“Và con tim đã vui trở lại… tình yêu đến cho tôi ngày mai… ” là câu hát mà tôi cứ lẩm nhẩm trong đầu suốt quãng đường từ Duy Tân về Sơn Tây sau thời gian trò chuyện và “bày trò” về IoT với sinh viên FUNiX trong khuôn khổ xDay (buổi offline hằng tháng của Trường).
Đến với xDay cùng một đôi đũa inox và hộp chiếc điện thoại Bphone, trong có chứa mạch và một số thiết bị để demo cho các bạn xTer mà tôi thấy cứ sao sao ý… Ý tưởng này được hoàn thiện phần code chỉ sau 30 phút của đêm ngày cuối cùng trước xDay…
Trước sự kiện, tôi chỉ nghĩ hãy làm gì đó thú vị, đơn giản và gợi mở để sinh viên có thể hiểu cơ bản và dễ dàng tiếp cận với IoT hơn. Trải nghiệm nhỏ về nếm thử mùi vị của ĐIỆN ra đời như thế! Tôi đã lập trình băm xung ra cổng số 13 trên arduino để nối ra 2 chiếc đũa inox và yêu cầu sinh viên cầm chiếc đũa này (như ăn cơm bình thường) đưa vào lưỡi của mình cùng nếm thử vị của Điện – thứ tồn tại 101% quanh các thiết bị của chúng ta…
Lần lượt là Hannah: Em chả thấy vị gì cả…
Xter nhỏ tuổi: Vị socola …
Xter Tuấn: Anh ơi mùi khét khét…
Cả phòng ồ lên: Hả, xem có bị cháy lưỡi không…
-Yên tâm có 5v với ít mA thui mà. Bác phụ huynh đưa xTer đi chơi ngồi ở góc xa, Bác có cho em nó thử không ạ?
– Cứ vô tư đi, bác bảo… Phụ huynh number one…
Và sau thí nghiệm này có lẽ các bạn còn nhớ người phát minh ra Pin đầu tiên đã thử nghiệm nó như vậy đấy đố các bạn biết là ai… Đó là Vol (Alessandro Volta (1745-1827) là giáo sư vật lý tại Đại học Pavie, Italy) đơn vị mà ta đang sử dụng để nói chuyện hàng ngày về điện áp của các thiết bị điện.
Ngay sau đó tôi đã chuyển sang nói chuyện về IoT, về cảm biến về quan điểm, rồi giải nghĩa một số quan điểm sai của các bạn về các cách xử lý thông tin trong cuộc sống (ví dụ về hệ tự động đơn giản như cái xí bệt trong nhà vệ sinh). Và nói đến những thứ gần với các bạn trong ngành phần mềm hơn, như frontend, backend, server, cở sở dữ liệu, app mobile…
Cảm giác đã gần nhau hơn chút vì đã thấy một số bạn đổi chỗ một số bạn kéo lại gần hơn. “Các bạn lại đây mình chỉ thếm cái này nữa”, thế làm nhổm hết cả dậy và giờ đây chúng tôi đã không còn ngăn cách bởi bàn và ghế nữa…
Bắt đầu “vật ngửa” màn hình con laptop ra và bật code lên. Có vẻ cứ tới phần này là anh em ta ai cũng biết… Tôi tiếp tục: “Nếu như đã từng tiếp cận với Tin học đại cương, lập trình pascal, lập trình C, các bạn hay làm giải phương trình này nọ thì bây giờ tại sao chúng ta không tiếp xúc với lập trình bằng cách điều khiển một vật thật ngoài đời nhỉ, ví dụ như, mình trỏ cái cảm biến này vào màn hình với các màu sắc khác nhau và con led RGB ở ngoài sẽ thể hiện sáng lên đúng với màu đó”.
Và tôi đã hướng dẫn các bạn cách bắt đầu công việc của một nhà khoa học là khảo sát số liệu thực tế, ghi chép lại, chỉnh định khoảng sai số và code thử luôn… Chương trình còn nhiều lỗi, đôi lúc bị sai, xTer Tuấn bảo luôn “xử cái bug này luôn” ồ vậy là bạn đã dám chiến rồi đấy… Hỏi ra mới biết Tuấn đã từng mua mạch arduino về rùi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu cả… Đó đó là những khó khăn mà những học viên mới còn bỡ ngỡ khi phải tiếp cận với cả phần cứng và phần mềm và nhiều khi bug chỉ là bị tuột dây hay dây cắm lỏng…
Một thí nghiệm khác về “Lưỡi điện tử nếm sữa chua siro café” cũng được thực hiện. Chỉ với 2 sợi dây điện cùng 1 con điện trở cắm thẳng vào các dung dịch, các xTers đã được tận mắt sự thay đổi và khác nhau giữa các dung dịch qua số liệu nhìn thấy trên monitor của arduino và trên chiếc Bphone đang được nối bluetooth với mạch… Tôi đặt câu hỏi khảo sát xong rồi code. “Code thế nào nhỉ?”… Một xTer phát biểu luôn: “Nếu số liệu trong khoảng này thì gửi chữ ‘Sữa chua’ lên, nếu trong khoảng kia thì gửi chữ ‘café’ lên. Đơn giản!”
Đó IoT đơn giản vậy đó các bạn ạ!
Chúc các bạn khám phá ra nhiều ứng dụng hơn nữa trong cuộc sống xung quanh mình nhé… Hãy làm những gì thật thiết thực cho chính mình, gia đình mình, ngôi nhà của mình và nếu bạn thấy nó tốt thì hãy chia sẻ để sản phẩm của bạn đến được với mọi người. Chúc các bạn học tốt và thành công!
“Và con tim đã vui trở lại… Tình yêu đến cho tôi ngày mai”. Cám ơn FUNiX đã cho tôi cơ hội được cười, nói, mang kiến thức nhỏ bé của mình phá tan rào cản ngăn cách những người ham học đến với thế giới của công nghệ hiện tại và tương lai.
Mentor Khuất Đức Anh
Giảng viên Đại học Phương Đông
Leave a Reply