Đặt chân vào lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe cũng đặt vào đó toàn bộ niềm tin, trí tuệ và nỗ lực không ngừng cùng các cộng sự của mình với mục tiêu.
Trong buổi giao lưu trực tuyến “Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI” do Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức sáng 21/8, anh đã có nhiều chia sẻ thú vị xung quanh chủ đề khởi nghiệp trong lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Câu hỏi: Chào anh Thành. Anh có thể chia sẻ, tại sao anh lại quyết định về Việt Nam làm việc ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo mà không phải là lĩnh vực khác?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Đơn giản vì đấy là ngành mình học và có kinh nghiệm làm việc. Thực ra trong quá trình lăn lộn để phát triển doanh nghiệp, mình cũng đã nhận đủ các loại dự án khác (để kiếm tiền ngắn hạn) nhưng dẫu sao thì làm với thứ ta đã có kinh nghiệm và đam mê vẫn tuyệt vời hơn nhiều.
Câu hỏi: Điều gì ở công nghệ này thu hút nhất đối với anh? Bằng kinh nghiệm cá nhân, theo anh những thách thức lớn nhất mà các kỹ sư AI phải đối mặt là gì và làm thế nào để vượt qua trong môi trường công nghệ ở Việt Nam?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Điều khiến AI thu hút mình nhất nằm ở chỗ mình tin “AI là một loại điện năng mới”, nó có thể ứng dụng vào mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, hệt như hiện tại chúng ta có điện ở mọi nơi. Mình muốn được phát minh, sáng tạo các sản phẩm với AI để đưa thật nhiều ứng dụng của nó vào cuộc sống, giống như cách các nhà phát minh trong lịch sử như Edison, Tesla… đưa điện vào cuộc sống vậy. Đó là ước mơ của mình và các cộng sự ở InfoRe.
Theo kinh nghiệm của mình, thách thức lớn nhất dành cho các kĩ sư AI là làm thế nào để liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới và theo kịp các bước phát triển như vũ bão của công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại. Cả thế giới đang lao vào nghiên cứu AI và các kĩ thuật mới ra đời hằng ngày.
Câu hỏi: Khởi nghiệp AI ở Việt Nam thì có những rào cản gì, thưa anh?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Theo mình khởi nghiệp AI ở Việt Nam đang thuận lợi hơn khởi nghiệp ở các ngành khác rất nhiều, do được sử ủng hộ mạnh mẽ của xã hội và dễ dàng có được nhiều cơ hội lớn. Các doanh nghiệp từ lớn đến bé đều rất quan tâm tới ứng dụng AI, đây là thời điểm không thể tốt hơn để làm startup với AI ở Việt Nam. Các khó khăn về dữ liệu, hạ tầng, nhân lực… chỉ là những thứ cần phải vượt qua chứ không phải trở ngại quá lớn khi làm startup với AI. Nếu muốn làm startup với AI, bạn nên làm ở thời điểm hiện tại.
Câu hỏi: Xin anh cho biết, để khởi nghiệp về AI anh đã phải chuẩn bị những điều gì? Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp một start – up về AI thành công khi mà nó còn quá mới ở Việt Nam?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Để khởi nghiệp AI, theo mình điều đầu tiên cần có lẽ là kiến thức. Các sáng lập viên của InfoRe khi thành lập công ty đều là những người đã có kinh nghiệm, trực tiếp làm việc với các bài toán ứng dụng AI và cần tới dữ liệu lớn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo mình có lẽ là sự bền bỉ, gan lì. Hiện giờ AI còn rất mới ở Việt Nam nhưng bọn mình thành lập công ty từ năm 2011, khi ấy AI còn mới với người Việt Nam hơn nhiều. Nếu không gan lì có lẽ công ty của bọn mình đã không tồn tại được đến bây giờ.
Câu hỏi: Anh có thể chia sẻ chút về khó khăn khi khởi nghiệp của mình để có được ngày hôm nay không?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Khó khăn khi bắt đầu của bọn mình khá lớn.
Khó khăn đầu tiên bọn mình gặp phải nằm ở việc không có kinh nghiệm kinh doanh, vận hành doanh nghiệp, do đó vốn liếng dành dụm tiêu hết rất nhanh mà vẫn không cân bằng được dòng tiền cho công ty. Nhiều lúc đã đứng bên bờ vực giải thể, may mắn nhờ có các sáng lập viên khác tuy ngồi ở khắp nơi trên thế giới nhưng đã liên tục động viên, giúp đỡ, bọn mình mới có thể bước tiếp.
Các khó khăn khác chủ yếu đến từ đội ngũ nhân sự, bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp. Làm trong một lĩnh vực mới buộc bọn mình phải tự mày mò, khám phá những hướng phát triển mới, phải thử sai, sinh ra nhiều xung đột trong bộ máy lãnh đạo. Khi chưa có kinh nghiệm giải quyết xung đột, nhiều tình huống không mong muốn nảy sinh. Ngoài ra, làm việc trong lĩnh vực mới khiến bọn mình gần như không tuyển được nhân lực mà buộc phải đào tạo, ươm tạo từ các bạn sinh viên, mất một khoảng thời gian khá dài mới biến các bạn ấy thành nhân lực làm việc độc lập được.
Câu hỏi: Xin anh tiết lộ về mức lương của kỹ sư AI ở công ty của mình? Trong tương lai công ty của anh sẽ phát triển theo những hướng công nghệ nào ngoài AI?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe: Hiện tại bọn mình phát triển theo hướng startup nên mức lương của các kĩ sư AI trong công ty không cao, chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Các bạn đó ra làm ở doanh nghiệp khác có thể có mức lương cao hơn tuy nhiên làm startup có cổ phần, mọi người không quá chú tâm vào lương mà chỉ cần một mức đủ tiêu dùng cá nhân hằng tháng. Trong tương lai bọn mình vẫn muốn chú tâm hoàn toàn vào việc phát triển các ứng dụng AI cho xã hội Việt Nam, thông qua xây dựng nhiều start – up chứ chưa xác định phát triển theo hướng nào khác.
Câu hỏi: Anh đánh giá như thế nào về khả năng thành công cho những người trẻ muốn start – up trong lĩnh vực AI? Anh có gợi ý như thế nào về các hướng trong lĩnh vực AI mà người trẻ có thể tự nghiên cứu và phát triển start-up?
Anh Lê Công Thành – CEO công ty InfoRe : Ở công ty InfoRe, bọn mình liên tục giao các dự án nhỏ cho các thực tập sinh và đánh giá định kì mức độ phát triển của các dự án. Nếu dự án nào phát triển đủ tốt, có tiềm năng, InfoRe sẽ đầu tư các tài nguyên cần thiết để phát triển thành startup. Hiện giờ ở InfoRe đã có đến 11 dự án startup khác nhau đều theo hướng ứng dụng AI – Big Data.
Có rất nhiều hướng ứng dụng AI khác nhau cho xã hội, ngành nghề nào cũng có thể áp dụng được. Theo kinh nghiệm của mình, các startup nên đi từ nhu cầu của một cộng đồng đủ lớn trong xã hội để phát triển công cụ giúp đỡ những người ấy giải quyết vấn đề. Dùng AI hay dùng công nghệ nào khác chỉ là hệ quả của phương pháp triển khai sao cho tối ưu mà thôi.
Quỳnh Anh (ghi)
InfoRe – startup công nghệ chinh phục AI bằng tinh thần bền bỉ
Leave a Reply