4 "thế lực"công nghệ định hình thế giới tương lai | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

4 “thế lực”công nghệ định hình thế giới tương lai

Tin tức 07/02/2018

Theo nhận định trong bài viết được đăng tải trên World Economic Forum của Tổng Giám đốc VMware, Pat Gelsinger thì công nghệ di động, đám mây, trí tuệ nhân tạo AI, IoT là 4 nhân tố quan trọng đóng vai trò định hình thế giới tương lai.

Cách đây chỉ vài thập kỷ, thế lực nằm trong tay các siêu cường có khả năng định hình vận mệnh cả thế giới. Không may cho các siêu cường, và may mắn cho chúng ta, “quyền lực” trong thời đại số hóa không còn tuyệt đối nằm trong tay ai, mà thế giới đang được định hình bởi chỉ bốn “thế lực” vô cùng quen thuộc. Và cơ hội đang thuộc về những ai hiểu biết về chúng – những công nghệ định hình thế giới tương lai.

Công nghệ di động: mạch máu của liên lạc

Cụm từ “biết rồi nói mãi” này đang thật sự trở thành điều gì đó hiển nhiên phải có trong cuộc sống. Bạn muốn đến địa điểm mới? Mở điện thoại dùng Google Maps. Nhớ gia đình? Gọi video. Sếp gọi gấp khi đang nghỉ mát? Mở điện thoại lên soạn email. Ngay cả những nông dân ở vùng xa xôi nhất cũng đang được tiếp cận công nghệ hiện đại qua thiết bị di động với giá thành ngày càng phù hợp với nhiều đối tượng người dùng.

4 công nghệ chủ đạo đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trên toàn cầu. Ảnh: Pat Gelsing/WEF.
4 công nghệ chủ đạo đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trên toàn cầu. Ảnh: Pat Gelsing/WEF.

Công nghệ di động đã trở thành mạch máu của việc truyền thông hiện đại. Một nghiên cứu mới của MIT thực hiện tại Kenya cho biết, gần 200.000 gia đình ở nước này (khoảng 2% dân số) thoát nghèo từ năm 2008 đến 2014 nhờ dịch vụ di động. Ấn tượng hơn, dịch vụ di động đã giúp khoảng 185.000 hộ gia đình có phụ nữ làm lao động chính trở nên khá giả hơn nhờ việc không còn phụ thuộc vào đồng áng và tự mình hoạt động kinh doanh.

Điện toán đám mây: mang đến những điều dường như không tưởng

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (World Economic Forum), có đến 9 trong số 10 công ty sử dụng dịch vụ đám mây. Giáo dục là một trong những mảng hưởng nhiều lợi ích nhất từ dịch vụ đám mây. Các khóa học trực tuyến đại trà (massive open online courses/MOOCs) ngày càng phổ biến. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã từng phát đi cảnh báo về cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu, và rõ ràng, những mô hình giáo dục dựa trên nền tảng đám mây sẽ giúp nhiều người được tiếp cận kiến thức hơn.

Trên thực tế, chúng ta chỉ mới đang bước những bước đầu tiên vào nền kinh tế số, nhưng chắc chắn, với hạ tầng đám mây sẽ mang lại vô số cơ hội việc làm từ xa cho nhiều người. Tương tự, hình thức học trực tuyến sẽ mở ra cánh cửa đến với những việc làm tốt cho những ai không có điều kiện tiếp cận với hình thức học truyền thống.

Điện toán đám mây mang đến những điều dường như không tưởng.

Điện toán đám mây mang đến những điều dường như không tưởng.

Trí tuệ nhân tạo (AI): trao trí thông minh cho mọi thiết bị

Khả năng tính toán siêu hạng của các cỗ máy mang lại cho trí tuệ nhân tạo sức mạnh ngày càng lớn. Cũng như nền kinh tế số, thời đại của trí tuệ nhân tạo chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo đã và đang mang lại nhiều lợi ích không thể chối cãi. Lấy ví dụ về ngành y tế, các thuật toán học ở mức độ sâu (deep-learning) đã và đang tổng hợp ra những công thức thuốc điều trị đột phá, cải thiện chẩn đoán và đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả hơn nhiều so với cách làm truyền thống trước đây.

Lĩnh vực làm tay chân giả hiện đang ở ngưỡng cửa của bước nhảy vọt, nhờ các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang tạo nên cả một cuộc cách mạng trong việc chăm sóc những người không may mất tay chân. Các nhà nghiên cứu tại đại học Newscastle (Anh Quốc) đã tạo ra được “bàn tay có mắt” sinh học (bionic hand with eyes), giúp người mang tay chân giả có thể hoạt động các chi này một cách tự động, linh hoạt, phản ứng mà không cần suy nghĩ – y hệt cách thức bàn tay thật hoạt động. Và chúng ta có quyền hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp những người không may mất các bộ phận khác trên cơ thể được hồi phục chức năng hoàn toàn.

Internet vạn vật (IoT): trao quyền giao tiếp cho tất cả mọi thứ

Đúng như cái tên của nó – Internet Vạn vật (Internet of Things) kết nối mọi thứ (things) vào một mạng lưới để giao tiếp với nhau. Trong đó, có hàng triệu cảm ứng tích hợp truyền nhận dữ liệu theo thời gian thực – một điều chỉ có trong phim ảnh ở những thập kỷ trước.

Khi các thiết bị dần trở nên thông minh hơn nhờ AI, việc chúng giao tiếp với nhau mang đến vô vàn lợi ích. Chẳng hạn, một chiếc xe có thể “trao đổi” với camera giao thông ở một địa điểm bất kỳ để xem xét, phân tích tình hình giao thông và đưa ra lựa chọn đường đi tối ưu. Bên cạnh đó, IoT giúp tiết kiệm thời gian cho những người đi làm bận rộn khi họ có thể kiểm soát tình hình ở nhà mình từ xa chỉ nhờ thiết bị di động thông minh. Nếu xét ở tầm vĩ mô, các thiết bị IoT còn có khả năng giúp con người theo dõi và “cảm nhận” tình hình môi trường của trái đất, “báo động” nồng độ khí thải, lượng nước tiêu thụ ở các nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính phủ, nhà hoạt động môi trường, và tất cả mọi người sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, xử lý chất thải đúng cách hơn…

IoT - một trong 4 "siêu công nghệ" định hình tương lai cuộc sống con người. Ảnh: AIG.
IoT – một trong 4 “siêu công nghệ” định hình tương lai cuộc sống con người. Ảnh: AIG.

Bốn “thế lực” vừa nêu đã và đang định hình cách thế giới vận hành hiện tại và trong tương lai. Việc “thông minh hóa” nhanh chóng các thiết bị gây nhiều tranh cãi giữa những bộ óc siêu việt, tuy nhiên, không thể chối cãi những lợi ích nhân loại đang được hưởng từ chúng ở thì hiện tại. Cơ hội thuộc về những ai nhạy bén với công nghệ, khéo léo khiến công nghệ phục vụ bản thân mình, thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào chúng.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!