Người ta cứ nghĩ làm những điều “impossible – phi thường” phải là những điều gì cao siêu lắm đòi hỏi bạn phải nỗ lực gì ghê gớm lắm. Nhưng thật ra rất nhiều điều “phi thường” tồn tại ngay bên cạnh ta, chỉ cần ngoảnh đầu nhìn sang hướng khác. Hệt như ta đang đi trên đường lạnh lẽo ẩm ướt, chợt nhìn sang bên cạnh, một cây đào nở hoa đỏ thắm, và hiểu rằng mùa xuân đang đến. Những điều tôi sắp nói sau đây về giáo dục đại học là “phi thường” theo nghĩa như vậy.

1/ Một nền đại học chất lượng Mỹ, giá Việt Nam đang hiện hữu!

Ngày 1/12/2015 giáo sư nổi tiếng Richard A Muller của trường Đại học nổi tiếng UC Berkeley đã tuyên bố trên Internet:

“We need to create a dramatically new approach to higher education, but not too different. My concept takes advantage of special teachers I call great lecturers, and the international organization that the internet makes possible…It will make university education affordable not only in the developed world, but also in the developing world. It will make superb higher education accessible not only to those few who can afford to devote full time to it, but to those who can only take one course at a time.”

Ông khẳng định: đã đến lúc có thể làm một trường Đại học với chất lượng như trường của ông, nhưng giá cả phù hợp với hàng triệu người ở các nước đang phát triển. Ông đã làm một kế hoạch kinh doanh và gửi lên nhà trường, cùng 15 nguyên tắc hoạt động của trường đại học đó.

Rất đáng tiếc, dự án của Giáo sư bị trường reject, nhưng ông tin là “someone – ai đó” sẽ hiện thực hóa nó “soon – rất nhanh”. Someone đó hóa ra là FUNiX ở Việt Nam, đã khai giảng khóa đầu tiên trước đó 10 ngày ngày 20/11/2015, với các nguyên tắc hoạt động giống hệt như Giáo sư miêu tả trong bài báo.

Chúng ta chắt bóp, cho con học thêm, luyện tiếng Anh, hoạt động xã hội, rồi chạy vạy trường điểm… để mong con được đi du học nhất là Mỹ. Nếu ở vùng sâu vùng xa thì cũng cố cho lên được Sài Gòn, Hà Nội. Cùng lắm thì mới chịu học trường tỉnh hoặc ở nhà làm việc. Rất tốn kém và đầy cạm bẫy.

Giờ thì bất cứ một học sinh nào có khả năng đến quán Net, sẽ có cơ hội theo học những chương trình tiên tiến nhất trên thế giới về CNTT qua FUNiX, nhờ có những người như giáo sư Muller. Nhờ MOOC (Massive Open Online Course)

2/ Hỏi là học, Dỗ quan trọng hơn dạy

Tất nhiên là sẽ không dễ như thế. Rào cản thứ nhất là ngôn ngữ. Nhưng nếu đã xem phim Holliwood được, sao không xem bài giảng tiếng Anh được. Chỉ cần thêm phụ đề hay thuyết minh! Nhưng học không phải như xem phim, chắc cũng phải có lúc bí. Vậy thì hỏi. Chúng tôi tin rằng hỏi chính là học. Ở FUNiX học sinh tranh đua để dành danh hiệu, ai là người hỏi nhiều nhất, ai là người hỏi chất nhất, chứ không phải ai là người trả lời đúng nhất.

Dỗ quan trọng hơn dạy” – FUNiX phát triển đội ngũ “dỗ viên” – những Hannah luôn theo sát để nhắc nhở sinh viên học tập, một cách để duy trì động lực cho sinh viên học tập trực tuyến.

Rồi háo hức ban đầu cũng qua đi. Trăm ngàn lý do cám dỗ làm ta ngại học. FUNiX là trường đại học có lẽ hiếm hoi có chức danh Dỗ Viên mà không phải là Giảng Viên, có hẳn Trung tâm Dỗ học sinh học. Chúng tôi gọi các bạn làm việc ở đây là Hannah theo tên mà các lính Mỹ gọi nữ phát thanh viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Trịnh Thị Ngọ – Hannah Hanoi. Chân thành được tri ân bà và các đồng đội của mình. Các Hannah trao đổi với từng sinh viên, nắm được tâm tư nguyện vọng, đưa ra những phương án, để sinh viên tiếp tục con đường học tập. Bất cứ lúc nào khó khăn, các em cũng thấy nhà trường luôn ở bên cạnh.

3/ Mới đi học đã quen cao thủ.

Các mối quan hệ với đàn anh làm ta nhanh chóng trưởng thành trong nghề. Thường thi chúng ta đi học 4-5 năm, tốt nghiệp xong mới đi làm. Vào chân rót nước pha trà, leo lên nhanh thì cũng 5-6 năm thì “vua mới biết mặt, chúa mới biết tên”. Ở FUNiX sinh viên ngay ngày đầu đã có thể “chất vấn” lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu ở Việt Nam. “Learn with the mentors” là khẩu quyết của sinh viên. Mentors là ai, họ chính là những lãnh đạo, chuyên gia các cấp đang làm trong ngành công nghiệp CNTT ở Việt nam và thế giới. Họ sẵn lòng dành thời gian để trả lời các câu hỏi của sinh viên.

Cách đây 2 tuần 1 bạn sinh viên sau khi trao đổi xong với tôi, mới thừa nhận bạn ấy đang làm ở văn phòng FPT bên Singapore, mà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện có thể chat 1-1 với tôi như vậy nếu không có FUNiX.

4/ Ai cũng được học, học lúc nào, ở đâu cũng được, nhanh bao nhiêu cũng được.

Vậy thì điều kiện gì thì được đi học FUNiX. Chẳng cần gì, chỉ cần bạn quyết tâm tự học. Và tất nhiên là một cái laptop nối Internet. Nếu không có laptop cũng không sao. Có lần chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại của sinh viên xin tạm dừng học mấy hôm. Hóa ra là chỗ bạn ấy mưa bị lụt, bạn ấy không ra quán Net để học được. Bạn ấy làm giúp việc cho một gia đình và chỉ tranh thủ đi học được buổi tối. Hóa ra 45000 quán Net ở Việt Nam cũng có thể trở thành điểm trường Đại học.

Thực ra thì bạn ấy cũng không cần xin phép nghỉ vì học thế nào, học nhanh hay chậm đều do sinh viên quyết định. (Tất nhiên là nếu bạn ấy chán nản, sẽ có Hannah xinh đẹp gọi điện dỗ). Có bạn hỏi bao giờ thì thi, bao giờ thì tốt nghiệp. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra ước tính. Còn bạn thích thi ngay ngày mai cũng được. Bạn học nhanh thì tốt nghiệp sớm. Bạn bắt đầu sớm thì có thể hoàn thành chương trình đại học ngay khi còn đang học phổ thông.

Ngay tại lúc này khi tôi đang nói ở đây, hàng trăm sinh viên và mentors đang “vật vã” với nhau. Tuần sau khi sinh viên các trường nô nức về quê ăn Tết, thì hàng trăm sinh viên nô nức nhập học FUNiX. Và tôi thực lòng chúc các bạn trẻ, Tết này, sau khi đã trải qua những phút giao thừa ấm áp với những người yêu thương, hãy mở laptop ra để vào Internet, để học, để hỏi, để mở cho mình những cánh cửa tri thức mới.

“Hoa đào tại sao mùa xuân mới nở thì FUNiX cũng vậy, khi Internet phát triển thì FUNiX mới đủ điều kiện để ra đời”.

Tất cả những điều tôi nói trên đây đều nghe có vẻ khó tin. Nhưng là thực tế đang xảy ra. Chẳng khác gì cây đào nở hoa rực rỡ bên đường đông mưa gió lầy lội. Chỉ cần bạn dám ngoảnh lại và bước sang bên – thử và rèn luyện khả năng tự học của mình.

Nguyễn Thành Nam – Nhà sáng lập FUNiX