Quỳnh Anh
Khá kiệm lời khi kể về mình, nhưng lại hào hứng đến say mê khi nói đến sản phẩm công nghệ mà mình thực hiện, anh Nguyễn Minh Đức – diễn giả của xTalk tại Hà Nội sắp diễn ra vào 4/6 tới đây – để lại ấn với người đối diện là sự khiêm tốn, yêu công việc và hài hước. Anh bảo, phát triển sản phẩm về bảo mật đến với anh như một lẽ tự nhiên, sau 10 năm anh vùi mình trong công ty về lĩnh vực bảo mật.
“Tự nhiên” đặt chân vào “miền đất khó”
Là cựu học sinh THPT Việt Đức, vào đại học, anh Nguyễn Minh Đức đã lựa chọn ngành Công nghệ thông tin vì đam mê sở thích, xen lẫn nhiều tò mò và kì vọng. Đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngay từ thời sinh viên, anh Đức đã vào làm việc tại một công ty Công nghệ tại Hà Nội.
Sau khi ra trường, như một cái “duyên”, anh tiếp tục dấn bước sâu hơn vào lĩnh vực An toàn thông tin. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong công ty về bảo mật, chính thực tế làm việc, bài toán mà các khách hàng mang đến đã thúc đẩy anh tìm tòi, nảy ra ý tưởng về CyRadar – giải pháp chạy trên một thiết bị riêng và đặt trong mạng của doanh nghiệp/tổ chức, chuyên phân tích lưu lượng mạng để phát hiện các cuộc tấn công nâng cao. Sản phẩm được anh và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu về an toàn thông tin tại Ban Công nghệ tập đoàn FPT phát triển. Anh đặt chân vào “miền đất khó” – phát triển sản phẩm một cách tự nhiên như thế.
“Phát triển một sản phẩm hoàn toàn mới như CyRadar, từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường nhiều thử thách. Chưa nói về những vấn đề công nghệ, thì những vấn đề như tìm kiếm nhân lực cùng chí hướng, cùng quan tâm đến xây dựng sản phẩm riêng về bảo mật đã rất khó khăn. Bởi hầu hết những người làm trong lĩnh vực an toàn thông tin đều thiên về làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức, hoặc ngân hàng lớn, rất ít người quay ra làm sản phẩm. Thứ hai, người Việt vốn quen với việc sử dụng các sản phẩm bảo mật của nước ngoài, nên mình làm ra sản phẩm đã khó, bán được sản phẩm còn khó hơn” – anh Đức thành thật chia sẻ.
Dày dạn kinh nghiệm đối phó với những cuộc tấn công của những kẻ viết mã độc nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, anh Nguyễn Minh Đức không quá kinh ngạc trước sự xuất hiện và hoành hành của WannaCry – mã độc tống tiền có hơn 250 nghìn nạn nhân chỉ sau 10 ngày xuất hiện. Ở Việt Nam, đã có những nạn nhân lên tiếng, và WannaCry cũng khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp lẫn cá nhân tức tốc lo phương án đề phòng, đối phó.
“Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia có mức độ lây nhiễm virus cao nhất trên thế giới. Lý do là vì, ý thức bảo vệ, bảo mật của người dùng công nghệ Việt còn chưa cao, chưa thực sự quan tâm lắm đến vấn đề này. Chỉ khi WannaCry xuất hiện và ngay lập tức gây ảnh hưởng, hậu quả, thì mọi người mới “điếng hồn” tìm hiểu và lo ngăn chặn loại virus này” – anh Đức nhận xét.
Nhu cầu trả tiền cho sản phẩm bảo mật tại Việt Nam sẽ gia tăng
Theo anh, trước WannaCry, các loại virus, mã độc phổ biến ở ta hầu hết chỉ được sử dụng để phát tán thư rác, spam… chưa ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Một số dạng mã độc tương tự WannaCry đã có, nhưng số lượng nạn nhân còn ít, không có tốc độ lây lan và ảnh hưởng rộng lớn như WannaCry. Qua vụ việc lần này, có thể thấy ng dùng cá nhân chưa có nhiều thay đổi, chưa biết cách phòng tránh mã độc tống tiền, song họ đã có ý thức cẩn trọng hơn. Riêng các doanh nghiệp thì hầu hết đã có phản ứng ngay, tìm biện pháp ngăn chặn…
“Sau sự kiện WannaCry, tôi cho rằng ý thức bảo vệ dữ liệu của người Việt đã cao hơn, nhu cầu trả tiền cho bảo mật sẽ gia tăng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và tổ chức. Bên cạnh những khó khăn, thì CyRadar trước mắt cũng đã nhìn thấy cơ hội cho mình. Là một sản phẩm của Việt Nam, chúng tôi không chỉ đảm bảo được chất lượng, khả năng của sản phẩm thông qua trải nghiệm thực tế của khách hàng, mà còn đáp ứng được về dịch vụ. Bởi trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin này, “nước xa không cứu được lửa gần”. Khi có sự cố cần xử lý lập tức thì việc sử dụng sản phẩm trong nước – “made in VietNam”, được hỗ trợ xử lý ngay sẽ tốt hơn cho khách hàng” – anh Đức lạc quan chia sẻ.
Hiện tại, anh Nguyễn Minh Đức đang gấp rút chuẩn bị cho việc CyRadar tách ra là một doanh nghiệp độc lập vào đầu tháng 6 tới đây. Người sáng lập CyRadar tin rằng, chặng đường phía trước tuy không ít gian nan, nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho sản phẩm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ người dùng công nghệ Việt Nam.
“Nỗ lực trong công việc và coi việc bảo vệ tài sản thông tin của khách hàng cũng như của chính mình sẽ là nền tảng giúp mình phát triển sản phẩm tối ưu, tạo niềm tin và sự hài lòng của khách hàng. Đó là quan điểm của mình trong công việc cũng như trong cuộc sống” – anh Đức chia sẻ.
Leave a Reply