Khởi nghiệp công ty vào thời điểm được cho là đầy khó khăn nhất của ngành phần mềm Việt, lại chọn đúng mảng “khó xơi” là outsourcing phần mềm phục vụ khách hàng Nhật Bản, nhưng CEO Trần Đức Nghĩa đã lèo lái thành công công ty cổ phần phần mềm quốc tế 3S (3S Intersoft JSC) với hơn 6 năm liền phát triển. 

Dám thay đổi để thành công

Cởi mở, giản dị và thân thiện là những ấn tượng mà anh Trần Đức Nghĩa – CEO công ty 3S để lại trong mắt người xung quanh. Với các nhân viên, cộng sự cùng công ty, anh là người sếp dễ gần, nhiệt tình và biết quan tâm. Còn bản thân anh nhận mình đôi khi là “khắt khe hơn cả khách hàng”. 

Trong công việc, anh Nghĩa tâm đắc với quan điểm của triết gia Henry David Thoreau, đại ý: “Phần lớn cuộc đời chúng ta sẽ làm những việc bình thường. Vì thế quan trọng nhất không có nghĩa phải chọn việc phi thường để làm, mà chỉ cần làm việc bình thường tốt một cách phi thường”.

CEO Trần Đức Nghĩa đã lèo lái thành công công ty cổ phần phần mềm quốc tế 3S (3S Intersoft JSC) với hơn 6 năm liền phát triển.

Có lẽ cùng vì ảnh hưởng từ triết lý ấy, anh luôn nỗ lực làm tử tế và “phi thường nhất” cho mỗi công việc mà mình lựa chọn.  Công ty do anh đồng sáng lập trong vai trò CEO cũng không nằm ngoài điều này.

Khởi sự với một nhóm thành viên gồm 8 người “ngây thơ, lơ ngơ” – như cách nói rất mộc mạc của anh, sau 7 năm, 3S hiện đã có hơn 250 nhân viên. Thị trường chủ yếu của công ty là ở nước ngoài với các dự án triển khai tại Nhật, Mỹ và châu Âu. Anh Nghĩa chia sẻ, chỉ một năm nữa thôi, 3S kỳ vọng tăng trưởng gấp đôi, với lượng nhân viên lên đến hơn 500 người và xa hơn thì “chưa thể tiết lộ”. 

Không chỉ gia công phần mềm, 3S đã và đang đặt quyết tâm cao làm phần cứng, thiết bị IoT (Kết nối vạn vật) mà trước tiên là các hệ thống cảm biến chất lượng không khí và nước – nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như trên thế giới. Công ty cũng đẩy mạnh định hướng phát triển theo các hướng công nghệ nóng nhất là điện toán đám mây (Cloud Computing) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Inteligence). 

Theo CEO Trần Đức Nghĩa, công ty đã phải đối mặt với khá nhiều thách thức để đến được ngày hôm nay. Đó là thách thức về sự thay đổi và dám thay đổi. Công ty nhiều lần phải đổi chiến lược, kỳ công xây rồi lại đập đi đội ngũ của mình trước biến động đầy khắc nghiệt của thị trường, áp lực từ khách hàng và cả những đối thủ cạnh tranh.

Công ty nhiều lần phải đổi chiến lược, kỳ công xây rồi lại đập đi đội ngũ của mình trước biến động đầy khắc nghiệt của thị trường, áp lực từ khách hàng và cả những đối thủ cạnh tranh.

“Có thời điểm, khách hàng đề nghị mua một phần công ty, mình từ chối, cuối cùng, họ cắt hợp đồng, tự lập công ty lại “lấy” đi vài nhân viên chủ chốt của mình luôn. Rồi các thành viên trong đội ngũ sáng lập ban đầu của công ty cũng chỉ còn 4 người. Hiện các thành viên tách ra cũng đều lập công ty công nghệ riêng” – anh tâm sự.

Từ những năm tháng đã qua, anh nhận được nhiều bài học đắt giá trong khởi nghiệp. Bài học đầu tiên chính là “Dừng học tập là chết”. 3S có chính sách bắt buộc 3L: Life Long Learning (học tập suốt đời). Trong nội bộ công ty, ai không học sẽ bị phạt thật nặng, trừ vào thưởng cuối năm, thậm chí cao trào nhất là bị đề nghị nghỉ việc nếu không tuân thủ 3L.

Bài học thứ 2 là phải biết chấp nhận những xáo trộn về đội ngũ để có thể luôn tiếp tục bước đi dẫu người lãnh đạo dẫu có khổ tâm và có lúc bấn loạn đến đâu.

Bí quyết đơn giản giúp chinh phục khách hàng

Với quan điểm làm việc rất tương đồng quan điểm của Henry David Thoreau, đại ý, “Phần lớn cuộc đời chúng ta sẽ làm những việc bình thường. Vì thế quan trọng nhất không có nghĩa phải chọn việc phi thường để làm, mà chỉ cần làm việc bình thường tốt một cách phi thường”, anh Nghĩa luôn nỗ lực mang đến kết quả tốt nhất trong công việc – từ những điều nhỏ nhất. Cùng với đó, kinh nghiệm sống và làm việc một thời gian khá dài giúp anh Nghĩa nhạy cảm với những tiêu chuẩn từ khách hàng – chủ yếu đến từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Bí quyết để chinh phục khách hàng của 3S theo CEO Trần Đức Nghĩa là rất đơn giản.

“Quan trọng nhất là chân thành, học hỏi và luôn đặt mình vào vị trí khách hàng để suy nghĩ mình có thể làm gì tốt hơn, chứ cũng không đơn thuần bảo gì thì làm nấy. Tinh thần này (gọi kiểu cách hơn là tư vấn giải pháp, kỹ thuật) được mình luôn truyền đạt đến anh em để cùng dần dần tự nâng cấp năng lực của bản thân lên” – anh Nghĩa nói. Mong muốn của người đứng đầu 3S là cả công ty cùng phấn đấu để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khách hàng mà không cần phải “gồng mình” quá sức.

Cuối tháng 6/2019, công ty 3S ký thỏa thuận hợp tác đào tạo – tuyển dụng với Đại học trực tuyến FUNiX. Theo anh Nghĩa, đây là một bước đi quan trọng giúp công ty mở rộng nguồn tuyển dụng nhân viên mới có năng lực phù hợp. 

Vị CEO cho hay, lý do anh đến với FUNiX, đưa 3S hợp tác với nhà trường chính là bởi sự tin tưởng vào  Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam.

“Với mình, anh Nam vừa như người anh, vừa như người thầy/mentor đầu tiên trong CNTT của mình từ 20 năm về trước. Đến giờ, mình vẫn rất tin tưởng vào quan điểm giáo dục tiên tiến của anh Nam” – anh tâm sự.

Ấn tượng khác khiến anh Nghĩa trân trọng FUNiX hơn nhiều nữa là việc đưa môn đạo đức học trong CNTT vào giáo trình. Là người cực kỳ quan tâm đến quan điểm hệ thống đào tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, CEO 3S cho rằng đây là nền tảng cơ bản, cung cấp góc nhìn hay để có thể làm tốt hơn mọi việc, kể cả những việc bình thường và đời thường.

Tiếp nối các bước hợp tác giữa 3S và FUNiX, các xter sẽ có nhiều cơ hội thực tập, tuyển dụng hấp dẫn tại công ty. Đồng thời, các bạn cũng có cơ hội được học tập và trao đổi trực tiếp với anh Trần Đức Nghĩa trong vai trò một mentor. Anh cũng hi vọng qua quá trình hợp tác mình sẽ có được nền tảng cập nhật để giúp nhân viên dễ dàng hơn trong việc học tập suốt đời cũng như có cơ hội đóng góp lại kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình thông qua FUNiX cho cộng đồng học viên trẻ tuổi. 

Quỳnh Anh

Doanh nghiệp hợp tác cùng FUNiX mở rộng nguồn tuyển dụng