Bạn có tin rằng bất cứ điều gì dù đã tốt rồi vẫn còn có thể tốt hơn nữa? Với mentor Phạm Văn Tường của FUNiX, anh không chỉ tin vào điều đó mà còn luôn hướng việc làm tốt hơn nữa công việc của mình như một lẽ sống. Vào xDay sắp tới tại Hồ Chí Minh, anh tha thiết muốn chia sẻ quan điểm này, cùng những kinh nghiệm xương máu trong nghề tại cuộc trò chuyện với chủ đề: Not only a coder.
Not only a coder là những phân tích và nhắn nhủ của anh Tường đến với xTer và cộng đồng FUNiX nói riêng: Luôn nỗ lực và sáng tạo nhằm làm tốt nhất công việc của một lập trình viên, và hơn thế, để có thể kiến tạo nên những giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho công ty, cho xã hội. Từ đây, lập trình viên nói riêng, người làm trong lĩnh vực IT nói riêng có thể nghĩ về những đích đến rộng và xa hơn nữa trong sự nghiệp của mình.
“Hơn mười mấy năm trong nghề, mình có dịp làm việc cùng, tham gia nhiều khóa đào tạo với các bạn trẻ những người mới vào nghề và nhận thấy một điểm yếu chung ở các bạn là tinh thần làm việc còn thụ động, thiếu sáng tạo. Thông qua công việc, qua cơ hội tiếp xúc và hướng dẫn các bạn, mình luôn cố gắng thổi vào các bạn niềm đam mê công việc thay vì cầm tay chỉ việc hoặc truyền đạt lý thuyết khô khan. Khi giúp các bạn biết cách định hướng cho tương lai, nghề nghiệp, giúp các bạn có “nhiệt”, có “lửa” với công việc, tự khắc các bạn sẽ biết chủ động nghiên cứu, học hỏi” – anh Tường tâm sự.
Đây cũng là cách mà mentor Phạm Văn Tường luôn hướng đến cho các xTer của mình. Không chỉ cung cấp kiến thức chung chung anh thường đưa ra và phân tích những casestudy cụ thể để sinh viên nắm được vấn đề và cách giải quyết. Khi nhận được câu hỏi, anh không vội giải đáp mà tìm cách dẫn dắt thậm chí hỏi ngược để sinh viên dần tự tìm ra câu trả lời. Hơn hết anh luôn cố gắng tạo động lực cho các bạn trong việc học và làm qua những tình huống mentoring cụ thể.
Nhớ lại thời sinh viên, luôn cảm thấy cách dạy và học trong trường đại học không phù hợp với mình, thậm chí anh còn phải đối mặt với việc học lại, hay lo lắng không thể tốt nghiệp… anh tin rằng học kiểu lý thuyết sách vở và thụ động không bao giờ là đúng. Nhờ linh hoạt trong việc học, kiến thức chắc về thuật toán và giải các bài toán IQ, anh đã vượt qua được cửa ải tốt nghiệp của nhà trường bằng cách lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng từ khi chưa tốt nghiệp. Đây cũng là một phần kinh nghiệm xương máu mà anh sẵn sàng chia sẻ với các xTer của FUNiX.
Lý do anh Tường trở thành mentor của FUNiX cũng chính là mong muốn “thổi” tham vọng, “thổi” đam mê cho những người trẻ.
Sống với đam mê khởi nghiệp
Là dân chuyên Toán, anh Tường từng mơ ước theo ngành Y nhưng rồi lại theo đuổi Công nghệ thông tin và từng bước dấn thân vào lĩnh vực này với một niềm đam mê cháy bỏng, đó là đam mê khởi nghiệp.
Luôn yêu thích làm ra sản phẩm, yêu thích cải tiến những vấn đề bất cập trong cuộc sống, xã hội cũng như yêu thích kinh doanh, anh sớm chọn khởi nghiệp làm hướng đi cho mình.
“Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, mình có cơ hội vào làm cho một công ty Nhật Bản. Sau 6 tháng đi làm mình đã nghỉ việc để khởi nghiệp, nhưng rồi thất bại sau khoảng 1 năm. Mình quyết định quay lại làm phần mềm, trải qua nhiều công ty trong đó có FPT Software với 8 năm làm việc ở nhiều vị trí từ lập trình viên đến quản lý… Mình tiếp tục làm start up lần thứ 2 và rồi lại thất bại vì bài toán Marketing và bài toán Tài chính. Mình tiếp tục về làm Giám đốc chi nhánh một công ty công nghệ ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng rồi lại rời bỏ công ty vì nhận thấy tại đây không có chung định hướng làm sản phẩm như mình kỳ vọng.
Mới đây, mình đã tìm được nhà đầu tư, xây dựng được đội ngũ cộng sự và startup lần thứ 3 với ý tưởng mà mình thai nghén từ lâu đó là giải quyết bài toán thương mại. Công ty đang ở giai đoạn đầu tiên và mình hi vọng sẽ mang lại những sản phẩm thực sự hữu ích cho thị trường, cho xã hội” – anh Tường chia sẻ.
Đến với xDay tháng 9/018 của FUNiX, anh Tường hi vọng sẽ có thật nhiều khán giả tới tham dự và chia sẻ cũng như đặt câu hỏi cho anh. Anh kỳ vọng, sự tập trung, lắng nghe từ khán giả, từ sinh viên sẽ là động lực để anh có thể thăng hoa trong cuộc trò chuyện của mình.
Nguyễn Quỳnh
Leave a Reply