu về nhân lực vừa biết IT lại biết tiếng Nhật là siêu siêu lớn, thậm chí nhiều nơi tuyển dụng chỉ yêu cầu người biết tiếng Nhật và 1 chút ít IT thôi họ vẫn nhận vào làm rồi đạo tạo về IT thêm, lương lại cao nữa chứ. Vì vậy nếu bạn đã biết tiếng Nhật rồi thì khỏi lo về việc làm nếu học thêm CNTT nữa nhé. Còn về mình thì trước đây mình rẽ sang CNTT là do đam mê là chính nha.

Nam Khánh – Nam – 17 tuổi – TP. HCM

Chào anh Quyết, em đang là học sinh lớp 11 thôi ạ, em rất thích CNTT và quyết tâm lập nghiệp ở nghề này. Mục tiêu của em là trở thành lập trình viên trong 5 năm tới. Nhưng thú thật, đường đi nước bước của em chưa được rõ ràng lắm, thầy có thể vạch ra giúp em một lộ trình hợp lý không ạ?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phụ huynh và đặc biệt các học sinh – sinh viên tại buổi tư vấn.

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, anh thấy rất vui vì em đã có định hướng khá rõ ràng cho nghề nghiệp của em sau này. Anh khuyên là nếu em thực sự đam mê với ngành CNTT thì ngay bây giờ em có thể dành thời gian cho việc học tập công nghệ. Em có thể học tập những thứ cơ bản ở trường như các môn lập trình hoặc tự học lập trình web…(Theo anh hiểu thì ở trường cấp 3 cũng có môn tin học). Sau đó em sẽ lựa chọn một Đại học có khả năng đào tạo công nghệ tốt như Đại học FPT chẳng hạn.

Có một cách nhanh hơn là em nên dành thời gian cho việc đào tạo bài bản ngay từ bây giờ và cũng là cơ hội em thử trải nghiệm với việc học công nghệ thông tin bằng cách chọn môi trường học FUNiX. Ở môi trường này có rất nhiều điểm lợi ích và đặc biệt em sẽ được học một giáo trình bài bản và tiếp cận với các mentor là chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin. Em sẽ có cơ hội mở mang ra rất nhiều. Anh nghĩ rằng nếu em thực sự đam mê và chọn môi trường học tốt như FUNiX thì em có thể trở thành lập trình viên sớm hơn có thể chỉ là 1-2 năm nữa. Chúc em thành công trên con đường em đã lựa chọn.

Nguyễn Hồng Phương – U Minh Thượng, Kiên Giang

Xin hỏi, tôi näm nay 42 tuổi học ở FUNiX có còn phù hợp không? Học xong thì FPT còn nhận vào làm việc không?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Chào em, ở FUNiX không có khái niệm “học sớm” hay “học muộn”. Chúng tôi không giới hạn độ tuổi, trình độ, bất kỳ ai có đam mê và mong muốn được học về CNTT đều có thể nộp đơn vào trường.

Các chuyên gia sẽ tiến hành phỏng vấn ứng viên, chỉ cần bạn thực sự muốn học và có điều kiện (thời gian, học phí) để học đều được nhận. Trường có chương trình học gồm 8 chứng chỉ riêng biệt, sinh viên có thể học hết cả 8 chứng chỉ để lấy bằng Kỹ sư công nghệ phần mềm hoặc chỉ học những chứng chỉ cần thiết cho công việc của mình. Học tới đâu trường sẽ cấp chứng chỉ tới đó.

Về phần tuyển dụng đầu vào của FPT, từ xưa đến nay chỉ căn cứ vào trình độ, chưa bao giờ xét tuyển dựa vào tuổi đời khi sức khỏe bạn còn đáp ứng đủ yêu cầu công việc.

Sinh viên và mentor FUNiX trong buổi xDay tháng 8/2018.. Đây là chương trình gặp gỡ, giao lưu hằng tháng của sinh viên FUNiX.

Nguyễn Nam – Nam – 47 tuổi – Nam Định

Chào Tuấn, con trai chú năm nay 18 tuổi, em rất thích CNTT. Một số Trường ĐH đã công bố kết quả xét tuyển đợt 1, tuy nhiên gia đình vẫn đang khá loay hoay việc chọn Trường nào. Mục tiêu của chú và con trước mắt chỉ đơn giản là vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm để khi ra trường có thể làm được việc, không bị non nớt – bỡ ngỡ vì mới chỉ nắm được lý thuyết. Cháu có gợi ý gì giúp chú không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Cháu chào chú Nam. Việc lựa chọn trường ĐH cho em cũng thật sự khó bởi vì đây là bước ngoặt liên quan đến cuộc sống của em nó sau này, nhưng với việc em nó thích CNTT thì cháu nghĩ là em nó nên theo học ngành này. Với niềm yêu thích thì cháu tin là em nó sẽ có thành tích học tập tốt cũng như với nhu cầu về nhân lực hiện nay thì em n ó chắc chắn sẽ tìm được việc làm. Còn về chọn trường thì cháu thấy chú cũng thử tham khảo trên Internet xem thế nào ạ, riêng cháu thì luôn tin tưởng vào khối Giáo dục của FPT như là Đại học FPT, Cao đẳng Thực hành FPT, FPT Aptech… và như cháu thì là học FUNiX – Một mô hình học CNTT rất mới và hiệu quả.

Riêng về học FUNiX thì việc có việc làm sau 2-3 chứng chỉ thì nhiều lắm chú ạ, cháu biết một trường hợp mới 19 tuổi là nhân viên trẻ nhất FSoft, bạn ấy học xong cấp 3 rồi theo học FUNiX luôn, sau vài tháng đã đến FPT thực tập và rồi được nhận ngay sau khi hoàn thành khóa Fresher của FPT Software. Với trường hợp em nhà chú theo học FUNiX và trở thành nhan viên trẻ là điều hoàn toàn có thể. Cháu chúc chú tìm được môi trường học tập tốt cho em nó!

Bùi Mạnh – Nam – 22 tuổi – Bắc Giang

Chào thầy Quyết, là mentor của FUNiX, đã khi nào thầy phải “bó tay” trước một sinh viên nào chưa ạ? Khi sinh viên gặp khó với việc tiếp nhận kiến thức thì các anh thường sẽ làm gì ạ? 

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, những câu hỏi của em rất hay.

Thứ nhất, chia sẻ với em là các bạn sinh viên nhà mình có nhiều bạn rất giỏi. Thực sự là có những câu hỏi mình phải loay hoay lắm mới trả lời được câu hỏi của các bạn. Thường với những câu hỏi khó thì mình thường cố gắng cùng giải quyết với sinh viên. Tuy nhiên, có những câu hỏi về những vấn đề mình chưa nghiên cứu thì cũng phải nhờ mentor khác hỗ trợ. Nhưng thực sự rất thú vị và tự hào khi có những bạn sinh viên hỏi khó. Vì việc này lại là thúc đẩy để mentor tìm tòi thêm để bổ sung kiến thức cho mình.

Thứ hai, thực ra thì cũng rất nhiều trường hợp mà sinh viên không tiếp nhận được kiến thức nhanh như mình mong muốn. Tuy nhiên rất may thì mình cũng từng đi giảng công nghệ khá nhiều nơi nên mình cũng có một số kỹ năng nhất định. Có thể là call trực tiếp, teamview để gỡ lỗi, ví dụ cho các bạn. Một số sinh viên yếu mình cũng chủ động theo dõi lại những gì mình hướng dẫn bạn đã làm được chưa. Nhìn chung là mình tự nhận thấy mình khá kiên nhẫn trong quá trình hướng dẫn và cũng đạt một số hiệu quả.

Mỗi tháng sinh viên FUNiX đều được giao lưu và nghe chia sẻ một chủ đề về công nghệ, văn hóa, nghệ thuật… Diễn giả của chương trình đều là các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nguyễn Nhi – Nữ – TP. HCM

Điều kiện để một người theo học tại FUNiX là gì, thưa anh?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

FUNiX không giới hạn độ tuổi, trình độ, bất kỳ ai có đam mê và nguyện vọng được học đều có thể nộp đơn vào trường.

Thí sinh muốn theo học chỉ cần đăng ký và viết đơn cam kết dành thời gian để học. Nếu sinh viên muốn lấy bằng đại học, phải có bằng phổ thông Trung học, còn nếu không thì thậm chí không cần bằng phổ thông. Thực tế là 10-15% sinh viên Funix là các em học sinh phổ thông.

Tiếng Anh không phải là điều kiện đầu vào của FUNiX, nhưng quá trình học các bạn sẽ tự trau dồi và trang bị vốn ngoại ngữ cần cho chính công việc mà bạn theo đuổi.

Cán bộ Tuyển sinh và Mentor sẽ liên hệ với người học, tìm hiểu nhu cầu, tư vấn thông tin và hỗ trợ người học nhập học.

Khi nhập học, thời gian đầu bỡ ngỡ với cách học mới, sinh viên sẽ được Hannah (cán bộ Công tác sinh viên) kèm cặp sát.

Hải Triều – Nam – 18 tuổi – Hà Nội

Chào anh Tuấn, em đang khá lo lắng anh ạ, việc chọn trường sắp hết hạn rồi mà bản thân vẫn chưa có đáp án cho mình, nguyên nhân là do em và gia đình chưa thống nhất quan điểm. Em dự tính vào học FUNiX luôn và học để lấy Bằng Đại học. Tuy nhiên gia đình vẫn phản đối vì chưa tin tưởng hình thức học trực tuyến, sợ học không chất lượng và ra trường không ai nhận. Là sinh viên trong trường, anh thấy cách nghĩ này có đúng không anh?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Hi Hải Triều. Cách nghĩ của gia đình em giống hệt gia đình anh khi anh chưa theo học. Nhưng mà một thời gian sau thì chẳng ai trong gia đình anh nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng mà anh cũng phải công nhận là hình thức học trực tuyến nó mới ở Việt Nam quá, vì thế các gia đình mới chưa tin tưởng. Mọi thứ cứ phải được khẳng định và chứng minh bằng thời gian phải không em :)? Em cứ theo học, chăm chỉ tìm tòi, sau 3-6 tháng đi làm, vừa thực tập vừa học vừa có lương giống như hầu hết các bạn học funix thì anh tin gia đình em chẳng còn ai phản đối nữa. 

Lưu Minh Tuấn – Nam – Hà Nội

Anh Đỗ Ngọc Hoàng có thể chia sẻ về lộ trình thu nhập của 1 dev từ fresher, junior, senior, master tại FSoft được không ạ? Em cảm ơn anh!

Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Software

FSOFT tuyển dụng các bạn sinh viên mới tốt nghiệp để đào tạo tập trung theo chương trình tại Fresher Academy. Trong giai đoạn học đươc nhận lương như đi làm, bắt đầu từ khoảng 300 USD và sau khi được vào dự án, thu nhập sẽ thay đổi theo năng lực & sự đóng góp cho các dự án của bạn tại công ty. Thu nhâp được xem xét 2 lần theo 2 kỳ checkpoint trong năm, các vị trí junior từ 300-800 USD, senior từ 800-2,000 USD và cao hơn nữa ở các level khác.

Sinh viên FUNiX học mọi lúc, mọi nơi – miễn là muốn học và có Internet. Ảnh: Sinh viên FUNiX.

Nguyễn Sang – Nam – 40 tuổi – TP. HCM

Chào anh Quyết, tôi có đứa cháu họ năm nay vào lớp 11. Mẹ cháu mất sớm nên tôi trở thành người định hướng việc học và ngành nghề cho cháu. Cháu thích CNTT, nhận thức trước đây khá tốt nhưng 2 năm nay kết quả không được như ý do nhiều nguyên nhân. Tôi định hướng cháu theo học CNTT, nhưng thú thật là chưa biết chọn trường nào, học chuyên ngành gì để tiết kiệm thời gian học và đi làm sớm theo nguyện vọng của cháu.

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Xin chào anh, ngành công nghệ thông tin hiện tại là ngành đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực đáp ứng thị trường trong nước và nước ngoài. Cho nên cơ hội việc làm trong nghề này là rất lớn và có thu nhập khá tốt.

Tuy nhiên theo như hoàn cảnh của cháu như này thì em hiểu là việc theo đuổi một trường đại học một thời gian dài là rất tốn kém và cũng có những khó khăn nhất định.

Ở FUNiX là một môi trường đào tạo khá mới ở Việt Nam. Ở đây các bạn học viên được học trên giáo trình thiết kế khá bài bản, tiếp cận với ngôn ngữ tiếng Anh, cùng một số lượng lớn mentor là các chuyên gia đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Các mentor này cũng có thể tuyển dụng chính học viên của mình khi đang học và đi làm ngay. Cho nên việc đào tạo này là khá phù hợp với hoàn cảnh của cháu. Tuy nhiên anh cũng cần xác định với cháu là học thì phải đam mê và giữ được động lực học thì mới đạt kết quả tốt nhất. Rất nhiều học viên đã có việc làm chỉ sau 1 năm học. Đặc biệt nữa là cháu có thể tham gia học ngay bây giờ mà chưa cần tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên anh cũng khuyên cháu là cân bằng được việc học ở trường cấp 3 và đi học FUNiX để mình đạt được mục tiêu học nhanh và kiếm tiền sớm của FUNiX.

Đức Huy – Nam – 18 tuổi – Quảng Ninh

Anh Tuấn ơi, học online có bất tiện lắm không anh? Kiểu như khó hiểu bài do không được nghe giảng trực tiếp từ giáo viên hay sinh viên thì lại không được chém gió cùng nhau nên muốn hỏi bài, giao lưu với nhau là gần như không có? Bản thân anh học, anh có gặp những trở ngại như thế khi học không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào Đức Huy. Câu hỏi của em rất hay. Những vấn đề của em đúng là vấn đề sẽ có thể xảy ra khi học online. May mà Funix đã có giải pháp cho nó là bất kỳ chỗ nào em không hiểu em đều có thể hỏi trực tiếp mentor (mentor là những người trong ngành đang đi làm và siêu giỏi về chuyên môn), em có thể hỏi mentor ở bất cứ nơi đâu hay khung giờ nào, mọi thắc mắc của em đều được giải đáp, anh thấy nó còn hữu hiệu hơn là học offline vì chỉ hỏi khi lên lớp. Còn giao lưu với sinh viên khác thì với mạng xã hội bây giờ chắc chắn là quá dễ rồi đúng không em, chát nhóm rồi group thoải mái thảo luận.

Dù học online nhưng những cơ hội gặp gỡ, giao lưu của sinh viên FUNiX vẫn được diễn ra khá thường xuyên.

Minh Phương – 50 tuổi – Thanh Hóa

Dear anh Nam, rất nhiều nhân vật trong giới công nghệ Việt Nam chia sẻ rằng cách mạng 4.0 đang đến gần. Nhưng nhìn vào nhiều ví dụ ở Việt Nam (chẳng hạn sự cố rất 1.0 về chấm và kiểm soát thi cử THPT vừa rồi) thì 1 người bình thường như em cảm thấy cách mạng công nghệ 4.0 vẫn còn quá xa vời, vẫn chỉ là “tầm nhìn” hay “khẩu hiệu”. Cách mạng 4.0 đang đến gần, anh dự báo bao lâu nữa thì nó sẽ đến thật?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Thực ra là đang xảy ra rồi. Tất nhiên là chúng ta có thể ngồi đợi, giải quyết hết các vấn đề 1.0 rồi mới đi tiếp. Nhưng lớp trẻ có năng lực, có thể tranh thủ thời cơ, sử dụng ngay các công nghệ mới để giải quyết các vấn đề 1.0.

Lê Ngọc Anh –  sđt: 0163426xxx- email: Lengocanhflxxxx@- Thanh Hóa

CNTT có rất nhiều mảng. Liệu bây giờ cháu theo mảng nào thì sau này vẫn bắt kịp xu thế. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo hay hệ thống thông tin chẳng hạn?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, đúng là ngành CNTT hiện tại đang rất rộng. Và bản thân ngành này cũng đã chia ra rất nhiều chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Quản trị mạng… Trí tuệ nhân tạo hay là Hệ thống thông tin như em nhắc tới cũng là những chủ đề rất lớn trong ngành công nghệ thông tin hiện nay ví dụ như: AI, Big-Data, Robotics…

Cho nên theo anh bây giờ em nên định hướng mình theo ngành CNTT trước. Nắm vững được những kiến thức cơ sở ngành như là: Lập trình căn bản, Thuật toán, Cơ sở dữ liệu…

Sau khi em đã có kiến thức nền tảng tốt thì khi đó em hãy định hướng đi của mình theo gì mình thực sự thích và đam mê. Nếu thực sự đam mê ngành công nghệ thông tin thì em sẽ bắt kịp xu thế. Em hãy lựa chọn vào các dự án ngành công nghệ về những lĩnh vực mình yêu thích thì sự nghiệp phát triển khá tốt và có nhiều cơ hội nghiên cứu công nghệ sâu như AI trong xử lý hình ảnh, Phần tích dữ liệu… Hoặc Big-Data trong hệ thống thông tin, Doanh nghiệp…

Đức Huy – Nam – 18 tuổi – Quảng Ninh

Anh Tuấn ơi, học online có bất tiện lắm không anh? Kiểu như khó hiểu bài do không được nghe giảng trực tiếp từ giáo viên hay sinh viên thì lại không được chém gió cùng nhau nên muốn hỏi bài, giao lưu với nhau là gần như không có? Bản thân anh học, anh có gặp những trở ngại như thế khi học không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào Đức Huy. Câu hỏi của em rất hay. Những vấn đề của em đúng là vấn đề sẽ có thể xảy ra khi học online. May mà FUNiX đã có giải pháp cho nó là bất kỳ chỗ nào em không hiểu em đều có thể hỏi trực tiếp mentor ( mentor là những người trong ngành đang đi làm và siêu giỏi về chuyên môn), em có thể hỏi mentor ở bất cứ nơi đâu hay khung giờ nào, mọi thắc mắc của em đều được giải đáp, anh thấy nó còn hữu hiệu hơn là học offline vì chỉ hỏi khi lên lớp :D. Còn giao lưu với sinh viên khác thì với mạng xã hội bây giờ chắc chắn là quá dễ rồi đúng không em, chát nhóm rồi group thoải mái thảo luận :). Hi chúc em một ngày vui, có câu hỏi cứ gửi thêm nhé.

Hùng Nguyễn – Nam – Hà Nội

Không biết FUNiX có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong thời gian tới không, thưa anh?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Không phải là kế hoạch nữa mà FUNiX đang chuẩn bị đưa ra những khóa công nghệ cực hot như Automotive Programming (cho xe tự hành) hay BlockChain.

Nông Minh Anh  – sđt: 0169467xxxx – email: nongmanhbh2001@             

Cháu rất muốn trở thành lập trình viên nhưng lại chưa hiểu rõ về nghề này. Cháu thấy CNTT có rất nhiều ngành thì không biết nên chọn ngành nào cho đầu ra ổn định? Cháu cũng chưa hình dung được môi trường làm việc sau này ra sao?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, đúng là ngành CNTT hiện tại đang rất rộng. Và bản thân ngành CNTT cũng đã chia ra rất nhiều chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, Quản trị mạng… Trí tuệ nhân tạo hay là hệ thống thông tin như em nhắc tới cũng là những chủ đề rất lớn trong ngành công nghệ thông tin hiện nay ví dụ như: AI, Big-Data, Robotics…

Cho nên theo anh bây giờ em nên định hướng mình theo ngành công nghệ thông tin trước. Nắm vững được những kiến thức cơ sở ngành như là: Lập trình căn bản, Thuật toán, Cơ sở dữ liệu…

Sau khi em đã có kiến thức nền tảng tốt thì khi đó em hãy định hướng đi của mình theo gì mình thực sự thích và đam mê. Nếu thực sự đam mê ngành công nghệ thông tin thì em sẽ bắt kịp xu thế. Em hãy lựa chọn vào các dự án ngành công nghệ về những lĩnh vực mình yêu thích thì sự nghiệp phát triển khá tốt và có nhiều cơ hội nghiên cứu công nghệ sâu.

Về môi trường làm việc công nghệ thông tin cũng rất đa dạng:

–        Outsource phần mềm cho thị trường nước ngoài (Nhật, Mỹ, Hàn, Singapore…)

–        Xây dựng sản phẩm (Game, app mobile, phần mềm quản lý…)

–        Nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới (IoT, AI, Big-Data…)

Về cơ bản thì  ở môi trường làm việc nào thì cơ hội thu nhập của em đều rất tốt nếu như em thực sự đam mê và có năng lực.

Phan Viết Phúc – sđt: 08691837xx- email: Protestxxx@

Em thấy bằng của trường là hệ đào tạo từ xa, vậy nên em thắc mắc liệu ngoài hệ thống FPT thì các công ty, tổ chức và Bộ Giáo dục có công nhận? 

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Bình thường em. Chắc chắn! 

Minh Nghĩa – Nam – 20 tuổi – Hà Nội

Anh Tuấn ơi, giáo trình của FUNiX em nghe nói đều là free mà, kiểu dẫn nguồn từ trên mạng ấy. Tại sao anh không tự google trên mạng rồi học mà phải mất học phí cho FUNiX để học thế ạ? Đôi điều em nghĩ thôi, nếu không phải mong anh bỏ qua.

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Em nói đúng một nửa. Giáo trình FUNiX còn có nhiều môn phải mua trên Udemy nữa. Ngoài ra anh rất hoan nghênh việc tự google tự học để tiết kiệm, tuy nhiên có nhiều nội dung trên internet không được làm hệ thống cho lắm, em sẽ phải tự mò đường đi đúng đắn cho bản thân khi đứng trước rất nhiều con đường, chọn sai có thể sẽ lãng phí nhiều thời gian. Còn đến với FUNiX thì em chỉ có một con đường, cứ thế đi và… tới đích thôi em. Và tất nhiên khi tới được đích thì em sẽ có một món quà. Đó là tấm bằng đại học tượng trưng cho những nỗ lực của em! 

Học online, nhưng trong những tình huống cần trao đổi trực tiếp, mentor và sinh viên FUNiX vẫn gặp nhau như thường. Trong ảnh là mentor Nguyễn Viết Hiền và sinh viên Nguyễn Văn Tuân từ Bắc Ninh ra Hà Nội “tầm sư học đạo”. Ảnh: Mentor Hiền NV.

Vương Thế Minh Thăng – Sđt: 0902284213 – email: Minhthang3792@

Làm sao và phương pháp để chúng ta tự học và tiếp nhận công nghệ mới? Các môn toán cao cấp và tư duy lập trình ảnh hưởng đến nghề lập trình viên như thế nào?    

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào bạn, mình trả lời theo 2 ý của bạn.

Thứ nhất, làm sao để tiếp nhận được công nghệ mới? Bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản trong nội dung bạn muốn nghiên cứu trước. Ví dụ về Big-Data bạn muốn giỏi thì bạn cần phải có những kiến thức cơ sở về database, kiến thức cơ sở dữ liệu phân tán, Các dạng cơ sở dữ liệu… Sau đó mới đi chuyên sâu được.

Bạn nên tham gia các cộng đồng nghiên cứu công nghệ mà bạn cần học hỏi và nghiên cứu. Các cộng đồng này có rất nhiều trên thế giới  và Việt Nam. Ví dụ như cộng đồng AWS Việt Nam nếu như bạn muốn nghiên cứu về dịch vụ của Amazon…

Cần có Tiếng Anh để bạn có thể giao lưu với các cộng đồng nghiên cứu cùng định hướng. Đó là điều kiện tốt nhất để bạn tiếp cận với các công nghệ mới nhất trên thế giới.

Thứ hai, kiến thức về toán và thuật toán có ảnh hưởng gì? Về mặt cơ bản thì nếu là người có tư duy toán và thuật toán tốt thì ảnh hưởng tốt đến bạn trong công việc hàng ngày về nghiên cứu cũng như lập trình. Bạn sẽ tối ưu rất tốt các đoạn code, các hàm…

Ngoài ra bạn có thể tiếp cận tốt hơn, nhanh hơn với các công nghệ mới hơn và khó hơn như AI, Big-Data…

Cơ hội phát triển nhanh hơn vì bạn có thể được join vào các dự án khó mà cần nhiều khả năng nghiên cứu và tối ưu.

Nguyễn Nguyên Lộc – Sđt: 094811xxx – email: nnlocxxx@- TP.Vinh, Nghệ An

Để rèn luyện tư duy lập trình cho những người mới vào nghành em nên học ngôn ngữ nào? Em cần chuẩn bị những gì để có thể theo đuổi lĩnh vực Big Data? Khả năng toán học của em không tốt liệu đó có ảnh hưởng đến con đường lập trình của em không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào Lộc. Để rèn luyện tư duy lập trình thì ngôn ngữ nào anh thấy đều ổn hết. Về mặt cơ bản các ngôn ngữ đều giống nhau, chỉ khi đi vào chuyên sâu em mới thấy nó khác. Còn em muốn làm về Big Data thì cần học Machine Learning để khai thác dữ liệu, em cần tốt về toán một chút. Anh có lời khuyên là em nên học tốt về đại sô tuyến tính, đạo hàm, xác suất thống kê… Nếu Toán không tốt rất khó để theo được Machine Learning, tuy nhiên nếu cố gắng anh tin em làm được. Chúc em thành công!

Nguyễn Thắng Hưng – nthung942014@gmail.com – Diên Phước, Diên Khánh, Khánh Hoà

Muốn học lập trình game và phần mềm điện thoại thì cần học những gì? Nếu không có tấm bằng nào về CNTT có được đi làm không?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, nếu thực sự em yêu thích ngành CNTT thì anh khuyên em có các bước sau để có thể trở thành lập trình viên Game hoặc các App Mobile.

Thứ nhất, em cần có kiến thức nền tảng tốt. Ví dụ như những kiến thức về thuật toán, cơ sở dữ liệu, lập trình căn bản… Đây là bước đệm rất tốt để em đi xa hơn.

Thứ hai, sau đó em tiếp tục tập trung vào những môn học mà em yêu thích như: Lập trình di động, lập trình game. Trên thị trường di động hiện nay có rất nhiều platform tốt để em có thể lập trình trên đó để có thể tạo ra các ứng dụng mà em mong muốn hoặc vào các dự án theo đúng định hướng của em. Vì thực tế lập trình game và app mobile bây giờ cũng rất nhiều hướng đi. Em nên chọn 1 platform mà em thích nhất để làm việc được trong dự án và sau đó mở dần kiến thức của mình thì tỷ lệ thành công của em sẽ rất cao.

Thứ ba, không có Bằng CNTT thì em vẫn có thể đi làm được. Việc này anh khẳng định. Vì hiện nay nguồn lực công nghệ thông tin đang rất thiếu và các công ty hiên nay đa số coi trọng người làm được việc hơn là bằng cấp họ có. Có rất nhiều học viên FUNiX chưa tốt nghiệp mà đã đi làm chỉ sau một thời gian ngắn đào tạo.

Sinh viên FUNiX trong một buổi nói chuyện với chuyên gia về các chủ đề công nghệ.

Nguyễn Đình Duy – Lào Cai – sinh viên FUNiX

Chào các anh, em hiện tại đang làm công việc kinh doanh tại Lào Cai. Vì em mới theo học lập trình tại FUNiX nên nếu em chuyển hẳn sang công việc lập trình viên thì mức lương sẽ không cao vì chưa có đủ kinh nghiệm. Và công việc về lập trình tại FPT Software hay các công ty khác đòi hỏi phải làm tại các thành phố lớn. Em muốn có cơ hội thực tập làm lập trình viên theo hướng làm online trước để tích lũy kinh nghiệm và kiểm tra năng lực bản thân xem có phù hợp với công việc này không?

Bạn Bạch Thanh Tuấn – sinh viên FUNiX

Chào Duy. Hiện làm online thì hầu hết đều là freelance, bạn sẽ nhận dự án và triển khai làm (có thể có team riêng) chứ về mặt làm tại công ty thì mình chưa biết có công ty nào cho thực tập online không? Khả năng là rất ít vì làm việc tại môi trường công ty cần quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể nhận các công việc freelance để làm. Có rất nhiều task được đăng lên Internet cần người giải quyết. Bạn lên https://www.vlance.vn/ để tìm hiểu chi tiết nha.

Võ Trung Thạnh – sđt: 0943508xxx- email: jnsxs@outlook.com

Thưa ong Nguyễn Thành Nam! Ở FUNiX yêu cầu sinh viên, phải hoàn thành  bài tập, là các sản phẩm thực tế  để có thể qua môn, rất sát với yêu cầu công việc. Bởi vì học cái gì thì cũng chỉ để làm ra sản phẩm.  Nhưng giáo trình của FUNiX là Mooc và Internet đã được xây dựng trước từ rất nhiều nguồn khác nhau, không được thiết kế tối ưu cho các phần bài tập của FUNiX, nội dung khá cũ, đôi lúc trái ngược hoàn toàn với bài tập và các phiên bản IDE hiện tại. Sinh viên chưa có đủ kiến thức cái cũ, phải tìm cách giải quyết mới lại không biết cái nào mới nhất. Việc tìm kiếm lòng vòng, mất rất nhiều thời gian để rèn luyện các kỹ năng khác, đôi khi học lỏm làm được nhưng không hiểu sâu, nhiều lỗ hổng kiến thức. Hệ thống Mentor, rất khó để sinh viên mô tả vấn đề, đôi khi hỏi vấn đề quá cơ bản Mentor cho là sinh viên lười học, thực sự là do giáo trình thiếu sót “Râu ông nọ cắm cằm bà kia,”. Thực sự giáo trình ok Mentor chỉ để tư vấn, giải đáp cái khó hiểu, hướng đi phù hợp, mẹo hay… Việc tự học đã khó, mà phải học lỏm như vậy, có thể cho là được đào tạo bài bản chăng?

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Thứ nhất, giáo trình của FUNiX được dựa trên một triết lý nhất quán, trên cơ sở đó mới tìm các MOOC và bài tập phù hợp. Thứ hai, mentor FUNiX không hề ngại các câu cơ bản và sẵn sàng làm việc off-line đến bao giờ hiểu mới thôi. Thứ ba, trên cơ sở các đóng góp của sinh viên và mentor, hệ thống sẽ được điều chỉnh ngay, bảo đảm tính cập nhật.

Sinh viên FUNiX trong cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018. Dù học online, điều kiện không gian và múi thời gian khác nhau, nhưng sức thi đấu của các em vẫn được đánh giá ở mức ngang ngửa với các đội tuyển của các trường đại học truyền thống.

Trần Ngọc Nam – sđt: 01633066xxx- email: ngocnamxxx@ – Bình Định

Cho em hỏi tầm 4-5 năm sau… ngành CNTT còn cần nhiều nhân lực không? Tầm 4-5 năm sau xin việc ngành CNTT ở đâu là dễ nhất?

Ông Nguyễn Quyết – mentor FUNiX, giảng viên CNTT, Tập đoàn CMC

Chào em, ý thứ 1, với xu hướng cách mạng 4.0 hiện nay và được nhắc tới rất nhiều thì ngành CNTT đóng vai trò rất lớn. Ngoài ra, nhìn các nước phát triển trước Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc thì công nghệ thông tin xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống, Doanh nghiệp, Chính phủ…

Anh không khẳng định 100% nhưng theo anh nghĩ thì ngành CNTT còn thiếu rất nhiều nhân lực trong tương lai. Vấn đề chỉ là người làm CNTT có đáp ứng được sự thay đổi chóng mặt của ngành này hay không thôi.

Ý thứ 2, ý này rất khó, Tuy nhiên theo anh 4-5 năm nữa thì cuộc cách mạng 4.0 vẫn phát triển rất mạnh mẽ. Cho nên các bạn học ngành CNTT cần phải đi vào những chủ đề khó để đáp ứng nhu cầu nguồn lực chất lượng cao như : IoT, Big-Data, Robotics… Tuy nhiên anh nghĩ mảng outsource ở thị trường Việt Nam vẫn sẽ phát triển trong khoảng thời gian tới. Dễ hơn là em có thể tham gia những công ty outsource phần mềm cho thị trường nước ngoài như CMC, Fsoft…

Ông Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX

Thay mặt Ban tư vấn, tôi xin cám ơn các quý độc giả, các bậc phụ huynh và các thí sinh đã quan tâm và đặt câu hỏi. Mong rằng những câu trả lời từ Ban Tư vấn hôm nay đã và sẽ giúp độc giả phần nào tháo gỡ được các thắc mắc về bức tranh tuyển dụng ngành CNTT trong năm nay cũng như tầm nhìn  5 năm tới, một số định hướng học tập và nghề nghiệp đối với các bạn trẻ . Vì thời gian có hạn nên các câu hỏi chưa trả lời chúng tôi xin được liên hệ trực tiếp đến quý phụ huynh và các độc giả. Nếu các bạn còn có câu hỏi nào xin vui lòng liên hệ tới chúng tôi theo thông tin liên lạc chi tiết tại https://www.funix.edu.vn  hoặc số hotline 0128 231 3602.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!