Bài đăng trên facebook Nguyễn Thành Nam ngày 18/7/2018.
Vụ việc gian lận ở Hà Giang kích động xã hội, tạo cơn cuồng phong sỉ vả vào cậu phó phòng tham lam và quy trình của bộ chủ quản lỏng lẻo.
Nhưng phải chăng chúng ta đều đã biết trước điều đó, rằng dân thì tham còn quan thì dốt.
Theo thông tin công bố, quy trình như sau: Cho đến trước khi được đưa vào phòng chấm, đề thi được niêm phong, công an hộ tống; Đề thi được scan, cũng dưới hàng chục con mắt soi mói; Đề thi dưới dạng scan xong, được đưa vào máy chấm; Chấm xong, kết quả được gửi lên bộ.
Hết trách nhiệm!
Ở hai bước 1-2 muốn can thiệp chỉ có thể dùng bạo lực ngang như cướp ngân hàng. Bước 4 chưa thấy nói gửi lên bằng phương tiện gì nên không dám bình luận. Nhưng chắc cũng niêm phong hộ tống.
Nhưng bước 3 thì khác. Vì dân có thói quen tin máy không bao giờ sai, nên thường mặc cho ông nào tự nhận điều hành máy xoay xở. Thực ra can thiệp vào phần mềm, dữ liệu (hacking), tuy dễ hơn cướp ngân hàng nhưng không phải ai cũng làm được. Nên người ta tin cũng có lý. Phó phòng của tỉnh hẻo lánh như Hà Giang thì càng không phải là hacker.
Vấn đề ở đây là người thiết kế hệ thống chấm thi đã để một lỗi chết người là nhận dạng dữ liệu ảnh ra thành dữ liệu trung gian dạng text không mã hóa (kiểu như password để mộc), rồi mới chấm từ dữ liệu đó.
Nên phó phòng cứ ung dung sửa thẳng vào file text này. Sau khi đã gửi điểm đi, mọi người thở phào xong việc, chẳng mấy ai quan tâm đến bài thi gốc nữa, phó phòng mới ung dung bê bài gốc ra sửa.
Đặt vấn đề là bạn được phân công sử dụng máy chấm thi. Thấy phần mềm lòi ra một cái file lồ lộ, có tên con (hoặc cháu, chắt ….) mình, hỏi muốn chấm thế nào. Tương lai của con (cháu) bạn ở cả đây. Mà động tác chấm (chỉ mất 6 giây, là copy đáp án từ file có sẵn của Bộ vào). Tất cả chỉ là trông như đang nghịch Facebook. Một lần, hai lần, 100 lần. Bạn có bị cám dỗ không?
Tôi không chắc lắm, vì bản thân không ít lần đã nhìn ngang nhìn ngửa xem có ai nhìn thấy không, rồi chạy vội qua đèn đỏ, hoặc vứt đại một cục rác đâu đó, hoặc tệ hơn nữa là “tiểu đường”.
Ngay ở những quốc gia rất văn minh, họ cũng khuyến cáo là khi rời xe hơi, nên cất đồ vào trong cốp xe, đừng để trên ghế trước, gợi lòng tham của những kẻ qua đường.
Tôi không rõ ai là người thiết kế quy trình phần mềm chấm thi. Khả năng lớn là Cục CNTT của Bộ Giáo dục. Hoặc một công ty nào đó đối tác của Bộ. Chắc chắn là đồng nghiệp của chúng tôi.
Họ không phải là những người đầu tiên gây tác hại nghiêm trọng vì sự tùy tiện trong cái gọi là quy trình của mình. Có lẽ bản thân họ còn chưa hiểu quy trình là gì. Và chưa phải trả giá cho những sự tùy tiện đó. Khi FPT mới bắt đầu tham gia xuất khẩu phần mềm năm 1998, Chủ tịch Trương Gia Bình đã dặn đi dặn lại, phải làm thế nào học được quy trình chuẩn quốc tế của họ. Chúng tôi đã phải trả giá bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí danh dự, để thấm được điều đó. Ngay tại Việt Nam, trong những ngành rất nhạy cảm với dữ liệu như ngân hàng, đã có những lập trình viên đã phải trả giá rất đắt vì những lỗi tùy tiện này.
Nên tôi thấy buồn!
Anh Đặng Hoàng Giang, bạn tôi, cũng là khách hàng của FPT, có một cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”. Rất đúng với cảm giác của tôi dành cho các đồng nghiệp CNTT trong lúc này.
Nếu chúng ta không thực sự nghiêm khắc, chúng ta sẽ là người có tội đầu tiên trong một xã hội càng ngày càng được số hóa.
Leave a Reply