Với sở thích chia sẻ kiến thức và mong muốn có thể hỗ trợ cho mọi người, anh Lê Quang Đạt – hiện làTechnical Solution tại FPT Soft đã lựa chọn trở thành Mentor của FUNiX. Đặc biệt chú trọng coaching, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ để hiểu và đưa ra phương án hỗ trợ học viên tốt nhất, anh Đạt đã đồng hành cùng rất nhiều xTer trên chặng đường học online, giúp các bạn học đúng tiến độ, không bỏ cuộc dù gặp khó.
Là cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, anh Đạt tiết lộ lý do anh chọn ngành CNTT đến từ đam mê và sở thích tìm tòi, khám phá công nghệ.
“13 năm trước, đây thực sự là một ngành học “hot” nhưng cũng còn khá mới đối với những học trò vừa tốt nghiệp phổ thông như mình. Mình chưa hiểu nhiều về ngành, nhưng qua việc tự lên mạng tìm hiểu thì cảm thấy thích thú, nên mạnh dạn đi theo…” – anh nhớ lại.
Học xong Bách Khoa, anh cũng phải trải qua quá trình tự ứng tuyển gian nan tại một công ty của Nhật và liên tiếp làm việc ở những dự án cho các khách hàng Nhật – Pháp – Singapore – Anh… Từ năm 2012, anh vào làm việc tại FPT Software và có kinh nghiệm qua nhiều vị trí: Developer, Team Leader, Technical Solution, Technical Leader, Technical Architect…
Hiện tại, anh đã có hơn 13 năm kinh nghiệm chuyển môn trong lĩnh vực phát triển, thực thi và triển khai ứng dụng, hỗ trợ khách hàng và hỗ trợ nội bộ; hơn 8 năm làm việc với Java. Ngoài kỹ thuật, anh còn tham gia nhiều chương trình huấn luyện, đào tạo tại FPT Software (chương trình liên kết đào tạo với các trường Kỹ thuật), nên anh sở hữu vốn kinh nghiệm về cách truyền đạt, chia sẻ kiến thức giúp sinh viên nắm bắt vấn đề nhanh, dễ hiểu nhất.
Anh Lê Quang Đạt chia sẻ, anh đã tham gia đội ngũ Mentor của FUNiX ngay khi được biết về mô hình giáo dục trực tuyến của trường và hình thức cộng tác linh hoạt, hợp lý về thời gian, địa điểm… Trong sâu thẳm, anh cảm thấy vui khi tìm thấy một cơ hội được chia sẻ kiến thức của người đã làm việc lâu năm trong nghề, được làm những điều hữu ích bằng kiến thức và kinh nghiệm đã có.
Kể về trải nghiệm làm Mentor ở FUNiX anh Đạt kể: “Quá trình Mentoring, các xTer hay hỏi mình về định hướng nghề nghiệp và cách học. Từ những gì đã trải qua, mình chỉ có một chia sẻ, đó là các bạn hãy đầu tư thời gian và nỗ lực, tìm hiểu thật nhiều về lĩnh vực của mình, cập nhật thật nhiều về ngành nghề của mình vì đặc thù của công nghệ thay đổi rất nhanh” Nói thì ngắn gọn, nhưng các tình huống coaching của anh vô cùng đa dạng.
“Trong lúc học, nếu các bạn nói không hiểu thì mình sẽ làm rõ lý do vấn đề các bạn không hiểu bằng cách đặt câu hỏi ngược, hỏi lại để xác định vấn đề, giúp sinh viên tự hiểu được mình thật sự cần gì. Mentor chỉ định hướng để các bạn tự tìm ra cách giải thích. Mặt khác, qua việc coaching, mình muốn giúp sinh viên biết cách khai thác kiến thức, tự suy nghĩ, tự tìm câu trả lời, dù đôi lúc câu trả lời của các bạn không đúng. Với mình đây cũng là cách để mình tự ôn lại những kiến thức cũ” – anh Đạt chia sẻ.
Anh kể mình từng hướng dẫn một xTer đi học hoặc làm trái ngành sau đó đã lựa chọn FUNiX để học nhằm tìm hướng đi mới. xTer này giống như một người mới đi học nghề, rất chăm chỉ, quyết tâm.
“Và bạn thường xuyên xin ý kiến từ mình. Mình đã nói với bạn bất cứ lúc nào mình cũng có thể giúp đỡ nhằm động viên khuyến khích bạn hơn nữa. Mình thực sự vui khi gặp và hỗ trợ được “đúng người” như vậy” – anh tâm sự.
Ngược lại, cũng có nhiều tình huống xTer hỏi anh chỉ để được ghi nhận số câu hỏi theo yêu cầu của nhà trường mà chưa thật sự chú ý đến chất lượng câu hỏi. Anh hi vọng các xTer sẽ ý thức cao hơn nữa về quyền được hỏi của mình và trân trọng mỗi cơ hội kết nối cùng Mentor.
Luôn cố gắng truyền đạt sao cho sinh viên dễ hiểu nhất, anh thường sử dụng ngôn ngữ đời sống, gợi liên tưởng giữa các vấn đề trong việc học với các vấn đề của đời sống để giúp sinh viên dù chưa có kiến thức nền tảng cũng có thể dễ dàng hiểu được. Anh cho hay, nhờ chắc về chuyên môn, anh chưa gặp phải câu hỏi nào quá hóc búa về công nghệ. Nhờ kinh nghiệm đào tạo offline anh cũng có được sự thuận lợi khi kết nối và tiếp xúc với sinh viên. Khó khăn lớn nhất của anh có lẽ chỉ là vấn đề sắp xếp được thời gian để có tần suất online thường xuyên hơn nữa, giúp được nhiều sinh viên hơn.
Trong cuộc sống anh Lê Quang Đạt rất thích tìm hiểu về những xu hướng công nghệ mới, say mê việc tìm hiểu suy nghĩ về bản chất của công nghệ ấy cũng như mục đích, ứng dụng của chúng trong thực tế. Anh sẵn sàng lên kế hoạch để nghiên cứu làm việc về những vấn đề công nghệ mình thực sự hứng thú.
Nguyễn Quỳnh
Leave a Reply