Giấc mơ đại học của vị giám đốc xuất thân nghèo khó | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Giấc mơ đại học của vị giám đốc xuất thân nghèo khó

Chân dung xTer 02/04/2016

Học hết cấp 3, anh Thịnh rời bỏ miền quê nghèo khó vào Sài Gòn mưu sinh. 13 năm sau, khi đã là chủ doanh nghiệp, anh bắt đầu thực hiện giấc mơ ấp ủ bao năm.

Anh Nguyễn Thịnh sinh ra ở Huế, là con út trong một gia đình có 6 anh em. Vì gia cảnh khốn khó nên khi hoàn thành bậc trung học phổ thông, chàng trai sinh năm 1985 khăn gói vào Sài Gòn kiếm việc làm.

Không bằng cấp nên khi đặt chân vào đất khách, nam sinh người Huế nhận làm đủ mọi việc như phụ quán ăn, phụ hồ trong các công trình xây dựng. Có một khoảng thời gian, khi thị trường điện thoại di động phát triển mạnh, anh Thịnh lên các diễn đàn rao vặt mua điện thoại cũ sau đó bán lại kiếm lời.

Tuy nhiên, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên chàng trai xứ Huế xin vào làm phục vụ ở quán cà phê. “Công việc này dù lương ổn định nhưng mình phải làm việc từ sáng tới tối”, anh kể lại.

Với mong muốn có một công việc tốt hơn, anh sắp xếp thời gian đi làm vào ban ngày, tối đến đăng ký học sửa máy tính và các lớp lập trình ngắn hạn. Không biết bắt đầu học từ đâu, cứ thấy có quảng cáo hay các chương trình học ngành công nghệ thông tin, anh Thịnh lại dành tiền đi học.

Không có máy tính để thực hành, nhiều lúc anh phải nhịn ăn, dành tiền ra tiệm Internet để mày mò lập trình. Sau vài năm theo học, khi đã có tay nghề, anh được nhận vào làm ở bộ phận máy tính của một công ty lớn ở TP HCM. “Lúc sếp phỏng vấn, tôi cứ nhận bừa là cái gì cũng biết làm. Sếp hỏi ‘biết làm website không, tôi cũng gật đầu như một cái máy dù chưa bao giờ thử. Khi sếp giao làm webisite cho công ty, tôi mới vội vàng đi mua sách và thức trắng nhiều đêm liền tự mày mò”, anh Thịnh kể.

Sau một tuần làm đi làm lại theo hướng dẫn của sách, anh Thịnh cũng cho ra được một số file .html để trình lãnh đạo duyệt. “Lúc ông ấy ngồi kiểm tra trang web, tôi không khỏi hồi hộp và nghĩ sẽ bị chê thậm tệ. Do vậy, khi nghe sếp bảo ‘làm được đấy’, tôi có cảm giác như muốn nổ tung luôn”, anh nói và cho biết đến giờ vẫn nhớ như in cảm giác lúc đó.

Từ website đầu tiên, anh Thịnh tự mày mò tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Năm 2007, trong một dịp lên Lâm Đồng, thấy bà con trồng cà phê ở đây mỗi tháng phải bỏ gần cả triệu đồng chỉ để mua thông tin về giá cả và những biến động của thị trường cà phê, anh không khỏi bất ngờ. Sau đó, anh nghĩ tới việc hình thành kênh thông tin miễn phí giúp bà con nông dân theo dõi tin tức.

Sau một năm ấp ủ, mày mò, trang y5cafe.info ra mắt dưới dạng blog. Qua 3 tháng thử nghiệm, được nhiều người trồng cà phê quan tâm, anh quyết định nâng cấp và phát triển thành trang web giacaphe.com. Ngoài việc lo phần kỹ thuật web, anh nhờ một chuyên gia nắm rõ các thông tin, từng làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phụ trách nội dung.

Chàng trai trẻ này sau đó tìm ra cách làm bảng giá real time (bảng giá trực tuyến cập nhật theo thời gian) cho mọi người xem. Ngoài việc cập nhật thường xuyên giá cả thị trường cà phê trong và ngoài nước, trang web còn có những bài viết về tình hình các phiên giao dịch. Nông dân nhắn tin qua tổng đài 802 để nắm bắt giá cà phê trong nước, giá xuất khẩu ở cảng TP HCM và giá cà phê giao dịch ở các sàn quốc tế. Những bài viết nhằm trang bị kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến, thu hoạch, bảo quản… cà phê liên tiếp xuất hiện. Mỗi ngày trang web có 30.000-50.000 lượt truy cập.

Sau một thời gian gắn bó với giá cả, thị trường cà phê, năm 2012 anh Thịnh đứng ra thành lập công ty chuyên sản xuất và kinh doanh về loại nông sản đặc thù của Tây Nguyên. Ngoài thị trường trong nước, cà phê của công ty anh còn xuất khẩu đi Australia, Nhật Bản, Nga và một số các nước Châu Âu.

Khi bắt đầu đã có sự nghiệp riêng, công việc ổn định, nam giám đốc trẻ tuổi mong muốn thực hiện giấc mơ đại học của mình, đồng thời nâng cao kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cùng lúc phải điều hành hoạt động của trang web và công ty, không có nhiều thời gian để theo đuổi các lớp ở giảng đường đại học, anh Thịnh chọn học tại FUNiX.

“Mỗi ngày mình đều tranh thủ 1-2 tiếng để học, hy vọng có thể cầm được tấm bằng đại học chính quy trong tay”, anh Thịnh nói.

Nguyễn Loan

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!