Nguyễn Thành Nam – Nhà sáng lập FUNiX
FUNiX là một cách học. Không chỉ là một danh từ.
Mọi người hay hỏi, vậy học FUNiX là học như thế nào?
Xưa Socrate, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp nơi, gặp gì học nấy, tự giải đáp. Dân nôm na gọi là học lẫn nhau, tổng kết thành: “Học thầy không tày học bạn”. Nay thì đủ loại các forum hỏi đáp, chung chung có quora, chuyên môn thì có stackoverflow chẳng hạn chế.
Ai cũng công nhận là cách học này rất hay và hiệu quả, vì nó xuất phát từ người học, và lợi dụng được kiến thức của nhiều người.
Tuy nhiên, rất ít người tin có thể lấy được bằng cấp đại học bằng cách học như vậy.
Thực ra bằng cấp đại học, có thể coi là một chặng đường dài quãng 130 tín chỉ. Mỗi tín chỉ tương đương 15 giờ học. Không những dài, mà còn khá rối rắm rậm rạp, nên không trường nào dám để cho sinh viên của mình tự lần mò trong đó. Chắc không thể nào ra nổi.
FUNiX chỉ làm một việc đơn giản, là chia journey thành những cung đường nhỏ. Video hoặc text thì không quá 10 phút để học viên nghiền ngẫm. Tại những chỗ rẽ rắm rối, bố trí những người chỉ đường gọi là Mentor. Mỗi lần cũng không quá 10 phú. Bù lại được sai, đi đi đi lại nhiều lần, hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Càng nhiều càng tốt. Mệt mỏi nản chí, có những nàng tiên cùng tên là Hannah hỏi han, động viên, giúp đỡ.
Thỉnh thoảng có trạm nghỉ chân. Để người học quyết định có đi tiếp hay không? Nếu thấy đã đủ trải nghiệm, quan hệ và tri thức, có thể dừng chân. Lúc khỏe đi tiếp. Đủ 8 chặng là cấp bằng đại học. Muốn lên nữa thì master, tiến sỹ cũng có. Còn không thì ra đời hành hiệp.
Đại loại thế, cũng chẳng có gì cao siêu. Bởi việc khó nhất là định vị các chặng đường và kết nối với mentor đã có internet giúp đỡ.
Đến nay đã được 20 tháng mở trường. Tổng số học sinh đã lên đường là 1283, tổng số mentor chỉ lối là 1091, tổng cộng đã có hơn 21 nghìn phiên hỏi đường và hàng trăm ngàn lượt dò đường. Có học sinh bỏ cuộc. Nhiều học sinh đã chủ động dừng bước. Hàng trăm em khác vẫn đang mày mò. Hàng ngàn em khác đang háo hức lên đường.
Hãy cùng nhau chúc cho các em giữ nguyên được tinh thần khám phá!
Leave a Reply