Xét một cách toàn diện, blockchain vẫn xứng đáng được ghi nhận là công nghệ tiên phong trong việc giúp thế giới phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội – dân chủ – văn minh.
Hàng nghìn năm qua, thế giới trải qua biết bao nhiêu chiến trận, tai ương, khổ đau và mất mát. Những bất công diễn ra thường nhật như một sự hiển nhiên. Sự phân bổ quyền lực không đều khi chỉ tập trung trong một số nhóm đối tượng, dẫn đến khoảng cách xa vời vợi về mức sống giữa người với người, kèm theo đó là những sự thiếu minh bạch trong thông tin và hoạt động. Loài người đã quá mệt mỏi vì những điều này.
Vậy theo bạn, đã có những phương án nào để giải quyết vấn đề đó chưa? Thử nghiệm đã diễn ra rất nhiều, từ những hệ hình xã hội (chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản…) cho đến những mô hình khép kín thu nhỏ kiểu phi chính phủ ở châu Âu trong thế kỷ XX nhưng đến hiện tại, mọi thứ vẫn chưa được cải thiện nhiều. Có lẽ, để thay đổi những thiết chế đã tồn tại hàng nghìn năm nay sẽ cần những khoảng thời gian rất dài. Nhưng gần đây, có một phương án có thể sẽ có nhiều hiệu quả trong việc làm tăng tính minh bạch cho xã hội, làm tăng quyền lợi cho con người. Đó là blockchain – chuỗi móc xích. Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu, nơi mọi kết nối của cá nhân tham gia là ngang hàng và kết nối được thực hiện một cách nhanh nhất, không cần thông qua bất kì một ai, ngoài hai đối tượng có kết nối với nhau.
Những vấn đề còn tồn tại trong những mô hình tập trung đang được nhắc tới hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như: bản quyền tác giả, nghẽn đường truyền dữ liệu, an ninh thông tin, khả năng lưu trữ … là điều cần giải quyết ngay từ hiện tại.
Vậy blockchain giải quyết được những vấn đề gì hiện nay? Không phải tự nhiên mà chuỗi có độ dài 256 ô nhớ lại được nhắc đến nhiều như thế. Dựa trên cơ sở đồng thuận, thống nhất một luật chơi được thể hiện bằng thuật toán, blockchain giúp hệ thống ghi nhận các giao dịch (transactions) với các thông tin đi kèm nhằm xác thực quá trình giao dịch giữa các cá thể trong hệ thống. Không ai có thể thay đổi thông tin trong hệ thống. Mọi giao dịch được đảm bảo sự minh bạch. Nếu như giao dịch ngân hàng dựa theo số dư trong tài khoản (balance) thì giao dịch của blockchain dựa trên số lượng giao dịch và các chỉ số trong giao dịch đó. Bất kì người dùng nào trong mạng lưới blockchain đều có thêm kiểm tra thông tin về các giao dịch đã được thực hiện. Những sự gian lận gần như là rất khó để thực hiện, thậm chí là mất công hơn cả việc thực hiện một cách minh bạch. Với khả năng minh bạch như vậy, nếu blockchain được áp dụng vào đời sống hàng ngày thì sẽ có thể mang lại nhiều ích lợi mà không thể ngờ tới. Một nền kinh tế chắc chắn sẽ đi lên về giá trị khi tính minh bạch tăng lên. Một thể chế chắc chắn sẽ mang thêm nhiều giá trị tốt đẹp cho người dân khi ngày càng tăng sự minh bạch trong chính nó. Một người dân ở Hà Nội có thể dễ dàng thực hiện một giao dịch dân sự với một công dân Nhật Bản khi tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu ngang hàng.
Blockchain là một trong những công cụ có thể giúp Việt Nam phát triển về nhiều mặt. Bên cạnh những mặt tích cực, ta không thể không nhắc tới những mặt hạn chế. Vấn đề lưu trữ dữ liệu chưa đáp ứng được khối lượng dữ liệu sinh ra. Vấn đề pháp lý cũng là một hạn chế khiến blockchain chưa được nhiều nước trên thế giới công nhận.
Ngoài ra, năng lượng vận hành cùng là điều khiến blockchain gặp nhiều sự e ngại tới từ các nhà phát triển … Tuy vậy, xét một cách toàn diện, blockchain vẫn xứng đáng được ghi nhận là công nghệ tiên phong trong việc giúp thế giới phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội – dân chủ – văn minh.
Cảm ơn anh Đặng Minh Tuấn – tác giả Vietkey vì buổi chia sẻ về kiến thức nền tảng của blockchain. Đã rất lâu mới có một buổi seminar khiến mình có cảm xúc để viết và chia sẻ những điều như vậy. Những suy nghĩ của mình sẽ không thể hiện hữu và hiện hình, nếu không có chia sẻ và góp ý từ anh. Mình mong sẽ còn nhiều dịp được nghe anh chia sẻ và trao đổi về công nghệ tương lai này.
Mentor Trần Quốc Tuấn – Freelancer
Leave a Reply