Theo Thạc sĩ Khoa học Máy tính Trần Quốc Tuấn, Mentor FUNiX, ba ngôn ngữ lập trình thông dụng gồm: Python, Java và Javascript.
Thạc sĩ Khoa học Máy tính Trần Quốc Tuấn cho biết, ngôn ngữ lập trình là cánh tay phải của lập trình viên hay nhà phát triển phần mềm. Báo cáo thống kê The State of Developer Ecosystem (TSDE) đến cuối năm 2019 cho thấy hiện nay có khoảng 35 ngôn ngữ lập trình được phổ biến sử dụng trong giới phát triển phần mềm toàn cầu. Phổ thông nhất, đó là Java, Python, Javascript, C… Tuy nhiên, ngôn ngữ lập trình sẽ không chỉ dừng ở con số vài chục mà sẽ xuất hiện thêm trong tương lai.
Trong số đó, ông Trần Quốc Tuấn chỉ ra ba ngôn ngữ lập trình phổ biến hơn những ngôn ngữ khác là Python, Java và Javascript. Theo khảo sát PYPL Index, Java và Javascript nằm ở top 3 của bảng xếp hạng đây trong hơn 15 năm trở lại. Bên cạnh đó là sự vươn lên vị trí số một của Python, đẩy Java và Javascript xuống vị trí thứ 2 và 3.
Lý giải về số liệu này, Thạc sĩ Trần Quốc Tuấn chia sẻ, Python là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng có cú pháp trực quan, logic, ngắn gọn và rõ ràng. Python rất dễ cho người mới bắt đầu, từ việc học cách sử dụng thư viện tới cách khai báo và quản lý biến, hàm, phương thức, thuộc tính. Tốc độ xử lý trên python nhanh. Python cũng tương thích với tất cả mọi hệ điều hành từ MacOS tới Windows, Linux, Unix và MS-DOS. Python giúp nhà phát triển phần mềm phân tích dữ liệu, xây dựng website, phát triển học máy, kiểm thử phần mềm hay thực hiện đồ họa máy tính …
Theo một khảo sát khác từ Stack Overflow, ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất tính đến cuối năm 2019 lại là Javascript. Tương tự, báo cáo TSDE cũng chỉ ra rằng Javascript là ngôn ngữ được các lập trình viên sử dụng nhiều nhất với con số lần lượt là 65%, 64%, 69%, trong tổng số lập trình viên thực hiện thống kê khảo sát vào các năm 2017, 2018, 2019.
Javascript có một số ưu điểm như: Thân thiện với hầu hết các trình duyệt, cú pháp sử dụng linh hoạt. Javascript được sử dụng cho cả lập trình giao diện front-end và lập trình hệ thống back-end. Javascript cũng khá dễ học, có thể biên dịch bằng html, dễ phát hiện lỗi trong quá trình lập trình, có tính hướng đối tượng dù chưa quá rõ rệt.
Bên cạnh đó, Java cũng có thể xem là một trong những ngôn ngữ lập trình kinh điển nhất, được khởi đầu bởi James Gosling và bạn đồng nghiệp ở Sun MicroSystem năm 1991. Ban đầu, Java được tạo ra nhằm mục đích viết phần mềm cho các sản phẩm gia dụng, được phát hành năm 1994, đến năm 2010 Oracle mua lại. Java là một trong những ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng có hiệu năng cao nhất và được sử dụng trong phát triển phần mềm, trang web, game hay ứng dụng trên các thiết bị di động.
Thạc sĩ Trần Quốc Tuấn cho rằng, ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là các công ty lập trình và phát triển phần mềm đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Mỗi ngôn ngữ lập trình đều có thế mạnh và nhược điểm riêng. Đó là lý do vì sao số lượng ngôn ngữ lập trình đang tồn tại lại nhiều như vậy.
“Hiểu biết về một số ngôn ngữ lập trình phổ biến giúp người học có sự lựa chọn phù hợp khi theo học. Tuy nhiên, ngôn ngữ chỉ là công cụ biểu đạt và thể hiện tư duy của nhà phát triển và lập trình viên. Vì vậy, bên cạnh việc học tập và thành thạo một hay vài ngôn ngữ lập trình, người học cần phát triển cả tư duy lập trình. Đó mới là điều cốt tủy”, ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
FUNiX – đơn vị đào tạo Công nghệ thông tin trực tuyến thuộc FPT Education phát động chương trình Language of Future với mục tiêu trong hai năm đưa khoảng 100.000 thanh thiếu niên Việt Nam tiếp cận với khoảng 20 ngôn ngữ lập trình thông dụng như: JavaScript, JavaCore, Python…
Giai đoạn một của chương trình ra mắt các khóa học về ba ngôn ngữ: JavaScript, Java Core và C++, với 30 suất học bổng do cha đẻ Flappy Bird Nguyễn Hà Đông trao tặng.
Thông tin chi tiết về chương trình và học bổng xem tại đây.
Nha Trang
Leave a Reply