Lần đầu tiên, trường học “trên mây” cấp bằng kỹ sư công nghệ phần mềm có mặt tại Việt Nam.

Trường học này chúng tôi vẫn gọi vui là dành cho các công dân số. Bởi, ở đó, chẳng có các vị giáo sư đáng kính xách chiếc cặp đen dày cộp với cơ man là giáo án. Học sinh cũng không mất công soạn bài đến lớp ngồi nghe giảng bài buồn bã rồi ngáp dài.

Thời đại này mà không go cloud “lên mây” để học và dạy thì bị xem là lỗi lạc – tức là lỗi thời và lạc hậu.

Đây chính là quan điểm của tôi trong cuộc hội thảo nhỏ tại nhà một người bạn ở Mỹ, trong đó có 2 giáo sư (một người là trưởng khoa công nghệ, người còn lại là trưởng khoa kinh doanh) của những trường đại học bang (State University) có tiếng của Mỹ.

Vị trưởng khoa công nghệ cật lực phản đối và cho rằng online chỉ là chiêu dụ sinh viên yếu kém của mấy trường sinh sau đẻ muộn, muốn khác biệt. Ông lấy ví dụ như Phoenix đã đổ tiền tấn ra quảng cáo, trong khi đáng lẽ tiền ấy phải vào trường sở, giáo sư để cải thiện chất lượng sinh viên, giờ đang sa sút. Cognitive Science (lĩnh vực khoa học nhận thức) đã chứng minh rằng, chỉ có giao tiếp trực tiếp là cách truyền đạt tri thức tốt nhất.

Vị giáo sư này còn nhấn mạnh, chẳng tin tưởng được các bạn sinh viên, vì không có mặt thầy sẽ dễ gì chịu học. Hành động thiết thực nhất là phải đến giảng đường để tiếp thu kiến thức.

Tôi không biết khoa học nói thế nào, nhưng phải thừa nhận là thời gian bọn trẻ ở trên mạng ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, sao không lên đấy để dạy cho lớp trẻ ấy, mà lại cấm đoán, đi ngược lại với các nguyên tắc sư phạm. Tiếng Việt có câu “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”.

Ở cuộc hội thảo đó, ông trưởng khoa kinh doanh tỏ ra thận trọng hơn và cho rằng anh ấy cũng từng nghĩ như vị giáo sư công nghệ. Anh lấy dẫn chứng, Phoenix sa sút không phải vì yếu kém, chẳng qua trước đây là độc quyền. Bây giờ nhiều trường có tiếng cũng nhảy vào giành thị phần online. Anh cho rằng đang làm phép thử để mở 2 khóa song song. Một khóa lên lớp bình thường, một khóa online. Tuy nhiên, vì cấp trên không thích online, nên buộc phải đặt giá online gấp đôi trên giảng đường.

Mặt khác, vị trưởng khoa này còn bảo nếu chán online quá, sinh viên vẫn có thể chuyển ngang sang học trên giảng đường, trả lại tiền. Và kết quả là chỉ có những sinh viên học trên giảng đường chuyển sang online, không có đứa nào chuyển ngược lại.

Tôi thẳng thắn chia sẻ, vậy thì việc gì phải thử nữa. Bắt tay vào làm thôi. Tháng 9/2015 khai trương một trường “trên mây” tại Việt Nam cấp bằng kỹ sư Công nghệ phần mềm.

Anh chàng trưởng khoa kinh doanh chia sẻ, nếu online trở thành xu hướng, các trường đại học của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì được thiết kế theo khu vực địa lý dân cư. Bây giờ “lên mây”, xóa nhòa khoảng cách, không khéo chỉ còn vài ba trường tồn tại được. Các trường khác có lẽ đi làm giáo trình thuê…

Ông giáo sư công nghệ tỏ ra bối rối, nhưng cũng không tranh luận tiếp.

Bẵng đi một thời gian, thấy ông liên lạc lại và nói: “Tôi suy nghĩ rất nhiều sau buổi tranh luận hôm nọ. Có lẽ chúng tôi cũng phải thử, bắt đầu bằng một khóa cao học online về Công nghệ phần mềm, ông thấy thế nào?”.

Tôi trả lời: “Quá hay ấy chứ, học lấy bằng cử nhân xong sẽ khuyến khích sinh viên lấy bằng cao học luôn. Chúng tôi khai trương vào tháng 10 đấy, có tên rồi, đó là www.funix.edu.vn“.

Tôi còn nhấn mạnh với ông, những sinh viên tốt nghiệp FUNiX sẽ tiếp tục học lên chương trình thạc sĩ Công nghệ thông tin. Online 100% cùng với mentor từ Mỹ và Việt Nam, các dự án thực tế của sinh viên sẽ được tính đến để giảm bớt thời gian.

Nguyễn Thành Nam
Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX