Trong chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng do Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức ngày 29/5, anh Lê Minh Nghĩa – Kỹ sư giải pháp công nghệ công ty TIKI đã có nhiều chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bổ ích về vấn đề tuyển dụng, việc làm cũng như định hướng học tập và nghề nghiệp trong ngành CNTT.

Bật mí quy trình tuyển dụng ở TIKI

Vì sao anh lại đi theo thương mại điện tử, mà không theo những mảng công nghệ cao khác như AI, Blockchain? Anh thích nhất ở công việc hiện tại của mình điều gì?

Anh Lê Minh Nghĩa: Tôi làm thương mại điện tử là cơ duyên, sau khi rời start-up của mình năm 2014, tôi muốn tìm các hệ thống lớn để làm và có cơ hội để vào tham gia xây dựng hệ thống adayroi từ đầu, và cuộc hành trình bắt đầu từ đó.

Điều tôi thích nhất ở công việc hiện tại chính là đóng vai trò kiến trúc sư cho một hệ thống Ecom thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Hệ thống Ecom rất phức tạp và phạm vi rộng lớn. Nhất là với TIKI là hệ thống còn mới, nên nó còn rất nhiều khoảng không để mình sáng tạo, hoàn thiện.

Anh Lê Minh Nghĩa – Kỹ sư giải pháp công nghệ công ty TIKI

Các vị trí mà TIKI tuyển nhiều nhất hiện nay là gì và ứng viên như thế nào sẽ được đánh giá cao?

Anh Lê Minh Nghĩa: Chúng tôi tuyển nhiều nhất là cho vị trị Software Development Engineer, để xây dựng hệ thống phục vụ hoạt động business của công ty. Phạm vi rộng lớn bao trùm toàn bộ hệ thống ecommerce, từ sản phẩm, đơn hàng, kho bãi, giao vận, kế toán tài chính, trên tất cả các nền tảng từ web tới mobile…

Ở TIKI, chúng tôi cần nhất ở ứng viên là background tốt về Computer Science (về data structure, algorithm…) và khả năng problem solving thể hiện qua kĩ năng lập trình, thiết kế hệ thống.

Về yêu cầu tuyển dụng, TIKI đòi hỏi khá cao về kinh nghiệm, tuy nhiên các ứng viên – ngay cả những người trẻ chưa nhiều kinh nghiệm – cũng sẽ  được đánh giá cao nếu có tinh thần tốt, tò mò, ham học hỏi, thể hiện qua sự chủ động học tập thời sinh viên như có thành tích tốt, có project hay đi làm sớm…

Để vào được TIKI thì cần phải trải qua những vòng kiểm tra đầu vào như thế nào, thưa anh?

Anh Lê Minh Nghĩa: Sẽ có 2 vòng về coding về algorithm và data structure và một vòng về system design. Đó 3 vòng chuyên môn tối thiếu. Ứng viên sẽ được đưa ra một problem và phải solving qua việc coding trên bảng trắng hoặc design một software hoặc một system. Vòng cuối là về culture fit với hiring manager.

Bằng đại học liệu còn là tiêu chí mà các nhà tuyển dụng coi trọng hay không? Một người không có bằng đại học nhưng có thể đáp ứng yêu cầu về chuyên môn liệu có cơ hội vào TIKI hay không?

Anh Lê Minh Nghĩa: Bằng đại học theo nghĩa một chứng nhận không phải là cái các công ty công nghệ coi trọng. Nhưng các công ty công nghệ lớn lại coi trọng các kiến thức mà gần như chỉ có trường đại học mới có thể cung cấp cho các bạn.

Tất cả người phỏng vấn ở TIKI đều được huấn luyện không được hỏi lý thuyết, tất cả phải hỏi về problem solving.

Tất cả người phỏng vấn ở TIKI đều được huấn luyện không được hỏi lý thuyết, tất cả phải hỏi về problem solving. Ví dụ: Nếu bạn muốn kiểm tra một kiến thức nào đó của ứng viên, như một thuật toán tìm đường, thì hãy đưa ra một vấn đề mà ứng viên cần phải hiểu thuật toán đó mới áp dụng được. Vì vậy, miễn là bạn vượt qua các vòng chuyên môn về problem solving là bạn có thể vào được TIKI.

Lời khuyên cho bạn trẻ theo ngành CNTT

Anh có lời khuyên nào cho các sinh viên CNTT khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, làm sao để có thể tham gia vào các dự án công nghệ sớm từ khi đi học?

Anh Lê Minh Nghĩa: Hãy chú trọng các kiến thức trong trường đại học, có thể nó lý thuyết, các bạn chưa nhìn thấy giá trị nhưng về tương lai nó sẽ các thứ rất quý giá và bạn không dễ để quay lại học được các kiến thức đó. Thời sinh viên là quãng thời gian tốt nhất để tiếp nhận kiến thức, vì chưa bị vướng bận nhiều thứ.

Bạn nên đi thực tập sớm hoặc làm nhiều project trong trường để tăng cường kĩ năng lập trình, thiết kế hệ thống.

Theo anh thế nào là một công việc tốt và đâu là một nơi đầu quân tốt cho dân CNTT?

Theo tôi, công việc tốt là công việc cho bạn mức thu nhập phù hợp và cơ hội lớn để học hỏi thêm kiến thức. Khi mới ra trường, kiến thức càng tích luỹ nhanh thì càng về sau càng phát triển mạnh.

Nơi đầu quân tốt thì nên vào các công ty, tập đoàn lớn, vì ở đó có nhiều bài toán lớn về chuyên môn để các bạn làm. Còn nếu vào các startup thì thường bạn sẽ tiếp thu các khả năng về làm sản phẩm, tinh thần teamwork.

Nhiều bạn trẻ đang “nhảy việc” liên tục và băn khoăn về cách lựa chọn môi trường làm việc. Anh có lời khuyên nào để các bạn trẻ xác định được hướng đi phù hợp để có thể theo đuổi lâu dài?

Anh Lê Minh Nghĩa: Có hai thứ để tìm được việc phù hợp: từ cái mình muốn và từ cái mình cố gắng. Cái mình muốn thì sẽ định hướng mình tìm môi trường phù hợp theo một tiêu chí gì đó. Nhưng thường không có môi trường nào hoàn hảo, sự thực các bạn sẽ yêu công việc khi bạn nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn, cản trở, những điều bạn không hài lòng để đạt một thành tựu, một cột mốc mà các bạn cảm thấy mãn nguyện.

Xin cảm ơn anh!

Quỳnh Anh (ghi)

Gặp gỡ Kỹ sư giải pháp công nghệ Tiki Lê Minh Nghĩa