Đó là nhận xét của mentor Khuất Đức Anh – người có gần 3 năm gắn bó với FUNiX – về phương pháp “học là phải hỏi” của trường.
Từ nỗi tò mò về FUNiX, chỉ sau 5 phút tìm hiểu, anh Khuất Đức Anh đã đăng ký làm mentor và gắn bó với FUNiX cho đến nay. Điều khiến anh bị thu hút đầu tiên về FUNiX, chính là quan điểm “Học là phải hỏi, học không quan trọng bằng hỏi” mà nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam đưa ra.
“Làm việc bằng hết tâm nhãn”
Hiện là giảng viên dạy các bộ môn thực hành công nghệ cơ điện tử tự động hóa ở Đại học Phương Đông, anh Khuất Đức Anh còn tham gia thỉnh giảng môn IoT tại FPT Jetking (quản trị an ninh mạng) – Đại học FPT. Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của giáo dục đào tạo đồng thời nâng cao kỹ năng chuyên môn với hy vọng cập nhật những cái hay nhất mới nhất vào công việc của mình.
Ngay từ nhỏ, Khuất Đức Anh đã là cậu bé mê robot khi được xem chương trình Robocon trên VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam. Với sở thích học hỏi tìm tòi công nghệ mới, thích áp dụng luôn và ngay, hiện anh đã thỏa mãn được ý thích của mình khi sở hữu một phòng thí nghiệm riêng về điện tử và lập trình vi điều khiển, IoT, máy in 3D, hỗ trợ người học học tập nhanh và gần nhất với thực tế để định hướng công việc trong tương lai (http://vntechlap.edu.vn).
Gần 3 năm làm mentor, anh Đức Anh là một người thầy nhiệt tâm, luôn tận tình với sinh viên, có tần suất online giải đáp cho các xter thường xuyên. Với quan điểm sống “Làm mọi việc bằng hết tâm nhãn của mình”, anh đã biến công việc tại FUNiX thành niềm vui cũng như trách nhiệm – một phần trong cuộc sống.
Do đặc thù công việc chính, anh thường hay online sau 10h đến 12h tối các ngày trong tuần, và “sáng đèn” cả vào Chủ Nhật khi chưa lập gia đình và có con nhỏ (Anh mới kết hôn và có một bé gái đã được 2 tháng tuổi). Khi kết nối cùng xTer, anh thường linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ như chat, teamview, skype hay facebook, miễn sao thuận lợi cho hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của sinh viên một cách hiệu quả nhất.
Theo anh Đức Anh, cái khó ở FUNiX chính là trong khoảng thời gian ngắn 10 phút cả xMen và xTer đều phải thật tập trung để giải quyết vấn đề. Khó khăn nữa là đa phần hai bên dùng chat là chính, đôi khi viết không tốt bằng nói vì lượng thông tin ít và chậm. Cũng vì vậy, tự nhiên “cái khó ló cái khôn”, bắt buộc mentor và xTer phải suy nghĩ kỹ hơn và viết gọn hơn và tập trung vào vấn đề, không lan man như nói chuyện được. Còn điểm thuận lợi trong cách học này thì nếu ai thực sự muốn học, chỉ cần có định hướng và phương pháp là hoàn toàn có thể tự dung nạp kiến thức rồi, mentor chỉ hỗ trợ giải đáp thắc mắc và giải quyết vấn đề lỗi phát sinh mà thôi.
“Thực ra mentor không cần dạy và hiệu quả thu nạp kiến thức cao hơn là dạy” – mentor Đức Anh nhận xét.
Tìm thấy cảm xúc giáo dục nhờ môi trường FUNiX
Công tác tại FUNiX, điều mà anh Khuất Đức Anh ấn tượng nhất về trường là phương pháp học thuật: Muốn học tốt bạn phải Hỏi và hỏi thật nhiều, khi bạn đặt được câu hỏi đúng bạn đã có được 80% câu trả lời rồi, tự nhiên kiến thức sẽ khắc sâu trong đầu bạn. Phương pháp đào tạo mà FUNiX đang làm, là hiện đại và hiệu quả trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục đang gặp quá nhiều vấn đề như hiện nay; nhưng đây cũng là phương pháp cổ điển, truyền thống theo kiểu “cha truyền con nối, người có kinh nghiệm hơn hướng dẫn người mới” – phương pháp đã có từ thời chưa có cả những định nghĩa về giáo dục đào tạo trường lớp bài bản.
“Thiên thời – địa lợi – nhân hòa, FUNiX đã xuất hiện đúng thời điểm, áp dụng đúng công nghệ, và phục vụ đúng đối tượng khao khát được học thực chất. Và mình tin FUNiX sẽ còn tiến xa trong tương lai, giúp cho nhiều người thỏa sức sáng tạo, lập nghiệp, ước mơ và tìm thấy chỗ đứng đúng của mình trong cuộc sống” – anh chia sẻ.
Đồng hành cùng FUNiX, mentor Khuất Đức Anh cho hay anh đã có được vô số trải nghiệm vui buồn, hài hước, lo lắng vật vã khi mentoring cho sinh viên. “FUNiX đã giúp mình tìm lại cảm xúc trong giáo dục và đào tạo hơn 10 năm qua”, anh nói.
Nguyễn Quỳnh
Một trường hợp mentoring Có một trường hợp mình nhớ mãi đó là vào năm đầu tiên làm mentor môn FUN121 - một môn học khá là dễ dàng và thú vị của FUNiX. Câu hỏi của xTer rất đơn giản thôi, “Em không vào được BIOS con laptop abcxyz của em ạ”. Ôi giời tưởng gì, muỗi, hỏi han xem là máy gì mã như nào, em thử những gì rồi. À bây giờ mới ra vấn đề, bạn xTer này không phải là bạn không biết gì và chưa thử tìm thông tin trên mạng. Bạn ý ở bên Nhật, mua laptop bên đó, là người hiểu biết công nghệ. Vậy mà không vào được BIOS. Có lạ không, em ấy đã tra trên cả diễn đàn trong và ngoài nước tất cả đều nói là nhấn phím F này F kia của dòng máy đó, thử hết cả rồi mà không được. Vậy mentor phải làm gì bây giờ? Ngậm bồ hòn làm ngọt sau sorry tình yêu bye bye à? Hì không! Thế mới cần đến định hướng của FUNiX. Không ai có đầy đủ (vì biết thế nào là đủ!) kiến thức về một lĩnh vực chứ chưa nói tới nhiều lĩnh vực. Kể cả FUNiX có đầu tư cho các menor môn FUN121 đi làm ở FPT SHOP 10 năm chắc cũng chả gặp được con máy tính này mà thực hành. Mình hướng dẫn bạn đó thế này, bây giờ không tra cứu thông tin trên mạng lung tung nữa, hãy tìm tài liệu của nhà sản xuất chính là một file PDF manual hướng dẫn sử dụng của cái máy tính đó, tìm theo số serial. Bạn đó chưa bao giờ biết đến tài liệu này và mình tin ở Viêt Nam anh em ta cũng gần như chả bao giờ đọc cái manual đi theo máy khi đập hộp. Sau khi tải về tìm tới trang hướng dẫn cách vào Bios cách chọn Boot thì mới ối giời ơi là giời … Ơn giời cái kiến thức đó nó đây rồi… Cạnh cổng USB có một lỗ nhỏ, thọc que tăm vào đó để vào chế độ Bios… Ối giời đất ơi … thật không thể tin nổi… Lap top của Nhật đó các bạn ạ! Và cuối cùng mình không phải là người trả lời được câu hỏi của bạn ấy nhưng đã giúp bạn ấy tìm được kiến thức cần thiết. Đây cũng là mục tiêu dài hạn của FUNiX, chúng ta không có một người thầy nào cả đời cả, chỉ có chúng ta là người thầy ân cần nhất của chính mình thôi. Thế nên nhiệm vụ của mentor là hướng dẫn xTer biết các tìm kiếm kiến thức để tự học và tự phát triển bản thân. Khuất Đức Anh (kể)
Leave a Reply