Anh Nguyễn Thành Lâm – cựu CEO FPT Software mới đây đã chính thức về đầu quân cho Đại học trực tuyến kiểu FUNiX với vai trò người đại diện của tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh.
Từ một lãnh đạo nổi danh trong làng phần mềm, quản lý hơn 10 nghìn nhân viên, anh Thành Lâm đột ngột nghỉ việc. Gần 2 năm sau, anh “tái xuất” với vị trí mới tinh trong lĩnh vực giáo dục tại: Vừa làm mentor, vừa làm đại diện FUNiX ở Tp. Hồ Chí Minh.
Dưới đây là nguyên văn cuộc PV anh Thành Lâm về công việc mới của anh tại FUNiX.
PV: Anh có thể chia sẻ về lựa chọn công việc mới của mình? Tại sao anh lại lựa chọn “bến đỗ” FUNiX sau khi rời FPT Software?
Khi được nghe về ý tưởng FUNiX lần đầu tiên, tôi đã thấy rất hào hứng. Đây là một ý tưởng táo bạo, sử dụng chính nguồn nhân lực sẵn có của ngành IT Việt Nam để đào tạo các thế hệ tiếp theo qua mô hình mentor, một kiểu “bootstrapping” theo thuật ngữ tin học. Và mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng cho các ngành nghề khác. Là ý tưởng mới đương nhiên có nhiều rủi ro, nhưng với trào lưu học trực tuyến đang đi vào đời sống, với các bài giảng đang được cung cấp miễn phí trên mạng, với các công nghệ, công cụ giao tiếp ngày càng thuận lợi, cơ hội thành công là cao. Trong bối cảnh mô hình giáo dục đại học hiện tại không đáp ứng được cả chất và lượng, chắc chắn chúng ta phải thay đổi. Kinh doanh, nhất là khởi nghiệp, không bao giờ là chắc chắn, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng cách đào tạo kiểu FUNiX, hay còn gọi là FUNiX Way, sẽ là một cách đào tạo chính trong tương lai chúng ta, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào các cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra.
Vì nhiều lý do tôi không tham gia dự án FUNiX được ngay từ ngày đầu. Hiện nay về tổ chức FUNiX đã cởi mở, sẵn sàng để đưa FUNiX Way đến với toàn dân. Tôi rất vui có cơ hội được đóng góp công sức.
PV: Điều gì hấp dẫn anh nhất trong công việc tại FUNiX hiện nay? Công việc về giáo dục liệu có gây “khó dễ” cho anh không khi mà trước đó anh chủ yếu làm về phần mềm, kinh doanh?
Tôi luôn nghĩ giáo dục là công việc có thể mang lại nhiều giá trị nhất cho xã hội đối với một con người. Một đất nước mà mỗi công dân đều có điều kiện học hỏi và thực sự học hỏi là đất nước giàu, một tổ chức mà mỗi thành viên đều học hỏi là tổ chức mạnh, một cá nhân luôn học hỏi là cá nhân hạnh phúc. Vì vậy sau một thời gian dài “cày bừa” kinh doanh kiếm tiền, có cơ hội góp sức tạo điều kiện thúc đẩy quá trình học hỏi của mọi người, nhất là tham gia vào một dự án mới mẻ táo bạo như FUNiX trong bối cảnh giáo dục đang thay đổi mạnh mẽ là một điều may mắn.
Giáo dục là công việc hoàn toàn mới với tôi, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức. Tuy nhiên công việc trước đây cũng liên quan nhiều đến con người, và lại từ khía cạnh “đầu ra” của quá trình giáo dục nên cũng có một chút thuận lợi.
PV: Là người đại diện của Đại học trực tuyến kiểu FUNiX ở Hồ Chí Minh, anh có thể chia sẻ về dự định của mình cho vị trí mới này?
Theo tôi, trong bối cảnh ngành giáo dục là một ngành khá bảo thủ, thị trường giáo dục ở Tp.Hồ Chí Minh nói riêng cũng như miền Nam nói chung là thị trường rất năng động, cởi mở, thích hợp để làm cái mới. Chúng tôi mong muốn mở rộng mạng lưới, mở rộng các kênh đối tác, đưa mô hình FUNiX đến được với đại chúng ở tất cả các tỉnh thành phía Nam. Phải làm sao để người dân nào bất kể tuổi tác, vị trí… cũng biết đến và có thể đến được với FUNiX Way như là một lựa chọn để học đại học với các kiến thức quốc tế mới nhất, đầu tư hợp lý nhất, tìm việc làm nhanh nhất.
Về các mục tiêu cụ thể thì ngoài ngành công nghệ thông tin chúng ta sẽ phải mở thêm nhiều ngành nghề khác. Trong 3 đến 5 năm, chúng tôi phải đạt được con số 10,000 sinh viên. Dài hạn sẽ phải có hàng trăm ngàn sinh viên.
Điều kiện để thành công là phải có giáo trình hiện đại nhưng thân thiện, gần gũi, được các nhà tuyển dụng công nhận; và một đôi ngũ mentor đông, mạnh, tổ chức tốt.
Tôi cũng mong muốn mang lại cho những cộng sự, những người đồng hành với mình cũng như các mentor một hành trình gian nan nhưng thú vị, có ích cả về tinh thần lẫn vật chất.
Tất nhiên tiên quyết với mọi start-up là phải sống được đã (cười).
PV: Làm việc ở một start – up còn khá non trẻ như FUNiX, cảm nhận về công việc của anh như thế nào?
Đây là một cuộc phiêu lưu vào một cái mới hoàn toàn, tất nhiên là rất háo hức. Rủi ro tất nhiên là có. Tuy nhiên như đã nói ở trên, giáo dục là công việc giúp bản thân mình cảm thấy có ích, dạy được một học sinh cũng đã là thành công, cho nên với tôi đây là một loại start-up chỉ có thắng không có thua.
Tôi cũng hay nói đùa với mọi người là giả sử kinh doanh không thành công thì ít nhất mình cũng biết cách dạy con mình, sau này cũng tiết kiệm được đống tiền, ko phải lo cày bừa đầu tắt mặt tối để gửi con đi Tây học (cười lớn).
PV: Được biết ngoài làm quản lý, anh còn là mentor của FUNiX. Với vai trò là “thầy giáo”, anh mong muốn truyền đạt điều gì cho sinh viên của mình?
Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của sinh viên.
Trân trọng cảm ơn và chúc anh sẽ thành công với những dự định mới!
Leave a Reply