Là giảng viên nhiều kinh nghiệm trong cả doanh nghiệp và trường học, mentor Âu Mậu Dương đánh giá cao việc tự học cũng như những người có tinh thần tự học. Ở FUNiX anh thường nhận được những câu hỏi của sinh viên mà ở môi trường đại học thông thường anh rất hiếm gặp. “Kết quả này có lẽ bắt nguồn từ sự tự học”, anh nhận định.
Thích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, Âu Mậu Dương cho biết anh luôn có những cảm xúc đặc biệt khi đứng trên bục giảng hoặc trước đám đông. Và từ khi trở thành mentor năm 2016, cảm xúc đó càng rõ rệt hơn khi anh online và trả lời trực tuyến cho sinh viên FUNiX.
Tại xDay khu vực TP. HCM ngày 7/10, anh sẽ chia sẻ về IoT trong đó tập trung về Smarthome. Những thông tin anh sẽ trao đổi và giao lưu sâu với sinh viên FUNiX sẽ nghiêng về: Kiến trúc hệ thống, chi tiết từng phần trong hệ thống, làm cách nào để triển khai từng thành phần và cả hệ thống, lập trình viên nên chuẩn bị gì để có thể tham gia vào phát triển Smarthome.
Dù không có cơ hội tiếp xúc nhiều với người học trực tuyến, nhưng cùng với kinh nghiệm vừa là giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng, vừa quản lý và đào tạo Fresher tại FPT Software, mentor Âu Mậu Dương nhận định, cách hướng dẫn học tập cho sinh viên tại FUNiX khác rất nhiều. Ở FPT Software, việc đào tạo Fresher chủ yếu là đào tạo thêm, giúp các bạn củng cố kiến thức đã học ở trường, đồng thời tập trung đào tạo chuyên sâu vào kiến thức về các lĩnh vực mà FSoft đang đầu tư và phát triển. Còn với các trường đại học, thì đây là môi trường học tập, các bạn được đào tạo nhiều về lý thuyết và đi kèm đó là các bài thực hành để hiểu rõ hơn về lý thuyết. Riêng với FUNiX, sinh viên chủ yếu tự tìm hiểu và tự làm, nếu có vấn đề sẽ thông qua kênh hỏi đáp để kết nối với mentor (chuyên gia cố vấn học tập) và nhận được hướng dẫn. “Đây là môi trường tạo nên nhiều thách thức về khả năng tự học”, anh đánh giá.
Theo mentor Dương, khi học một vấn đề mới, chúng ta sẽ luôn cố gắng trả lời 3 câu hỏi: What – Nó là cái gì (định nghĩa, khái niệm); How – Nó được sử dụng như thế nào, triển khai ra sao; Why – Tại sao phải sử dụng nó. Hầu hết sinh viên tại các trường đại học bình thường luôn dừng ở câu hỏi “How”. Các bạn chỉ cần biết cách sử dụng nó và chấp nhận việc sử dụng này như một cái gì đó bắt buộc. Tất nhiên vẫn có một vài bạn đi đến câu trả lời “Why”, nhưng rất hiếm. Còn tại FUNiX, mỗi lần xTer hỏi, đa phần là tập trung vào câu hỏi “Why”. Và điều này khiến mentor Dương rất ngạc nhiên, tâm đắc.
“Sinh viên hỏi sâu cho thấy các bạn nắm rõ vấn đề”, mentor Mậu Dương nhận định. Theo anh, điều này có lẽ bắt nguồn từ việc tự học. Khi tự học tiến trình lúc đầu sẽ chậm hơn các bạn có người hướng dẫn ở những trường đại học bình thường nhưng bù lại, xTer nắm rất chắc các kiến thức mà các bạn đã tự tìm hiểu. “Người tự học thường tư duy không theo lối mòn mà luôn sáng tạo và đào sâu hơn vấn đề”, anh nói.
Trở thành Mentor FUNiX là một lựa chọn rất phù hợp với sở thích và mong muốn được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của anh. “Tôi có thể làm được việc mà mình thích, đồng thời có thể giúp đỡ được nhiều bạn sinh viên”, Âu Mậu Dương chia sẻ.
Theo anh trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn, có hai tố chất quan trọng nhất của người Mentor. Thứ nhất là Đồng cảm, nghĩa là mentor phải biết đặt mình vào vị trí của sinh viên, có như thế mới biết phần nào khó hiểu mà giảng kỹ hơn hoặc thay đổi cách truyền đạt để các bạn dễ tiếp thu hơn. Thiếu yếu tố này, sẽ làm cho Mentor không thật sự giúp đỡ được sinh viên, vì với bản thân, những kiến thức đó có thể rất dễ, nhưng đối với sinh viên lại rất khó. “Nếu giảng giải mà sinh viên không hiểu, nghĩa là ta nói dở chứ không phải họ nghe dở”, anh chia sẻ.
Thứ hai là Kiên nhẫn. Việc giảng bài, hướng dẫn hay trả lời câu hỏi, đôi khi gặp rất nhiều trắc trở, bởi vì người nghe không hiểu hoặc không làm đúng theo hướng dẫn. “Nếu không đủ kiên nhẫn, sẽ rất dễ nảy sinh những cảm xúc như nổi nóng, chán nản, muốn bỏ qua cho xong,…”, mentor Âu Mậu Dương chiêm nghiệm.
Minh Văn
Leave a Reply