VnExpress – Ngoài kiến thức nền tảng tốt, thì năng lực giải quyết vấn đề, năng lực học hỏi, thái độ làm việc, chủ động trong học tập và công việc… là những yếu tố được các nhà tuyển dụng đánh giá cao ở ứng viên. Thực tế, một người trẻ ít hoặc chưa có kinh nghiệm và thậm chí chưa có bằng đại học vẫn có thể tìm được vị trí tốt trong ngành.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến ngày 29/5 chủ đề Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng, các khách mời của chương trình đã nhận được nhiều quan tâm và câu hỏi từ độc giả về việc làm, tuyển dụng, kinh nghiệm học tập và tạo dựng nghề nghiệp. Từ góc độ các chuyên gia, và chính câu chuyện của khách mời, nhiều thông tin thiết thực đã được chia sẻ.

Bằng cấp có phải yếu tố hàng đầu để đánh giá ứng viên?

Trong rất nhiều câu hỏi gửi về chương trình, các độc giả thể hiện mối quan tâm, bằng cấp có vai trò như thế nào trong xu thế tuyển dụng hiện nay.

Là tập đoàn CNTT lớn ở Việt Nam, CMC dự kiến sẽ có 10 nghìn nhân viên trong giai đoạn 2019 – 2023. Theo chị Nguyễn Diệu Anh, Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn CMC, doanh nghiệp này dự kiến tuyển dụng 1200 nhân sự, tập trung trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, viễn thông, giải pháp, gồm các  chuyên gia CNTT, quản lý, lãnh đạo các cấp trong năm nay.

Chị Nguyễn Diệu Anh, chuyên gia nhân sự CNTT của tập đoàn CMC khẳng định: “Nếu bằng cấp là thứ duy nhất các bạn có thì CMC coi trọng nó, nếu bằng cấp là một phần nhỏ những thứ các bạn có thì CMC coi trọng những điều còn lại hơn, đó là thái độ làm việc, năng lực học hỏi”.

Tuy nhiên, chuyên gia về nhân sự ngành CNTT khẳng định: “Nếu bằng cấp là thứ duy nhất các bạn có thì CMC coi trọng nó, nếu bằng cấp là một phần nhỏ những thứ các bạn có thì CMC coi trọng những điều còn lại hơn, đó là thái độ làm việc, năng lực học hỏi”.

Trong khi đó, anh Lê Minh Nghĩa – chuyên gia CNTT đến từ Tiki cho rằng: “Bằng đại học theo nghĩa một chứng nhận không phải là cái các công ty công nghệ coi trọng. Nhưng các công ty công nghệ lớn lại coi trọng các kiến thức mà gần như chỉ có trường đại học mới có thể cung cấp cho các bạn”.

Anh Lê Minh Nghĩa tiết lộ, tất cả người phỏng vấn ở TIKI đều được đào tạo để không được hỏi lý thuyết mà tập trung đánh giá về problem solving (khả năng giải quyết vấn đề) của ứng viên. “Miễn là bạn qua được các vòng chuyên môn về problem solving là bạn vào được TIKI” – anh nói.

Hoàng Trung Nguyên, một sinh viên FUNiX dù chưa hoàn thành chứng chỉ thứ 2 của trường nhưng vẫn trúng tuyển được vào NCC Soft lại chia sẻ, thay vì gắng học để lấy tấm bằng đại học truyền thống, ngay sau 1 năm học cảm thấy không phù hợp cậu đã chủ động đi tìm hướng đi khác.

Anh Lê Minh Nghĩa – chuyên gia CNTT đến từ Tiki cho rằng: “Bằng đại học theo nghĩa một chứng nhận không phải là cái các công ty công nghệ coi trọng. Nhưng các công ty công nghệ lớn lại coi trọng các kiến thức mà gần như chỉ có trường đại học mới có thể cung cấp cho các bạn”.

Chủ động tìm hiểu về ĐH trực tuyến FUNiX, chủ động đăng ký học, chủ động học thêm 2 chứng chỉ về ngôn ngữ Python và chủ động nộp hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí mình yêu thích, Nguyên đã thành công sau nhiều lần bị nhà tuyển dụng từ chối.

“Cứ nộp hồ sơ, phỏng vấn, nhìn nhận điểm yếu của mình để học – bổ sung và hoàn thiện” là bí quyết mà Nguyên gửi gắm đến độc giả.

“Thực sự, việc bạn có một công việc tốt hay không đó là do khả năng của bạn, mình nghĩ có bằng đại học chỉ là giúp các nhà tuyển dụng biết được bạn CÓ ĐƯỢC ĐÀO TẠO chứ khả năng làm việc của bạn đến đâu thì khi vào làm họ mới đánh giá được” – Nguyên đưa ra lời khuyên.

Cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Để chinh phục nhà tuyển dụng, các ứng viên cần tránh mắc lỗi trong hồ sơ xin việc và quá trình kiểm tra đầu vào. Theo anh Lê Minh Nghĩa, lỗi thường gặp của các ứng viên thứ nhất chính là không coi trọng kiến thức về Computer Science như cấu trúc dữ liệu và giải thuật, coding. Thứ hai, đó là không có khả năng giải quyết vấn đề tốt.

“Các ứng viên CNTT chưa kinh nghiệm vẫn hoàn toàn có thể tạo ấn tượng được với nhà tuyển dụng, được đánh giá cao nếu thỏa mãn được những yếu tố như: Có nền tảng tốt về computer science – data structure and algorithm; Có tinh thần tốt, tò mò, ham học hỏi, thể hiện qua sự chủ động học tập thời sinh viên như có thành tích tốt, có project hay đi làm sớm…” – anh Nghĩa chia sẻ.

Còn theo chị Diệu Anh, để đánh giá một ứng viên, NTD sẽ cân nhắc dựa trên hai yếu tố: Chuyên môn và Phẩm chất. Ứng viên được lựa chọn không nhất thiết là ứng viên giỏi nhất mà là ứng viên phù hợp nhất.

“Chúng tôi có thể lựa chọn một người không vì chuyên môn nhưng chắc chắn sẽ không lựa chọn một người có thái độ làm việc không chuyên nghiệp. Do đó trong buổi phỏng vấn nếu bạn có thái độ kém chuyên nghiệp trong ứng xử, hời hợt với cơ hội công việc, không có mục tiêu công việc rõ ràng thì sẽ là yếu tố đầu tiên khiến Nhà tuyển dụng đánh rớt bạn.”, chị Diệu Anh chia sẻ.

Trưởng ban Nhân sự CMC cũng chia sẻ những lỗi phổ biến mà ứng viên hay mắc phải trong lộ trình ứng tuyển như lỗi về CV, thư xin việc, trang phục đi phỏng vấn, cách giao tiếp trong phỏng vấn v.v..

Theo các khách mời, để có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, ứng viên cần có cách hành xử chuyên nghiệp trong quá trình tuyển dụng; cần có nghiên cứu về công ty và vị trí ứng tuyển, biết cách đặt câu hỏi ngược lại, thể hiện rõ quyết tâm và mong muốn của bản thân.

Dọn đường cho công việc tốt

Không chỉ nêu rõ các điều cần tránh và nên chuẩn bị để có thể chinh phục được nhà tuyển dụng, các khách mời của chương trình còn đưa ra gợi ý giúp độc giả trẻ có thể dọn đường cho những công việc tốt, nắm bắt cơ hội ngành CNTT.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Hoàng Trung Nguyên đưa ra lời khuyên “nên học cách tự học”, rèn luyện ngoại ngữ, đọc nhiều sách và học hỏi từ những người đi trước để có thể đạt được mục tiêu mình đề ra.

Hoàng Trung Nguyên đưa ra lời khuyên “nên học cách tự học”, rèn luyện ngoại ngữ, đọc nhiều sách và học hỏi từ những người đi trước để có thể đạt được mục tiêu mình đề ra.

Với câu hỏi làm thế nào để tìm được một công việc phù hợp, anh Lê Minh Nghĩa tư vấn: “Có hai thứ để tìm được việc phù hợp: từ cái mình muốn và từ cái mình cố gắng. Cái mình muốn thì sẽ định hướng mình tìm môi trường phù hợp theo một tiêu chí gì đó. Nhưng thường không có môi trường nào hoàn hảo, sự thực các bạn sẽ yêu công việc khi bạn nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn, cản trở, những điều bạn không hài lòng để đạt một thành tựu, một cột mốc mà các bạn cảm thấy mãn nguyện”.

Chị Nguyễn Diệu Anh lại tiết lộ nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và cách để rèn luyện ngay từ khi còn là sinh viên. “Các doanh nghiệp và đơn vị đào tạo thường kết hợp để sinh viên có cơ hội thực tập và trải nghiệm các công việc thực tế ngay khi ngồi tại giảng đường đại học, hãy tận dụng các dự án, chương trình thực tập kiến tập bạn có tại trường.”, chị Diệu Anh chia sẻ.

Trước kỷ nguyên 4.0, theo các chuyên gia tham dự buổi tư vấn, các bạn trẻ muốn nắm bắt cơ hội trong ngành CNTT không gì khác, phải trang bị cho mình kiến thức thật, kĩ năng thật. Lựa chọn một môi trường đào tạo phù hợp, có định hướng để giúp bạn đến gần hơn với ước mơ của mình. Song song, bạn cần nỗ lực thật nhiều, chấp nhận khó khăn để vươn lên bởi không có gì dễ dàng.

Quỳnh Anh