Bài viết tường thuật lại chia sẻ của anh Nguyễn Thành Nam tại chương trình Cất Cánh  tháng 3/2020 chủ đề “Và cuộc sống vẫn tiếp diễn” – Đài Truyền hình Việt Nam.

Không nghi ngờ gì nữa, Chúng ta đang đối diện với một khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta sẽ phải học cách vượt qua nó. Vì dù thế nào đi nữa cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn.

Tôi có một cảm nhận rằng, chính trong lúc trong khó khăn này, những phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam đang càng ngày càng được bộc lộ.

Bom có thể rơi bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi vẫn đến trường, đầu đội mũ rơm, luôn sẵn sàng lăn xuống hầm ngay khi có hiệu lệnh, để bố mẹ yên tâm làm việc.

Đó là sự đoàn kết và kỷ luật, một cách bình thản, tự nhiên, vốn tưởng như đã là một điều xa xỉ. Tôi nhớ lại hồi tháng 3 năm 2011, khi đi cùng một nhân viên người Nhật đến tâm điểm của thảm họa sóng thần và phóng xạ hạt nhân. Tôi đã rất ngạc nhiên trước sự bình tĩnh và kỷ luật của người dân Nhật. Tôi đã kể cho bạn nhân viên Nhật ấy về sự bình tĩnh và kỷ luật của thế hệ chúng tôi trong thời chiến tranh. Bom có thể rơi bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi vẫn đến trường, đầu đội mũ rơm, luôn sẵn sàng lăn xuống hầm ngay khi có hiệu lệnh, để bố mẹ yên tâm làm việc. Và vẫn không quên ca hát với một niềm tin “Tiếng hát át tiếng bom”. Có một bài hát rất hay lột tả sự bình thản và ung dung đó, bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích:

Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay, giỏ cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày.
Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng, mẹ ăn cơm cho nóng, mẹ để con chăn trâu cho, ơi chăn trâu.
Mai đây chiến thắng bố về, có nghe mẹ kể chuyện con, rằng con bé lon ton khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày!
https://www.youtube.com/watch?v=8dr-98xhhFE

Giờ đây tôi thấy các phẩm chất ấy đang quay trở lại. Thậm chí ngay trong show truyền hình này!

Anh Nguyễn Thành Nam trong vai trò khách mời tại một chương trình Cất Cánh – Đài THVN

Chúng ta vừa mới nghe bác sĩ Tú* kể lại những người dân Sơn Lôi đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh phong tỏa thế nào.
Chúng ta chắc cũng vừa mới được xem người dân Trúc Bạch tối qua hát Ghen Covy của Khắc Hưng* để chào đón hết cách ly.
Chúng ta đang thấy người dân vẫn ra đường, đeo khẩu trang và hối hả làm việc. Chúng ta đang thấy Facebook tràn ngập những comments của các bạn trẻ tự hào và biết ơn vì được trở về nơi chính xác là Đất Mẹ.
Bình tĩnh, không sợ hãi.

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là khả năng xoay xở và thích ứng rất nhanh với công nghệ. Tôi đang nói về lĩnh vực mà chúng tôi đang tiên phong tại FUNiX, đó là sử dụng Internet để đổi mới giáo dục.

Tôi đã rất bất ngờ khi thấy vợ tôi, giảng viên Đại học Bách khoa, vốn bình thường cứ có gì liên quan đến máy tính lại gọi chồng, bỗng lọ mọ cài MS Team để lên lớp giảng bài cho sinh viên. Rồi cứ lo lắng là không biết sinh viên có nghe rõ mình không!

Tôi ngạc nhiên khi thấy thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc lại có thể tổ chức cả trường chuyển sang mode học online nhanh như vậy. Thật xứng danh với tên của người bí thư Tỉnh ủy được coi là cha đẻ của cuộc đổi mới trong nông nghiệp.

Tôi rất hứng khởi khi thấy các thầy giáo đã già ở đại học Việt Bắc – Thái Nguyên lại am hiểu công nghệ và các ứng dụng trong đào tạo để đưa giáo dục đến các sinh viên ở những vùng rừng núi Việt Bắc xa xôi.

Tôi nhận được những cuộc gọi từ khắp nơi: Nam Định, Thanh Hóa, Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Dương, Đồng Nai… chia sẻ, tư vấn, hoặc đơn giản chỉ là tìm kiếm sự ủng hộ.

Có thể nói tất cả ngành giáo dục đã lên mạng. Không cần một sự đầu tư to lớn nào!
Đây là thời điểm vàng để Bộ Giáo dục công nhận đào tạo trên Internet bình đẳng với mọi hình thức đào tạo khác, để công sức mà các thầy cô và các em bỏ ra sẽ không bị lãng phí.
Đó sẽ là một cú hích cực lớn cho ngành giáo dục Việt Nam.

Chiều hôm thứ 5 vừa rồi, chủ tịch FPT là anh Trương Gia Bình đã có một buổi phỏng vấn online với một nữ sinh lớp 11 ở Hạ Long mà đã sắp hoàn thành học kỳ thứ 7 (trong 8 học kỳ) tại FUNiX. A Bình đã có một quyết định chưa từng có tiền lệ là nhận ngay em này vào bất cứ vị trị nào trong các công ty thuộc tập đoàn với mức lương khởi điểm là 10m/tháng, cấp học bổng nếu em muốn học thạc sĩ và sẽ tạo điều kiện để em sang Mỹ làm việc theo mơ ước của em. Đó là sự công nhận hình thức đào tạo mới mẻ mà chúng tôi đang thực hiện.

Chúng ta đã từng trải qua những thời gian cực kỳ khó khăn và chúng ta đã vượt qua. Tôi tin là lần này cũng sẽ như vậy!

Rồi như chị Thùy Dương* chia sẻ, sẽ đến lúc chúng ta kể lại cho con cháu, là chúng ta đã sống xứng đáng như thế nào trong thời khắc khó khăn này!


*Nhạc sĩ Khắc Hưng, bác sĩ Anh Tú và đại biểu HĐND Hà Nội bà mẹ 3 con Thùy Dương là những khách mời của chương trình hôm nay

Nguyễn Thành Nam