Dự án Con đường gốm sứ là ý tưởng độc đáo của nhà báo, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Trong suốt quá trình triển khai ý tưởng, chị Thủy đã gặp không ít khó khăn nhưng nhờ đam mê và sự kiên trì, cuối cùng nó đã trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô.

Hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ sinh năm 1971 tại Hà Nội, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội. Hoạ sỹ Thu Thủy từng là phóng viên viết bài về mỹ thuật cho tạp chí Mỹ thuật (1997-2002), phóng viên báo Hà Nội mới ( 2002-2011). Song hành cùng công việc viết báo, hoạ sỹ Thu Thuỷ vẫn luôn dành thời gian cho công việc sáng tác trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, đồ hoạ và tham gia triển lãm cùng Câu Lạc bộ Hoạ sỹ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tình yêu với gốm của chị Thủy bắt đầu từ những chuyến đi thăm quan để viết bài ở các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, …và được nuôi dưỡng trong đợt tham gia khoá báo chí tại Trung tâm Báo chí Quốc tế Berlin (InWent) và có dịp được đi thăm quan 7 thành phố châu Âu. Toà nhà trang trí gốm của Hundert Wasser ở Damstart (Đức) đã gây ấn tượng mạnh đến chị về tính năng trang trí hoành tráng và khả năng chịu được mưa nắng ngoài trời cũng như tính bền vững với thời gian của chất liệu gốm sứ. Ý tưởng về Con đường gốm sữ cũng từ đó mà hình thành nhân đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long Hà Nội.

Hanoi-Mural-0915

Một đoạn của Con đường gốm sứ ven đê sông Hồng – Hà Nội (Ảnh NVCC)

Tuy nhiên, chị Thủy cũng cho hay, từ ý tưởng tới việc bắt tay vào thực hiện là con đường rất chông gai, từ vấn đề tài chính cho đến ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân… và đặc biệt là quan điểm của mọi người về nghệ thuật công cộng cũng như việc thực hiện xã hội hóa nó như thế nào để đáp ứng hài hòa các quyền lợi. Từ ý tưởng, chị xin phép UBND thành phố cho xây dựng con đường gốm sứ ven sông Hồng với ý nghĩa như một món quà chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ.

“Thời điểm kêu gọi tài trợ, mình gặp nhiều khó khăn vì để đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ, phải ghi danh họ trên bức tranh, trong khi áp lực từ truyền thông báo chí thì nhất thiết không được đặt logo. Sau đó, mình có giải thích và đưa ra một số ví dụ ở nước ngoài đều có cách vinh danh ghi tên nhà tài trợ. Sau khi giải thích hợp lý, làm logo nhà tài trợ nhỏ đi, chỉ chiếm diện tích 0,5% ở đầu bức tranh, mọi người thấy như vậy là hợp lý nên không nói về chuyện đó nữa, chứ ban đầu mọi người phê phán rất gay gắt”, chị Thủy kể.

Rồi để có được sự đồng thuận của lãnh đạo thành phố cho phép triển khai thực hiện dự án, họa sỹ Thu Thuỷ đã quyết định thành lập công ty Nghệ Thuật Tân Hà Nội và tổ chức hai cuộc triển lãm ngoài trời để trưng bày các tác phẩm tranh gốm do 20 nghệ sỹ thể hiện và các công trình nghệ thuật công cộng ở Philadelphia, Chicago, California.

Dù đôi lúc mệt mỏi và muốn bỏ cuộc nhưng đam mê và kiên trì đã giúp chị vượt qua hết những khó khăn ban đầu, năm 2008 họa sỹ Thu Thủy bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Bức tranh gốm tạo nên con đường gốm sứ có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp với nhiều chủ đề từ lịch sử đến nghệ thuật. Cuối cùng, tác phẩm Con đường gốm sứ đã đến được với công chúng và vinh dự được trao bằng chứng nhận Kỷ lục Guiness thế giới.

Hanoi-Mural-0913.jpg

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đang cùng ekip bắt tay thực hiện ý tưởng biến giấc mơ “Con đường gốm sứ” thành hiện thực (Ảnh NVCC)

Nhận lời mời làm diễn giả xDay 27 HCM vì chị Thủy nhận thấy điểm tương đồng của việc làm nghệ thuật và việc học CNTT. “Học CNTT cũng giống như làm gốm, làm nghệ thuật hay bất kỳ ngành nào khác, đều phải đi từ chỗ không biết gì, phải tự tìm tòi học hỏi mới có được thành quả”, chị Thủy chia sẻ.

Đặc biệt, xDay lần này tại Hà Nội được tổ chức tại Nhà Gương, một tác phẩm mới đây của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy lấy ý tưởng từ đại dương và biển đảo.

Mosaic Vietnam Ocean

Bên trong Nhà Gương được ốp hơn 2 triệu mảnh gốm nhiều màu sắc trên tường và sàn nhà (Ảnh NVCC)

Tiếp sau Con đường Gốm sứ tại Hà Nội, những công trình mới nhất mà chị vừa hoàn thành là đài phun nước công cộng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, đài phun nước trong công viên nước Hồ Tây, đều đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi quốc tế. Tháng 3 vừa qua, chị cũng tham gia vẽ trang trí tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và đã đoạt giải Ba trong cuộc thi vẽ quốc tế ở Los Angeles, Mỹ. Đặc biệt, những năm qua chị đã tham gia thực hiện rất nhiều công trình ở Trường Sa như: Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca, Lá cờ gốm sứ rộng 312m2 ở đảo Trường Sa lớn, 6 bức tranh cổ động ở cầu cảng và ở đường băng đảo Trường Sa lớn…

Ceramic Mosaic Mural in

Miệt mài và đam mê với nghệ thuật công cộng, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy vẫn đang tiếp tục phát triển các ý tưởng mới làm thay đổi những không gian chưa được đẹp mắt của thủ đô.

Với chủ đề “Dân IT học gì từ nghệ thuật?”, chị Thủy muốn mang đến xDay 27 do Đại học FUNiX tổ chức “một làn gió mới” cho các bạn sinh viên, những chàng trai cô gái học CNTT vốn được cho là khô khan. Chị muốn các bạn hiểu được rằng, chỉ cần có đam mê và không ngừng cố gắng, rồi một ngày thành công sẽ mỉm cười…

Huyền Trang