Là người sáng lập và phát triển mô hình Trường học di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, Giám đốc Quỹ Dariu Nguyễn Văn Hạnh sẽ tham gia Hội thảo Khoa học Giáo dục Tin học trong trường Phổ thông ngày 15/11 và chia sẻ về chủ đề “Tăng cường cơ hội tiếp cận kỹ năng máy tính và kỹ thuật số qua mô hình Trường học di dộng của Quỹ Dariu”.
Anh Nguyễn Văn Hạnh là Giám đốc của Quỹ Dariu, một tổ chức phi chính phủ có quốc tịch Thụỵ Sỹ, từ năm 2007. Anh là người sáng lập và phát triển mô hình Trường học di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, dạy tin học và lập trình cho hàng triệu học sinh khu vực nông thôn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
FUNiX đã có cuộc gặp và trao đổi với anh Hạnh trước thềm sự kiện và lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của anh về những nỗ lực phổ cập kỹ năng tin học và lập trình tại Việt Nam.
Xin chào anh. Được biết anh là người rất tâm huyết với các hoạt động giáo dục, vì sao anh lại đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này? Và tại sao anh lại chọn CNTT là một trong những nội dung thường xuyên cho các dự án Giáo dục mà mình theo đuổi, cũng như là chủ đề hoạt động quan trọng mà Dariu Foundation triển khai?
Anh Nguyễn Văn Hạnh – Giám đốc Quỹ Dariu: Khi tôi bắt đầu làm việc cho tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) năm 2007, một trong những trọng trách được giao là quản lý và sử dụng hiệu quả ở mức cao nhất ngân sách tài trợ cho được chương trình giáo dục.
Sau khi tìm hiểu và thảo luận, cũng như tham vấn với các chuyên gia, chúng tôi nhất trí rằng đầu tư vào dạy kỹ năng máy tính cho trẻ em ở thời điểm này sẽ là một trong những sáng kiến mang tính đột phá. Chúng tôi tin rằng máy tính sẽ giúp học sinh học được rất nhiều điều bên ngoài trường học. Có kỹ năng máy tính sẽ giúp các em kiếm được việc làm tốt hơn, thành công hơn trên con đường sự nghiệp.
Máy tính đã trở thành một tiêu chuẩn trong giáo dục khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế, giáo dục kỹ năng máy tính cho học sinh ngày càng trở nên quan trọng. Từ đây, chúng tôi liên tục thúc đẩy và tìm kiếm cơ hội để triển khai và mở rộng chương trình này tại Việt Nam. Đến nay, đào tạo kỹ năng tin học, lập trình cho học sinh đã và đang trở thành các hoạt động trọng tâm của Quỹ Dariu tại Việt Nam.
Anh có thể chia sẻ một dấu mốc quan trọng trong hoạt động sự nghiệp của mình, có ý nghĩa khiến anh càng quyết tâm theo đuổi hướng đi này không ạ?
Anh Nguyễn Văn Hạnh: Trong hơn 12 năm làm việc tại Quỹ Dariu, có lẽ dự án mà tôi và các cộng sự đã và đang gây được ấn tượng tốt với các đối tác, nhà tài trợ đó chính là dự án Phổ cập kỹ năng tin học và lập trình , trước đây được gọi là dự án Trường học di động.
Sau khi trường học di động đầu tiên ra đời, dự án đã gây được tiếng vang lớn đối với các nhà tài trợ tiềm năng của tổ chức. Từ ấy, chúng tôi nhận được nhiều tài trợ hơn và số trường học cứ mỗi năm một tăng lên, đến nay đã là 60 lớp học như vậy.
Chúng tôi sẽ còn tiếp tục nỗ lực để dự án ngày càng mở rộng để trong vòng 3 năm tới sẽ có khoảng một triệu lượt trẻ em Việt Nam được trang bị các kỹ năng về tin học và lập trình.
Có “quả ngọt” nào từ các hoạt động tăng cường cơ hội tiếp cận kỹ năng máy tính và kỹ thuật số qua mô hình Trường học di dộng của Quỹ Dariu mà anh có thể chia sẻ ngay không?
Anh Nguyễn Văn Hạnh: Năm 2019, Quỹ Dariu tổ chức chương trình “Trại hè lập trình 2019” nhằm mang đến sân chơi bổ ích cho các em học sinh nông thôn đã tham gia học và đam mê CNTT, lập trình. Trại hè đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, và chung cuộc 30 học sinh xuất sắc nhất lọt vào chung kết.
Tại đây, các học sinh lớp 6 đến lớp 9 đến từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng… đã mang đến nhiều ngạc nhiên cho chính các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô làm quản lý tại các phòng, sở GDĐT bằng các sản phẩm sáng tạo như hệ thống nhà thông minh, hệ thống giám sát nông nghiệp tự động, và nhiều sản phẩm sáng tạo khác.
Nhiều người lớn đã không tin vào mắt mình khi thấy các em học sinh THCS giờ đây đã làm được các sản phẩm mà họ nghĩ chỉ sinh viên đại học mới làm được. Hơn 10 học sinh, trong đó có học sinh người dân tộc Khmer, có dự án sáng tạo và xuất sắc nhất đã được mời tham quan và giao lưu tại trụ sở của Microsoft ở Singapore. Phần thưởng cho các em cũng chính là phần thưởng cho nỗ lực của Quỹ Dariu. Chúng tôi hy vọng, cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong chiến thắng các cuộc thi khu vực và quốc tế trong thời gian đến.
Anh đánh giá thế nào về vai trò của nhà trường trong việc trang bị kiến thức CNTT cho các bạn trẻ trong thời đại số hiện nay?
Anh Nguyễn Văn Hạnh: Tôi cho rằng trường học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức và đào tạo kỹ năng số cho học sinh, nhất là ở cấp tiểu học. Nó cũng giống như cho trẻ em học ngoại ngữ càng sớm càng tốt vậy.
Khi chúng tôi bắt đầu triển khai dạy kỹ năng lập trình cho học sinh THCS năm 2016, ai cũng ngạc nhiên hỏi tôi “Làm sao trẻ em có thể lập trình được?”, và gần như không một ai tin chúng tôi sẽ thành công. Chúng tôi đã kiên nhẫn triển khai và đến ngày hôm nay hầu hết mọi người đều đã nhận ra rằng trẻ em cũng có thể học được lập trình, và chúng ta nên dạy cho trẻ em học lập trình càng sớm càng tốt.
Theo báo cáo việc làm tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới, 65% trẻ em đang học tiểu học hôm nay sẽ làm những công việc/nghề mà chúng ta còn chưa thấy chúng tồn tại hôm nay. Với những thay đổi về kinh tế, xã hội do công nghệ mang lại, chúng ta cũng không biết chính xác trẻ em cần những kỹ năng gì để phát triển và trở thành công dân có đóng góp tích cực cho thế giới việc làm tương lai.
Tuy nhiên chúng ta có thể biết chắc chắn rằng trẻ em hôm nay cần phải được trang bị nhiều kỹ năng để thích ứng với những thách thức và đòi hỏi của kỷ nguyên kỹ thuật số. Cả thế giới đang học coding, chính vì vậy chúng ta không cho phép mình bị tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh này.
Gần đây, Dariu và FUNiX đã có những bước hợp tác đầu tiên như trao học bổng CNTT cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Điều gì ở FUNiX đã thu hút và đưa anh đến với các hợp tác giáo dục cùng FUNiX?
Anh Nguyễn Văn Hạnh: Tôi biết đến FUNiX theo kiểu rất “4.0”, đó chính là nhờ internet và mạng xã hội. Một người bạn, đồng nghiệp của tôi chia sẻ tấm hình chụp chung với anh Nguyễn Thành Nam trong chương trình của VTV. Tôi tò mò vào xem đó là chương trình gì mà bạn tôi tham dự, và tôi bị cuốn hút bởi phần chia sẻ của anh Nam, bởi FUNiX. Ngay lập tức, tôi lên mạng và tìm kiếm thông tin về FUNiX, và tôi càng ấn tượng khi tôi chat qua công cụ chat online trên trang website của FUNiX, tôi đã có được cuộc hẹn với đại diện của FUNiX.
Sau khi hai bên trao đổi, chúng tôi thấy rằng những gì FUNiX làm sẽ là phần bổ khuyết vô cùng quan trọng cho những gì chúng tôi chưa thể làm được. Đó chính là mang lại cơ hội nghề nghiệp cho các em bằng con đường ngắn và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay và hoàn cảnh của các em.
Chúng tôi rất hy vọng, các em học sinh đã được Quỹ Dariu hỗ trợ tiếp cận với các kỹ năng máy tính và lập trình sẽ được FUNiX tiếp tục dìu dắt các em trên con đường tiếp cận kỹ năng nghề và việc làm, để cùng nhau chúng ta tạo ra tác động hiệu quả và tích cực cho các em mà xuất phát điểm là những kỹ năng đơn giản nhưng rất thực tế.
Xin cảm ơn và chúc anh cùng Tổ chức sẽ có thêm nhiều thành công ý nghĩa trong tương lai!
Quỳnh Anh (thực hiện)
Anh Nguyễn Văn Hạnh tốt nghiệp Trường ĐHNN-ĐHQG năm 2000, ĐH Ngoại Thương Hà Nội năm 2007, và lấy bằng Thạc sỹ Kinh tế Tài chính Ngân hàng – Trường đại học Paris Dauphine và ESCP Châu Âu năm 2011. Anh có 18 năm kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia, như: Tổ chức Phát triển Năng lượng mới và Javitechs (Nhật Bản), Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (Hoa Kỳ), Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (LHQ), tổ chức The Dariu Foundation (Thuỵ Sỹ), và làm việc với các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Google, Intel, HSBC, Citi, Ringier AG.
Leave a Reply