Với chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm, Diễn giả của xDay tháng 3 Nhà báo, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy –  đã cởi mở sẻ chia về những tác phẩm nghệ thuật mà chị và các cộng sự đã dày công tạo dựng. Nhiều bài học về theo đuổi đam mê cũng được rút ra cho học viên FUNiX.

Tại buổi offline, thầy trò FUNiX được biết thêm về public art (nghệ thuật công cộng), về chất liệu gốm sứ và các công trình nổi tiếng trong nước và quốc tế được tôn tạo bằng gốm. Riêng các tác phẩm của chị Thủy, ngoài con đường gốm sứ, còn có “Đài phun nước Bông Sen Vàng” giành giải Thiết kế Quốc tế tại Los Angeles (Mỹ), Lá cờ gốm sứ rộng 312m2 ở đảo Trường Sa lớn, 6 bức tranh cổ động ở cầu cảng và ở đường băng đảo Trường Sa lớn…, hay bức tranh gốm cao nhất Việt Nam tại tòa nhà Lotte Center Hà Nội mang tên “Mùa xuân Hà Nội”, tranh tường tại cổng sân bay Đà Nẵng mới, …v.v.

Miệt mài và đam mê với nghệ thuật công cộng, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy vẫn đang tiếp tục phát triển các ý tưởng mới làm thay đổi những không gian chưa được đẹp mắt của thủ đô. Trong ảnh, chị Thủy đang giới thiệu với sinh viên FUNiX bản Thiết kế chợ hoa Quảng Bá – một dự án mà chị đang triển khai.

Trong suốt 90 phút giao lưu cùng xTer, xMen và xStaff FUNiX, nữ Diễn giả đã trải lòng về những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhiều bài học theo đuổi đam mê cũng được chị nhiệt thành bày tỏ .

Lựa chọn chất liệu. Điều này rất quan trọng, cũng giống như sinh viên khi lựa chọn ngành và chuyên ngành để phát triển. Tình yêu với gốm của chị Thủy bắt đầu từ những chuyến đi thăm quan để viết bài ở các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng,.. Chị đặc biệt ấn tượng với tính năng trang trí hoành tráng và khả năng chịu được mưa nắng ngoài trời cũng như tính bền vững với thời gian của chất liệu gốm sứ. Ý tưởng về Con đường gốm sứ cũng từ đó mà hình thành nhân đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long Hà Nội.

Theo đuổi đam mê. Xuất phát là dân chuyên Nga nhưng thích và đam mê nghệ thuật, chị Thủy đã quyết định học thêm ở các xưởng vẽ. Chọn gốm, yêu thích public art, chị Thủy luôn cảm thấy bứt dứt khi đứng trước những công trình xuống cấp, bị bỏ hoang, làm mất mỹ quan của thành phố. “Làm thế nào để cảnh quan đẹp hơn, làm sao để gắn gốm và thể hiện được nét văn hóa Việt Nam” là suy nghĩ luôn nung nấu trong nhà báo, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Từ những cột xi măng thô cũ, những bức tường vỡ đổ hay những dãy nhà vệ sinh mà ai cũng muốn tránh xa, chị Thủy đã biến thành những công trình nghệ thuật được cộng đồng ghi nhận, mọi người yêu thích thăm quan chụp ảnh, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ đâu? Trả lời cho câu hỏi này, chị Thủy cho biết bản thân quan niệm “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Với chị, không chỉ gói gọn ở việc nghe giảng, học là phải đi ra ngoài, giao lưu và khám phá. Chị luôn sắp xếp thời gian, công việc để đi được nhiều nhất có thể. Chỉ trong đợt tham gia khoá báo chí tại Trung tâm Báo chí Quốc tế Berlin (InWent) năm 2006, chị đã đi thăm quan 8 thành phố châu Âu và không bỏ qua bất cứ một bảo tàng nào. Các tác phẩm của những nghệ sĩ thế giới truyền cảm hứng cho chị rất lớn cũng như làm trỗi dậy trong chị mong muốn tạo ra được tác phẩm của riêng mình.

Làm thế nào để có Dự án? Việc giành được dự án rất quan trọng, với bất cứ ngành nghề nào. Theo chị Thủy, để có được dự án, khâu ý tưởng là quan trọng nhất. Ý tưởng phải độc đáo, khác lạ, và quan trọng nhất là chưa có ai làm. Theo chị, ý tưởng tốt mới có thiết kế đẹp bởi, cái “hút” khách hàng trước tiên chính là tính thẩm mỹ, sau nữa mới là bền, tốt và các yếu tố khác. Một điểm quan trọng không kém là khả năng phản biện, thuyết phục khách hàng, bảo vệ ý tưởng của mình. Ý tưởng tốt, Thiết kế đẹp, Bản vẽ trên máy tốt đã khiến mọi người thích rồi tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chị Thủy, các công trình công cộng thường lớn và rất tốn tiền. Thường những dự án đặc biệt thì thành phố mới chi ngân sách, còn lại bản thân chị phải tự thân vận động, phải tự lên danh sách và thuyết phục các nhà đầu tư.

Minh Văn

Ảnh: BTC