Đơn giản hóa mô hình dạy lập trình, rút ngắn thời gian đào tạo, lan tỏa phương thức dạy và học CNTT – đó là sứ mệnh của xSchool trong việc đi tìm lời giải cho bài toán về nhân lực. Đây cũng chính là nội dung trao đổi xuyên suốt xMen Meet up tháng Tư diễn ra vào ngày 21/4 vừa qua tại Tp. HCM.
- xSchool là một bước đi logic của FUNiX
- xSchool – mô hình tinh túy của FUNiX
- xSchool là một mô hình giáo dục nhân văn
Trên tinh thần chia sẻ những thông tin mới nhất về dự án xSchool, diễn giả xMen Meet Up, anh Nguyễn Thành Lâm – Giám đốc FUNiX HCM nhấn mạnh rằng đây là mô hình nhượng quyền và rất “welcome” các mentor tham gia vì ba lợi ích sẽ nhận được: thỏa mãn niềm đam mê “truyền lửa”, khởi nghiệp không mất quá nhiều “vốn” và mở ra cơ hội việc làm trong ngành lập trình cho thế hệ thanh niên.
xSchool là gì?
Theo anh Lâm, xSchool có thể hiểu đơn giản là mô hình đào tạo kết hợp giữa online và offline tại chỗ . Nói cách khác, vẫn là thầy dạy trên lớp nhưng khi về nhà nếu gặp bài khó có thể online hỏi thầy “ngay lập tức”. “Đây chính xác là những gì mà học sinh, sinh viên mình đang cần, tận dụng được ưu điểm của cả hai phương pháp dạy học offline và trực tuyến”, anh Lâm cho biết.
Chương trình cơ bản gồm 7 môn học và dự án tốt nghiệp nhằm hướng học viên đến những kiến thức và kỹ năng thực hành quan trọng để trở thành một Kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp trong vòng một năm. Các xSchool tại địa phương có thể thay đổi hoặc bổ sung thêm các môn học tùy theo nhu cầu. Trong tương lai, ngoài chương trình cơ bản sẽ có thêm các môn “hot” như IoT, Big Data, Blockchain…v.v. Chứng chỉ đầu ra sẽ được FUNiX cấp và được FPT cũng như các công ty đối tác hàng đầu trong ngành IT công nhận.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi thiết kế mô hình xSchool là làm sao để nhân rộng nhất có thể, giảm bớt gánh nặng về đầu tư, chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất cho các cơ sở. Chúng tôi kỳ vọng việc đào tạo lập trình viên sẽ phổ cập không khác gì việc luyện thi đại học. Đặc biệt là có thể làm được ở mọi nơi, chỉ cần có người học”, anh Lâm chia sẻ.
Dạy học viên tốt nhất theo mô hình xSchool
Ở xSchool, mỗi học viên sẽ có một cách học khác nhau và nhiệm vụ của Mentor ở đây cũng giống như giáo viên chủ nhiệm lớp, khuyến khích và giúp người học giữ vững động lực. Với hình thức học kết hợp giữa offline và online này thì khoảng cách giữa người dạy và người học được rút ngắn lại rất nhiều. Thay vì cách học truyền thống thầy đọc – trò ghi thì với cách học này, học viên có thể hỏi bất cứ lúc nào nếu không hiểu vì mentor luôn sẵn sàng hỗ trợ online.
Việc tiếp xúc với các mentor – những đàn anh đi trước trong ngành và hiện đã có thành công ở một mức độ nhất định tạo cơ hội hai chiều cho cả học viên và mentor: cơ hội nghề nghiệp và tuyển dụng. Bởi khi đến với FUNiX, mentor là những người cố vấn học tập, nhà tư vấn và bên cạnh đó, trên khía cạnh công ty, họ không những là PM, Manager, Scrum Master… mà còn là một nhà tuyển dụng. Thông qua những buổi hỏi đáp trực tuyến, học offline, xDay… mentor sẽ truyền đạt kinh nghiệm, những yêu cầu thực tế tới sinh viên, mài dũa, ngắm nghía, tìm ra những nhân viên tương lai cho đội nhóm của mình.
Cũng theo anh Lâm thì xSchool sẽ hỗ trợ học viên tối đa bằng cách thu học phí theo tháng để tránh việc phải đóng một “cục” và nếu chưa đủ kinh phí cũng đừng lo không được học vì còn có phương án cho vay trả góp. Đặc biệt nếu học xong chứng chỉ tại xSchool, học viên có thể liên thông học FUNiX để lấy bằng Đại học.
Nhiệm vụ của các Mentor tại xSchool là dạy và dỗ làm sao để học viên sau một năm học có thể đi làm. Anh Phạm Văn Sim Anh – hiện đang tham gia mentor tại FUNiX và đã có hơn chín năm giảng dạy tại Aptech chia sẻ: “Mình nghĩ sau một năm học các bạn có thể đi làm được, tuy mới chỉ là “bảo đâu làm đấy” nhưng kiến thức sẽ được trau dồi thêm trong quá trình làm việc”.
Về vấn đề này, anh Nguyễn Thành Lâm – người đứng đầu dự án xSchool khẳng định “sau một năm học viên có thể trở thành lập trình viên và có cơ hội làm việc tại FPT – tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, chỉ cần nắm vững hết tất cả những kiến thức mà xSchool đưa vào giảng dạy”.
“Phổ cập hóa” xSchool tại 63 tỉnh thành trên khắp cả nước
“Mô hình của xSchool là mô hình nhượng quyền, bất cứ ai cũng có thể tham gia. Chỉ cần yêu giáo dục, có khả năng coaching và muốn lập nghiệp. “Những yêu cầu này tôi nghĩ các Mentor của FUNiX đều đáp ứng được. Ngoài ra những chi phí khác như thuê phòng học, quảng cáo, thuê giáo viên,…chúng ta đều có thể tính toán ra được”, anh Lâm chia sẻ. Điểm độc đáo ở xSchool là một cá nhân có thể đảm nhiệm mọi vị trí nếu có đủ năng lực, từ hiệu trưởng, giáo viên đến nhân viên tuyển sinh, như thế có thể giúp giảm tối đa chi phí mở trường, anh Lâm cười và chia sẻ.
xShool ra mắt lần đầu tiên vào ngày 13/1 tại Quy Nhơn và khóa đầu tiên đã có hơn 20 học viên đều là những sinh viên năm ba, năm tư khoa Toán. Dự kiến khóa học này sẽ kết thúc vào tháng 6 năm nay. Bên cạnh Quy Nhơn, xShool đang bắt đầu khóa đầu tiên tại Sơn Tây do Mentor Nguyễn Cát Tiểu Giang làm “tự lệnh”. Tiếp đến sẽ mở tại Thái Bình, Huế, Đà Nẵng,…
Quan trọng nhất hiện nay đối với xSchool là tuyển sinh, làm sao để người học biết đến và đăng ký học. Về vấn đề này, anh Lâm cũng gợi ý có thể quảng cáo hoặc hay hơn là dùng chính tầm ảnh hưởng của người mở trường để giúp học viên hiểu mô hình, tính chất, lợi ích khi tham gia học tại xShool. Quan tâm đến vấn đề này, mentor Sim Anh cũng đặt ra câu hỏi: “Vậy xSchool có thể sử dụng “thương hiệu” của FUNiX và FPT để tuyển sinh hay không?”. ‘Hoàn toàn có thể” chính là lời khẳng định của anh Lâm – người đại diện dự án xSchool. Các mentor cũng như những đối tác quan tâm đến xShool có thể yên tâm rằng, FUNiX sẽ hỗ trợ không giới hạn về đào tạo cho giáo viên và quảng bá thương hiệu.
xMen Meet up tháng Tư thu hút hơn 20 Mentor tham gia cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng Mentor đối vói dự án xSchool. Trong hơn sáu mươi phút trò chuyện, những thông tin cũng như quy định để triển khai xShool được anh Nguyễn Thành Lâm chia sẻ rất cởi mở. Tham gia FUNiX để làm những việc mình thấy là có ích, mang lại giá trị cho cộng đồng, anh Lâm cũng hy vọng dự án xSchool cũng sẽ mang lại cho rất nhiều người khác cơ hội tương tự, ngoài ra lại có thể khởi nghiệp với công việc yêu thích. “Chúng ta sẽ có hàng trăm ngôi trường mới, hàng ngàn Hiệu trưởng thế hệ mới, mỗi năm đào tạo hàng chục ngàn thanh niên gia nhập thế giới công nghệ”, anh Lâm tin tưởng.
Mentor Meetup là gì sự kiện được triển khai định kỳ hằng tháng, ở Hà Nội và TP. HCM. Nội dung trao đổi tại Mentor Meetup không chỉ là các vấn đề công nghệ mà sẽ là nhiều mặt của đời sống, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Chương trình hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển cộng đồng mentor gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, hoàn thiện kỹ năng, bắt kịp xu thế công nghệ và thỏa mãn đam mê trong nhiều lĩnh vực. Tại Hà Nội, thời gian ấn định là 17h30-19h30, tại xCorner (17 Duy Tân), Thứ 5 cuối cùng của mỗi tháng. Tại Sài Gòn, thời gian dự kiến là Thứ 7 cuối cùng mỗi tháng.
Huyền Trang
Leave a Reply