Trong buổi nói chuyện với một số bạn sinh viên về chủ đề Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mới đây, tương lai những năm tới của nền giáo dục là một nội dung khiến mình rất tâm đắc. Mình gọi là giáo dục thời 4.0 hay giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Một số tài liệu đặt tên CMCN 4.0 là cuộc cách mạng cá nhân hóa. Trong khi các cuộc CM 2.0 và 3.0 tập trung vào sản xuất đại trà (giống nhau) với sự xuất hiện của điện và máy móc lập trình thì cuộc cách mạng 4.0 lại biến mỗi sản phẩm được tạo ra phù hợp với từng đối tượng người dùng cụ thể. Ví dụ: Adidas dùng công nghệ in 3D/4D để tạo ra những đôi giầy cho từng kiểu bàn chân khác nhau của mỗi người. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và các loại vật liệu là cơ sở để các nhà phân tích đưa ra dự báo cuộc CMCN 4.0 sẽ diễn ra vào khoảng những năm 2030. 4.0 sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, và lẽ tất nhiên, lĩnh vực trọng yếu nhất là giáo dục cũng không là ngoại lệ. Vậy giáo dục thời 4.0 nó có thể sẽ như thế nào?
4 yếu tố của giáo dục thời 4.0
Mình tin hiệu quả của việc học phụ thuộc vào 4 yếu tố:
Mục đích học tập: Những người có mục đích học tập rõ ràng thì sẽ có hiệu quả học tập tốt. Việc học có nhiều mục đích: để có bằng, để có một công việc tốt, để nâng cao kiến thức, để được giao lưu với các chuyên gia,… Mục đích tốt thì hiệu quả học tập sẽ tốt, và là kết quả thực. Ngược lại, mục đích xấu thì hiệu quả học tập thường sẽ không tốt.
Thời gian học: Mỗi người có một khung thời gian học tập/làm việc hiệu quả, không giống nhau. Cách học của mỗi người cũng khác. Như mình thì khoảng thời gian hiệu quả là sau 11h đêm và trước 3h sáng, và mình thích nghe nhạc rock ballads khi tập trung. Học vào thời điểm đó thì sẽ thấy kiến thức vào nhanh, nhớ lâu, thấy mình sáng dạ kinh khủng. Lúc lờ đờ thì ngồi cả tiếng cũng không đọc nổi 1 trang sách.
Học liệu: Cùng một quyển sách, người này học thấy hay, dễ hiểu, người khác lại không. Cùng một nội dung kiến thức bạn X thích cách trình bày A, bạn Y thích cách trình bày B,… Nếu không vậy thì có lẽ không có hàng loạt sách tham khảo, sách nâng cao trên thị trường.
Thầy cô giáo: Yếu tố này dễ thấy nhất. Trong một trường học, luôn có các thầy cô được nhiều học sinh quý mến và muốn đăng ký học, và cũng có những thầy cô ở chiều ngược lại.
Vậy, những thứ này sẽ thay đổi thế nào?
Mục đích học tập: Giáo dục truyền thống (với nhiều chỉ tiêu, ràng buộc, quy định) khiến cho các trường buộc phải đặt mục tiêu cho học sinh/sinh viên là học để thi đỗ, lên lớp, tốt nghiệp. Đào tạo trực tuyến mở ra cơ hội cho mọi người được học vì các mục tiêu cá nhân của từng người. Bạn có thể học một chủ đề nào đó vì công việc tuần tới của bạn cần nó, hoặc học đơn giản chỉ vì bạn thích. Không ràng buộc, bạn không phải học vì nhà trường bảo bạn phải học. Bạn học vì bạn muốn học.
Thời gian: Tại các trường học truyền thống, thời khóa biểu là thứ học sinh không có quyền khiếu nại. Bạn buồn ngủ, bạn ốm – bạn vẫn phải đến lớp. Nếu không thì bạn sẽ mất kiến thức, và mất luôn điểm chuyên cần. Với giáo dục trực tuyến, đơn giản, bạn chỉ việc vào học khi bạn hiệu quả nhất (và cáp quang không bị cá mập cắn).
Học liệu: Thay vì phải học theo các giáo trình cố định của nhà trường, bạn có thể học từ rất nhiều nguồn học liệu trên thế giới. Miễn phí có, trả phí có. Rất nhiều trang học liệu mở, miễn phí với nội dung chất lượng cao để bạn có thể học tập. Bạn có thể tham khảo học liệu từ Stanford, MIT hay từ một trường ĐH ở HongKong – điều đó là không giới hạn.
Giảng viên: Như ĐH Bách Khoa HN, một viện đào tạo cũng chỉ có chưa tới 100 giảng viên. Bạn chỉ được lựa chọn trong một tập nhỏ các lựa chọn, và thường xuyên là bạn không có quyền chọn – do Nhà trường đã xếp sẵn cho bạn. Với online, bạn có các cộng đồng trao đổi, có những thành viên đã đi làm có kinh nghiệm không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới. Số người bạn có thể hỏi là rất lớn.
Với sự thay đổi của 4 yếu tố trên, rõ ràng việc học sẽ là sự lựa chọn của học sinh chứ không còn là quyền áp đặt của một trường học cụ thể nào. Vai trò của trường học và giáo viên khi đó nên là hướng dẫn và gợi ý để học sinh có các lựa chọn phù hợp nhất.
Trí tuệ nhân tạo cũng có thể sẽ được áp dụng vào để hỗ trợ cho học sinh các thông tin phù hợp nhất.
Ngẫm lại, 4 yếu tố này cũng khá giống với FUNiX Way (Cộng đồng, học liệu mở, mentors, học online).
Liệu có trở thành sự thực?
Theo quyển sách “Disrupting class” của tác giả Clayton Christensen (cũng là tác giả của sách “The innovation diploma”) có dự đoán việc giáo dục online chiếm đa số (hơn so với mô hình trường học truyền thống) sẽ diễn ra vào năm 2019 (tại Mỹ). Sau khi giáo dục online thành phố biến thì giáo dục lấy học sinh làm trung tâm sẽ là làn sóng tiếp theo. Vậy là giáo dục lấy học sinh làm trung tâm sẽ diễn ra sớm nhất là đầu những năm 2020 (ở Mỹ). Ở Việt Nam thì có lẽ sẽ chậm hơn vài năm.
Có những tín hiệu tích cực để thấy rằng việc này đang thực sự diễn ra ở Việt Nam: sự thành công của Topica, các công ty giáo dục trực tuyến ra đời và phát triển mạnh (Edumall, Kyna, Unica,…) và FUNiX.
Leave a Reply