Theo bee.net.vn

Nhân sự kiện XDay 21 ngày 10/9 tới đây tại Hà Nội đón khách mời anh Hoàng Tô – Chủ tịch Tinh Vân Group nhận làm diễn giả chính của chương trình, Blog Công Dân Số  xin đăng lại bài phỏng vấn do GS Ngô Bảo Châu phỏng vấn anh Hoàng Tô năm 2011. Hi vọng, bài viết có thể giúp độc giả hiểu hơn về vị diễn giả đặc biệt của FUNiX tháng 9 này.

“Nếu thời gian quay lại và phải quyết định lại, mình cũng vẫn chọn như thế. Đơn giản chỉ vì nhìn lại quãng thời gian hơn 15 năm qua mình thấy sướng vô cùng, được lăn lộn trong đầy rẫy những khó khăn nhọc nhằn của một môi trường kinh doanh chưa mấy dễ chịu, được thức thâu đêm coding…” – Chủ tịch HĐQT Tinh Vân, ông Hoàng Tô, chia sẻ với GS Ngô Bảo Châu. 

LTS: Với giải thưởng Fields 2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ số tiền thưởng của mình để sáng lập Quỹ Hạt vừng – một quỹ hỗ trợ cho các tài năng khoa học ở Việt Nam. Quỹ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tập đoàn lớn như Viettel. Chính GS Ngô Bảo Châu đã phỏng vấn một số nhân vật có liên quan đến khoa học để có cái nhìn nhiều mặt và qua đó giúp Quỹ có thể hoạt động và đóng góp hiệu quả nhất cho khoa học Việt Nam. Ông Hoàng Tô (Chủ tịch HĐQT Tinh Vân) là một trong số đó. 

Ngô Bảo Châu: Con đường nào đã đưa anh Tô từ trường Lomonosov đến với công ty Tinh Vân? 

Hoang Tô, Tinh Vân group, công nghệ thông tin, giao lưu sinh viên, FUNiX,

Anh Hoàng Tô, Chủ tịch HĐQT – kiêm Tổng Giám đốc Tinh Vân Group sẽ có cuộc trò chuyện với các sinh viên FUNiX trong khuôn khổ chương trình xDay 21 tại Hà Nội. (Ảnh: Infonet)

Hoàng Tô: Đấy là run rủi của số phận thôi. Mình tốt nghiệp khoa Lý, chuyên ngành vật lý lý thuyết, rồi ở lại chuyển tiếp sinh làm Ph. D về lý thuyết hấp dẫn. Lúc đó việc nghiên cứu dường như là lựa chọn duy nhất với mình. Rất đam mê, nhưng đâu đó bên trong đã mơ hồ cảm nhận mình không đủ tư chất để tiến thật xa trong khoa học.

Thế rồi mùa hè năm 1995 về thăm nhà, khi đó Mỹ mới bỏ cấm vận Việt Nam, trong nước bạn bè ai cũng hân hoan và mắt đều ánh lên những niềm tin thật đẹp vào tương lai. Mình qua thăm 2 người bạn nữa học cùng khoa Lý đã về nước từ trước đang mở một trung tâm làm phần mềm, và sau một cuộc trò chuyện rất quyết liệt và sôi nổi, mình đã quyết định mail xin lỗi giáo sư hướng dẫn bỏ dở việc học ở Nga và ở lại Việt Nam làm việc với bạn bè. Tiền thân của Tinh Vân cũng chính là cái trung tâm phần mềm đó.

Đến giờ nhiều người hỏi có ân hận về quyết định đó không, thưa là không. Và nếu thời gian quay lại và phải quyết định lại, mình cũng vẫn chọn như thế. Đơn giản chỉ vì nhìn lại quãng thời gian hơn 15 năm qua mình thấy sướng vô cùng, được lăn lộn trong đầy rẫy những khó khăn nhọc nhằn của một môi trường kinh doanh chưa mấy dễ chịu, được thức thâu đêm coding, sáng sáng lại đến khách hàng demo chào bán phần mềm, chiều tối được ngồi bia hơi vỉa hè đàm đạo với anh em, tưởng đời như không còn gì hơn nữa, nhất là được nhìn thấy những nỗ lực, những sản phẩm của mình trở nên phần nào có ích ngay, dù là rất nhỏ cho xã hội.

Đến giờ, một mảng kinh doanh quan trọng của Tinh Vân vẫn là phần mềm, và là một trong ít công ty có rất nhiều sản phẩm đóng gói được sử dụng rộng rãi trong nước.

Prof_ Ngo Bao Chau-giaoduc_net_vn.jpg

Giáo sư Ngô Bảo Châu (Ảnh: Giaoduc.vn.net)

Ngô Bảo Châu: Anh Tô có nói Tinh Vân vừa là một doanh nghiệp, vừa là một trung tâm nghiên cứu. Anh có bí quyết gì để xây dựng Tinh Vân như một mái nhà doanh nghiệp thân thiện với nghiên cứu khoa học? 

Hoàng Tô: Từ khi còn rất khó khăn thì Tinh Vân đã có một phòng R&D riêng chuyên nghiên cứu những vấn đề tương đối khó như xử lý ngữ nghĩa, dịch tự động, các bài toán về nhận dạng, các vấn đề bảo mật. . . Khi phát triển hơn Tinh Vân đã đầu tư và thành lập Vườn ươm Tinh Vân, cũng là một môi trường khá dễ chịu khuyến khích khả năng nghiên cứu phát triển và sáng tạo cho các sinh viên giỏi. Nói thật từ Vườn ươm này cũng đã sản sinh ra cho công ty không ít những sản phẩm thú vị.

Thực sự mình không thích thú gì khi Tinh Vân vừa là doanh nghiệp, lại có vẻ như một trung tâm nghiên cứu. Nó có vẻ “dở ông dở thằng”, nhưng điều đó dường như cũng dễ hiểu đối với một doanh nghiệp được điều hành bởi một số ông “khoa học đứt gánh” như mình và các bạn bè khác trong Tinh Vân.

Chiến lược của Tinh Vân vẫn tiếp tục đầu tư mạnh cho mảng nghiên cứu phát triển, nhưng chỉ tập trung vào những sáng kiến công nghệ mang tính bản địa, đồng thời phải cộng hưởng được hoặc có hiệu quả trực tiếp đến định hướng phát triển và các sản phẩm của công ty với thời hạn không quá 5 năm.

Ngô Bảo Châu: Anh Tô đã so sánh rất hay về việc Tinh Vân không sáng tạo lại cái bánh xe bằng cách viết lại thuật toán xếp hạng trang web của Google, mà thiết lế vân lốp để sao cho bánh xe chạy thích hợp nhất với những con đường trồi sụt của đất nước. Anh có thể nói chi tiết hơn một chút về việc thiết kế vân lốp cho thuật toán tìm kiếm xếp hạng khi dùng từ khóa tiếng Việt không? Có phải cái tên Tinh Vân ám chỉ Vân lốp không? 

Hoàng Tô: Tinh Vân không ám chỉ vân lốp xe. Cái tên Tinh Vân liên quan đến tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Tinh Vân Tiên nữ” của tác giả Xô Viết I. A. Efremov, một tác phẩm bây giờ đọc lại thấy khá ấu trĩ nhưng hồi học sinh mình và các bạn bè trong Tinh Vân rất yêu thích và đọc đi đọc lại.

 

Ông Hoàng Tô sinh năm 1970. Cấp III học Chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tham gia đội tuyển Việt Nam thi Olympic Vật Lý Quốc tế lần thứ 18 tại CHDC Đức năm 1987. Sang Liên Xô (cũ) học khoa Lý, chuyên ngành Vật lý lý thuyết tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên M.Lomonosov. Tốt nghiệp Đại học chuyển tiếp làm PhD về Lý thuyết hấp dẫn, cũng tại trường Lomonosov.

Năm 1995, ông về nước nửa chừng khi đang làm PhD, đồng sáng lập một Trung tâm phần mềm, tiền thân của Công ty TNHH Công nghệ Tin học Tinh Vân (thành lập 1997).

Hiện tại, ông Hoàng Tô là Chủ tịch HĐQT Tinh Vân Group

Chương trình XDay 21 tại Hà Nội sẽ được tổ chức vào 8h30 – 12h ngày 10/9 ở Oza tea – 36 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đăng ký tham dự chương trình tại đây.