Hỏi: Làm sao để giáo dục đại học có thể rẻ hơn?

Trả lời (Richard A. Muller, Giáo sư Vật lý tại UC Berkeley):

Chúng ta cần phải tìm một hướng đi mới cho giáo dục đại học, nhưng không được quá khác biệt. Ý tưởng của tôi là “lợi dụng” những giảng viên xuất sắc nhất, và một tổ chức quốc tế được hiện thực hóa nhờ internet. Tôi đã từng có một kế hoạch kinh doanh để làm điều này, nhưng tôi đã gặp phải những chướng ngại và đã không thể theo nó đến cùng được. Tôi vẫn nghĩ nó là một ý tưởng khả thi, và tôi hy vọng rằng một ai đó sẽ sớm thực hiện được ý tưởng đó hoặc một ý tưởng tương tự như thế. Nó sẽ làm cho giáo dục đại học rẻ đi không chỉ ở các nước phát triển mà ngay cả ở những nước đang phát triển. Nó sẽ tạo ra một điều kiện tuyệt vời để không chỉ những người có đủ khả năng tài chính để đi học chính quy mà cho cả những người có nền tài chính khó khăn hơn có thể tiếp cận với giáo dục đại học.

Đây là ý tưởng của tôi: tạo ra một trường đại học quốc tế dựa trên internet. OK — điều đó không có gì mới; nhưng hãy nghe tiếp phần còn lại.

  1. Đừng cố bỏ đi bài giảng! (Đây thường là điều mà hầu hết các chương trình học số hóa vẫn thường hay làm.) Thay vì thế, hãy tìm ra một vài giảng viên xuất sắc nhất, và ghi hình bài giảng của họ. Để dạy được một lớp có 500 sinh viên hoặc hơn thì người giảng viên cần phải có có những kỹ năng đặc biệt. Chúng ta cần tìm được họ và ghi hình. Những giảng viên này sẽ được trả thật hẫu hĩnh. Những bài giảng sẽ được sử dụng suốt nhiều năm, trừ khi người giảng viên muốn cập nhật bài giảng đó. (Tại Berkeley, khi tôi nghĩ ra ý tưởng này, tôi đã từng liệt kê danh sách vài giáo sư mà tôi nghĩ có thể làm được điều đó)
  2. Cung cấp các bài giảng này miễn phí trên mạng cho bất kỳ ai muốn xem, từ bất cứ đâu trên thế giới. (bài giảng của tôi trong năm 2006 vẫn đang ở trên YouTube; tính đến giờ tôi đã nhận được emails cảm ơn của học viên từ 99 quốc gia.)
FUNiX-tuyen-sinh-ky-su-phan-mem-161109

FUNiX có thể đảm nhiệm vai trò làm giảm học phí đại học?

  1. Nếu ai đó muốn nhận được bằng cấp, họ sẽ đăng ký để xem bài giảng như là một phần của khá học với mục đích là lấy được tín chỉ của khóa học (môn – ND) đó. Việc này tất nhiên sẽ mất tiền, nhưng (tôi hy vọng) không quá nhiều. Việc ghi danh nhập học là hoàn toàn mở. Sẽ không có kỳ thi đầu vào. Sẽ không có khóa nào đòi hỏi phải hoàn thành khóa học tiên quyết trước đó, mặc dù nó sẽ có danh sách các khóa học mà học viên được khuyến khích nên học trước đó. Người giảng viên xuất sắc kia sẽ được trả theo số lượng học viên quyết định học khóa đó theo tín chỉ. Người học có thể học lại bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi họ đậu, nhưng mỗi lần họ sẽ phải trả tiền.
  2. Sinh viên sẽ phải mua sách, nhưng thay vì sử dụng những quyển sách tốt nhất (đồng nghĩa với đắt – D), chúng tôi sẽ thu xếp để học viên có thể sử dụng những quyển sách rẻ hơn trên mạng, thậm chí là miễn phí. Những quyển sách có thể rẻ đi bởi vì mục đích là để dạy những lớp học cực lớn, được học bởi hàng chục nghìn sinh viên. Những tác giả của những quyển sách hay nhất cũng như các nhà xuất bản cũng có thể sẽ để ý tham gia nếu số lượng người học đủ lớn. (Lưu ý: giá thành của một quyển sách, vốn được chúng tôi, những người viết sách, hiểu rõ, không phải nằm ở giá thành in đóng sách, mà chủ yếu nằm ở công viết, công tiếp thị, cũng như khâu phân phối.)
  3. Bài tập về nhà là hoàn toàn không bắt buộc. Nếu người học làm bài tập về nhà, họ sẽ mất thêm một khoảng phí cho giáo viên chấm bài. Hoặc người học có thể lập những nhóm học để tự chấm bài tập của nhau. Việc đậu hay rớt của một khóa học sẽ chỉ phụ thuộc vào bài kiểm tra.
  4. Sẽ có một giảng viên địa phương, không cần phải thật đặc biệt như là giảng viên xuất sắc nói ở trên, mà chỉ cần là ai đó có thể trả lời câu hỏi và (có thể là) chấm bài tập về nhà. Những buổi thảo luận sẽ có chừng 10 đến 20 học viên. Họ có thể đến từ khắp thế giới, nhưng học sẽ được tổ chức bởi trường đại học quốc tế đó. Những giảng viên địa phương này sẽ chấm bài tập về nhà được giao bởi giảng viên trên mạng. Ở một số nơi, số học viên trong lớp có thể ít hơn. Những giảng viên địa phương sẽ được trả dựa trên số lượng học viên đăng ký, với giới hạn tối đa 20 người. Nếu có nhiều giảng viên địa phương, học viên có thể chọn giảng viên mà họ thích. Họ cũng có thể xem đánh giá giảng viên địa phương do những lứa sinh viên trước chia sẽ.
  5. Đề thi sẽ được soạn bởi trường đại học quốc tế. Chúng có thể được đề nghị bởi giảng viên xuất sắc trên, nhưng sẽ có một hội đồng độc lập soạn ra đề thi. Người giảng viên sẽ xem qua để chắc chắn rằng đề thi kiểm tra được những điều mà họ muốn truyền tải.
  6. Kỳ thi sẽ được tổ chức và giám sát bởi một tổ chức chuyên biệt độc lập.
  7. Sẽ không dễ để đậu. Đề thi sẽ khá khó. Mức độ sẽ tương đương với những đề thi tại những trường đại học tốt nhất ở Mỹ. Mục đích là để tấm bằng sẽ được xã hội đánh giá cao. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như chỉ có vài phần trăm học viên thi đậu. Những học viên khác vẫn sẽ được học được ít nhiều, nhưng họ sẽ không được tín chỉ để được cấp bằng.
  8. Ban đầu, tấm bằng có thể được cấp dưới tên của một trường đại học có sẵn nào đó. Tôi đã cố thử thuyết phục xem UC Berkeley có thể cấp được tấm bằng như vậy không, nhưng đã có khá nhiều sự phản đối từ các giáo sư khác — mặc cho sự thật là những học viên đó hoàn toàn chứng tỏ được mình đã hoàn thành chương trình. Có thể chúng ta cần phải tạo ra một trường đại học mới, được đặt tên theo người đã cấp vốn ban đầu cho dự án. Dĩ nhiên, mục tiêu cho trường đại học đó sẽ là có lợi nhuận trong khi chỉ tính học phí tương đối rẻ.
  9. Những người muốn học các khóa học ở các nước đang phát triển sẽ phải trả ít hơn, bởi vì (có thể là) những giảng viên địa phương ở các nước đó sẽ có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
  10. Tất cả những bài giảng sẽ được phụ đề với ngôn ngữ địa phương. Và những quyển sách cũng có thể được dịch ra… Điều này sẽ thực hiện được nếu những khóa học thật sự trở nên phổ biến toàn cầu với nhiều học viên đăng ký.
  11. Ban đầu, những ngành được dạy chủ yếu sẽ là các ngành kỹ thuật và các môn ngoại ngữ. Dần dần sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tôi muốn thấy một trường đại học thiên về các ngành kinh tế/khoa học xã hội, nhưng có lẽ nó sẽ bắt đầu bằng các ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học). Ngay cả khi như vậy, tất cả học viên sẽ bắt buộc phải học thêm những môn ngoại ngữ.
  12. Vài người lo lắng rằng một đại học như vậy sẽ thiếu đi những “trải nghiệm đại học”. Chúng ta có thể tìm ra những cách để lấp đầy thiếu sót đó. Nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ rất khó khăn và thiếu khả thi. Tôi nghĩ rằng nhiều học viên của trường đại học quốc tế đó sẽ già hơn, nhiều người học “tại chức”, có thể chỉ học một môn mỗi lần (thay vì 5 môn), để hy vọng lấy được tấm bằng một cách chậm rãi nhưng chắc chắn hơn.
  13. Khuyến khích các nhóm thảo luận trực tuyến, có thể được thiết kế giống như Quora. Mỗi nhóm thảo luận sẽ có một giảng viên địa phương giám sát, nhưng người đó sẽ không phải là người trả lời chính cho các câu hỏi. Việc đó sẽ được đảm nhiệm bởi các học viên khác. Học viên sẽ nhanh chóng nhận ra rằng trả lời các câu hỏi từ các sinh viên khác là một cách học hiệu.

Còn những chi tiết còn lại, chủ yếu là về mặt tổ chức và các cách thức để tránh gian lận (ví dụ như bảo đảm rằng người học không thể trả tiền cho ai khác để học tín chỉ thay cho họ), và những cách để bảo đảm rằng sách giáo khoa không bị copy miễn phí trừ khi chúng ta muốn thế. Có rất nhiều cách để giải quyết các vấn đề trên (chưa kể chúng ta cũng gặp những vấn đề trên với các trường đại học hiện giờ). Nhưng tôi hy vọng là tôi đã nói đủ để các bạn có thể hình dung được ý tưởng.

Lược dịch bởi Kiến học

Nguồn: Quora