Tinh thần FUNiX rất phù hợp với tinh thần khởi nghiệp thời @, sự chủ động, tính thực tế, mối quan hệ và khả năng dẫn dắt. Nhưng không phải ai cũng hiểu Khởi nghiệp thật sự là gì? Truyền thông, các quan chức chính phủ thậm chí còn có khẩu hiệu là “Quốc gia khởi nghiệp”, mỗi một bài viết là một khía cạnh nho nhỏ như thày bói xem voi.

Ở khuôn khổ bài viết này, tôi muốn cung cấp cho các bạn một góc nhìn phản diện về Khởi nghiệp để ai đó có mong muốn trở thành ông chủ có những hiểu biết cơ bản, thậm chí rút kinh nghiệm sâu sắc cho con đường mà mình chuẩn bị phải đi.

Có những sai lầm phổ biến khi khởi nghiệp khiến start up nhanh chóng tan vỡ chỉ sau một thời gian rất ngắn

Nói ngắn gọn: Khởi nghiệp là bạn bắt đầu một quá trình giải quyết mớ hỗn độn một phần do chính bạn tạo ra, phần khác do thị trường tạo ra và phần khác nữa do những người đồng hành của bạn tạo ra. Vậy, những sai lầm phổ biến là gì?

1. Bắt đầu bằng mục tiêu “Kiếm nhiều tiền, trở thành ông chủ”

Bắt đầu bằng mục tiêu “Kiếm nhiều tiền, trở thành ông chủ”, tự chủ về thời gian và giải quyết khâu oai”… Thật sự những suy nghĩ như vậy phải chấm dứt ngay hoặc bạn…nên đi làm thuê tiếp nếu có thể.

Bắt đầu bằng mục tiêu tốt đẹp nhưng quá sức của bản thân và team (về năng lực, sau đó mới về tiền…). Đôi khi bản thân của bạn không nhận ra điều đó hoặc vì ước mơ quá lớn mà quên mất thực tại. Mới đây tôi có gặp một chàng trai cùng một nhóm bạn phát triển một phần mềm gọi xe, khoe nhiều tính năng vượt trội hơn Grab, mục tiêu là đánh bại Grab hoặc chí ít là cạnh tranh ngang ngửa, kêu gọi vốn đầu tư… Đây là sai lầm rất phổ biến của các anh em làm phần mềm, nhưng thiếu một kế hoạch phát triển bài bản. Họ cũng không dự trù được kinh phí triển khai phần mềm ra thị trường là bao nhiêu? Vì bản chất của gọi xe bằng phần mềm không nằm ở phần mềm (cái mà nhiều người viết được) mà nó nằm phần lớn ở khâu triển khai, phân bổ lợi ích. Ai từng đi Grab có thể tự tìm hiểu thêm về chiến lược của Grab.

2. Chuyên nghiệp hóa theo… sách vở

Một công ty chuyên nghiệp hóa ngay từ đầu, hay nói cách khác là cố gắng chuyên nghiệp hóa dựa theo sách vở đã được học hoặc đã học một khóa CEO nào đó rồi dựng lên đủ thứ ban bệ và chi phí… để rồi chết sau 3 tháng. Điểm mấu chốt của chuyên nghiệp hóa không phải là BẠN TỰ NGHĨ RA, mà là BẠN TỰ NHẬN RA nhu cầu đó từ khách hàng, từ đó xây dựng tổ chức nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đó trong khả năng có thể, nhắc lại KHẢ NĂNG CÓ THỂ kẻo lại sai lầm tiếp.

Chuyên nghiệp hóa theo sách vở giúp doanh nghiệp sớm… ra đi

3. Sa đà vào hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất

Sa đà vào hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất (Chú ý cho dân phần mềm) mà không phải là sản phẩm hợp lý nhất. Bạn cần phải có phản hồi thị trường và liên tục hoàn thiện, sự cầu toàn là sai lầm lớn nhất, dễ dẫn đến bài toán: Sản phẩm tốt mà không biết tốt để làm gì? Cho nên, thử nghiệm thực tế trước khi hoàn thiện tiếp là bước đi đúng đắn.

4. “Làm chủ nên chỉ làm một phần”

Phân công công việc và “tôi là chủ nên chỉ làm một phần, phần khác có nhiều người khác lo, tôi không quan tâm hoặc quan tâm rất ít”. Nghe hợp lý không? Rất hợp lý, nhưng tại sao điều này lại là sai lầm? Xin bổ xung giải thích thêm từ bạn đọc!

Lời tác giả: Các bạn trẻ thân mến, tôi là Trần Đình Khâm, xuất thân là một Lập trình viên, hiện giờ tôi đang vận hành hi doanh nghiệp hoạt động trong mảng Nông nghiệp: Trang trại và dịch vụ với Nông nghiệp độ thị, vận hành 100% hữu cơ. Tôi sẽ là Mentor cho môn Khởi nghiệp. Ngoài ra, tôi có thể hỗ trợ cho các bạn về Tư duy lập trình, Nhân sự, Marketing, Tư duy tài chính, Bán hàng và dĩ nhiên là Nông nghiệp. Ngoài những câu hỏi trong phạm vi môn học của các bạn, tôi rất vui nếu hỗ trợ được các bạn ở thực tế cuộc sống và việc làm.

Trần Đình Khâm – Founder Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ Eco Việt Nam