Với bất kì người thầy nào, sự bền bỉ, kiên trì để đồng hành với học trò của mình đều là cần thiết. Trong thế giới online, sự kiên trì ở người thầy còn được thử thách nhiều hơn, bởi họ thường gặp phải nhiều rào cản như: Hạn chế về giao tiếp, hạn chế về tương tác trực tiếp về mặt cảm xúc.
Hàng giờ online giúp sinh viên “phá băng”
Trong suốt 30 phút đầu nói chuyện cùng mentor, sinh viên tên Huỳnh Minh Thông chỉ một mực trả lời “em không biết” với đủ các câu hỏi được đặt ra. Những con chữ nhấp nháy trên màn hình và những quãng nghỉ dài giữa các dòng hồi đáp từ phía Thông không làm mentor Lê Hoàng Việt – mentor chủ nhiệm lớp của Thông khó xử.
Nhận thấy khoảng băng giá chưa được phá vỡ giữa hai thầy trò, anh Việt càng bị thôi thúc phải “phá băng”, khích lệ bằng được học viên của mình tiến bước.
“Em hay đọc sách gì? Như anh thì anh đang đọc cuốn này…” – một cách thật tự nhiên, như thể cậu học trò nhỏ đang thực sự ngồi ngay đối diện, anh Việt vui vẻ với tay lên giá sách, đưa về phía màn hình cuốn sách yêu thích và nhẹ nhàng tóm tắt nội dung cuốn sách cho em nghe.
Liên tục sau đó là những câu hỏi gợi mở mà anh đưa ra:
“Em nghe loại nhạc gì? Anh thì trong lúc rảnh rỗi, anh thường nghe nhạc này, bài này hay lắm nhé…”
“Em thích chơi môn thể thao gì? Bóng đá, bóng rổ hay chạy bộ? Anh thì…”
“Em có biết một ai nổi tiếng trong ngành CNTT không?”
“Thế em có hâm mộ ai trong ngành CNTT không?”
“Em có biết Bill Gates không? – Bill Gates là…”
Cậu bé lớp 7, H.M.Thông dần mất đi vẻ rụt rè. Cậu chăm chú ngồi nghe mentor chia sẻ. Dần dần, em tự nhiên và vui vẻ hơn, tham gia sâu vào câu chuyện với sự sôi nổi và cởi mở tăng dần.
“Tại sao em thích học FUNiX?”
Từ câu hỏi này, mentor Việt bắt đầu xoáy vào lý do thực sự của việc Thông quyết định theo học CNTT trực tuyến, để giúp cậu học trò làm rõ hơn định hướng nghề nghiệp của mình. Những cuộc nói chuyện sau đó còn nối dài ra mãi… Với chàng sinh viên nhỏ tuổi, niềm vui lớn dần khi em được quan tâm, được lắng nghe, chia sẻ và khích lệ để chặng đường học không còn lẻ loi, cô độc. Người thầy chủ nhiệm lớp ở FUNiX mà em được học – mentor Lê Hoàng Việt thực sự còn là người bạn đồng hành tận tụy, dẫn dắt em từng bước tiếp nhận tri thức và hơn thế: Khám phá chính mình, tự tin hơn, mạnh mẽ và chủ động hơn trong học tập.
Thông chỉ là một trong số 259 học viên ở đủ mọi lứa tuổi từ học sinh, sinh viên đến người đi làm… mà anh Hoàng Việt có cơ hội tiếp xúc, giảng dạy tại FUNiX. Mỗi sinh viên lại thử thách tính sự kiên trì bền bỉ của anh ở những khía cạnh khác nhau mà một cách rất tự nhiên, người thầy vẫn đón nhận một cách hồn nhiên, vui vẻ.
“Gần đây nhất có một bạn sinh viên hỏi về kết quả tìm kiếm của Google thay đổi như thế nào khi thay đổi thứ tự các từ khóa tìm kiếm, mình và bạn đó đã trao đổi khoảng hơn 2 tiếng liên tục, cho đến hết phiên kết nối được Hannah hỗ trợ, thì hai thầy trò kết bạn Facebook cá nhân và tiếp tục trao đổi cho đến nửa đêm mới đi ngủ” – anh Việt kể.
Lấy học viên làm trung tâm – thầy gợi mở nhiều hơn truyền đạt kiến thức
Luôn sẵn sàng dành thời mọi thời gian trống để học cùng sinh viên, anh Hoàng Việt thường tìm tòi và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để thích ứng với trình độ nhận thức của từng học viên. Với năng lực thực hành lẫn nghiên cứu, sau hơn 10 năm phát triển phần mềm và tham gia công tác đào tạo, anh Lê Hoàng Việt luôn tìm cách tiếp cận giúp học viên dễ hiểu, thoải mái với việc học. Anh thường hướng dẫn, đặt câu hỏi để học trò chủ động tìm hiểu, gợi mở giúp sinh viên bộc bạch những thắc mắc, e ngại của mình. Từ đó, anh từng bước tiếp cận, giải đáp và khuyến khích sinh viên học tập.
“Phương pháp này có thể gọi là “lấy học viên làm trung tâm”, một phương pháp giảng dạy đề cao quan điểm, suy nghĩ, cách làm… của học viên, người thầy là người gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức” – anh Việt chia sẻ.
Theo anh, phương pháp này đòi hỏi người thầy có quyết tâm cao cùng sự nhẫn nại mới có thể gợi mở thành công, định hướng và đưa ra những lời khuyên hợp lý, đi vào lòng học viên. Giảng viên cũng phải thay đổi nhiều, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm mới, vấn đề mới, thậm chí chấp nhận không có đúng hay sai hoàn toàn trong một số vấn đề. Đồng thời, giảng viên cũng phải học cách sử dụng nhiều hơn các phần mềm, công cụ phụ trợ cho việc giảng dạy.
Với niềm đam mê giáo dục trực tuyến, anh Việt không chỉ dừng lại ở việc làm một giảng viên online, anh còn chính thức khởi nghiệp với DES (Digital Education Solution) – một startup đang cung cấp nền tảng DES eLearning giúp các doanh nghiệp đào tạo nội bộ hiệu quả, nhanh chóng. DES cũng cung cấp dịch vụ xây dựng bài giảng DES Content để giúp các doanh nghiệp tạo nên các bài giảng hấp dẫn và chất lượng cho nhân viên.
“Theo kinh nghiệm của mình, các giảng viên online trước hết cần có kiến thức về cách thức xây dựng bài giảng online cũng như hiểu rõ các điểm khác biệt so với các bài học offline. Tiếp theo đó, giảng viên cũng cần hiểu cách học viên học sẽ online như thế nào để xây dựng bài giảng, hoặc tham gia giảng dạy một cách hiệu quả” – anh phân tích.
Với quan điểm giảng dạy nghiêm túc, tận tụy, bền bỉ, không ngừng tìm kiếm cách hoàn thiện bài giảng, hoàn thiện công việc của mình, thật dễ hiểu khi Lê Hoàng Việt trở thành cái tên mentor được yêu mến – không chỉ với sinh viên FUNiX nói riêng, mà còn với tất cả những ai từng có “duyên” được anh đào tạo, dẫn dắt.
Nguyễn Quỳnh
Leave a Reply