Hay tại sao chỗ quái nào cũng phải có bàn bi-a cho nhân viên giải trí.

(Dịch từ WIRED: https://www.wired.com/story/how-silicon-valley-ruined-work-culture)

Anh vào văn phòng muộn hơn 9h sáng một chút. Sau khi thả hồn trong chiếc ghế êm ái trên chuyến xe do công ty tài trợ, có wifi và rất riêng tư. Anh mặc áo quần ngày nghỉ, mặc dù hôm nay là thứ Tư. Trong góc văn phòng có nước hoa quả, hoặc kombucha. Anh có thể ăn sáng hay ăn trưa lúc nào tùy ý. Tất cả đều miễn phí. Văn phòng đầy các màn hình sáng, thỉnh thoảng lại có bạn đồng nghiệp từ xa chui ra đòi nói chuyện. Sếp lượn trên chiếc xe tự cân bằng ngó nghiêng. Anh đi tìm một chỗ trống, lôi laptop ra, khoác tai nghe lên và chỉnh tiếng nhạc điện tử đủ to để cách ly khỏi thế giới bên ngoài trong 12 tiếng. Anh bắt đầu phê.

Nghe như Sillicon Valley năm 2009. Không, kỳ lạ thay, đây là Corporate America năm 2020. Càng ngày càng nhiều các công ty truyền thống đua đòi học theo văn hóa làm việc của các khởi nghiệp công nghệ. Đó không phải là nơi cha ông anh đã làm việc, đúng 5h đứng dậy lẻn ra góc văn phòng. Bây giờ văn phòng chẳng có góc nào, mà phẳng, rộng như thảo nguyên.

Văn phòng kiểu cổ đúng là có nơi trông như nhà tù, nhưng ít nhất thì nó cũng có mục đích rõ ràng. Anh đến đó để làm xong việc. Anh không đi dạo trong cánh đồng các cubic, lại càng không đến đó dịp cuối tuần. Rồi Google và các công ty kiểu mới xuất hiện, biến các cuộc “đua chuột*” thành gì đó có mục đích cao cả, và tiện thể, lẫn lộn công việc với cuộc đời. Các đồng nghiệp giờ được coi là thành viên của gia đình. Trật tự bị phá vỡ. Các chức danh công việc thì được thay thành “wizard” hay “ninja”. Nghỉ phép thoải mái (nếu bạn chẳng may nhớ đến là có phép). Quên việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng ta đang nói đến hòa nhập công việc vào cuộc sống. Nếu không thì tại sao chúng ta cần có có phòng massage, giường ngủ và bữa ăn đêm miễn phí sau 7h tối.

(“đua chuột – rat race” là từ tiếng Anh chỉ các hoạt động dài lê thê vô nghĩa – ND)

Những ý tưởng táo bạo đó được quảng cáo là sẽ giải phóng nhân viên khỏi sự nhàm chán của văn phòng. Nhưng thực chất là Silicon Valley đang phá hoại văn hóa làm việc. Không phải chỉ ở các công ty công nghệ mà ở tất cả chúng ta.

Văn phòng làm việc đầy tiện nghi ở Google

Căn bệnh văn hóa làm việc của Silicon Valley đang lây lan. United Shore, một công ty cầm đồ ở Michigan giờ có văn phòng toàn đồ chơi để team building. Commvault, công ty quản lý dữ liệu ở New Jersey có cầu trượt từ tầng 4 xuống tầng 3, bonus thêm mấy dàn bóng bàn, bi lắc và bi-a. Bây giờ, không có gì lạ, nếu một công ty cổ kính như CoverMyMed ở Ohio có phòng tập thiền, massage tại chỗ hay đầu bếp. Rồi các chính sách nghỉ phép hào phóng. Một công ty bảo hiểm có trụ sở ở Ohio cho nhân viên được nghỉ hai thứ Sáu trong tháng. Không phải vì họ tốt, mà họ cho là như thế năng suất lao động sẽ tăng.

Ngay cả các công ty siêu cũ cũng bắt chước Silicon Valley. Cargill, nhà phân phối các sản phẩm nông nghiệp, 155 tuổi, cũng vừa thiết kế lại văn phòng kiểu mở và cho phép làm việc từ xa. CIO Justin Kershaw hào hứng khoe: chúng tôi đã sử dụng 34 triệu phút video call chỉ trong tháng vừa rồi.” Cargill đã đưa cả ban lãnh đạo đến Silicon Valley để học hỏi cách làm việc mới.

 

Những món ăn miễn phí giúp nhân viên không phải ra ngoài mua.

Mike Robbins, một nhà tư vấn cho Google, Microsoft, Wells Fargo and NBA, chia sẻ: ai cũng muốn copy những gì đang diễn ra ở SV.

Tất cả, từ quần áo thoải mái đến ăn uống miễn phí, và làm việc từ xa. Nhưng sản phẩm lớn nhất mà Silicon Valley xuất khẩu ra ngoài đó là phá bỏ sự ngăn cách giữa công việc và cuộc sống. Trong cuốn sách gần nhất của mình “Hãy mang tất cả mình đến văn phòng”, Mike cổ súy cho môi trường làm việc khi mọi người cảm thấy an toàn khi chấp nhận rủi ro và trải nghiệm sự yếu đuối cùng với đồng nghiệp. Nhưng cũng có mặt trái, khi ranh giới giữa công việc và cuộc đời mờ đi, người ta làm việc suốt ngày.

Kể cả các chính sách như nghỉ phép thoải mái mà Netflix quảng bá, không làm cho nhân viên trở nên rám nắng, thư giãn hơn. Nghiên cứu của Sage năm 2017, chỉ ra rằng nhân viên các công ty kiểu này, thực tế nghỉ phép ít hơn các công ty khác. Các quyền lợi khác cũng thế. Ăn tối miễn phí làm nhân viên ở lại lâu hơn. Giường ngủ tại văn phòng, chẳng qua vì đêm qua anh đã thức suốt đêm để làm việc.

Ít người chống lại văn hóa làm việc 24/7 này mạnh mẽ hơn Dan Lyons, một phóng viên đã rời bỏ tòa soạn để khởi nghiệp vào giữa những năm 2000. Trải nghiệm ghê người làm ông bỏ việc công nghệ, chuyển sang viết kịch bản cho series phim truyền hình Sillicon Valley, mà bất cứ ai ngoài thế giới công nghệ xem đều ồ lên cho là vô lý một cách ngớ ngẩn. Cuốn sách “Rat Lab – Con chuột phòng thí nghiệm” của ông, là một ghi chép cười cợt về văn hóa làm việc kỳ quái đó, ví dụ như nỗi ám ảnh về văn phòng mở, hay bắt buộc phải dùng phương pháp “lego play”, hay coi “đuổi việc” là “tốt nghiệp” …

Lyons cho rằng, những quy tắc mới, với những chiêu trò kiểu như bia uống tại vòi, ăn miễn phí …. Chỉ là những biểu hiện bề ngoài của một cái gì đó đã mục ruỗng tận cốt lõi. Ông quy trách nhiệm về sự bất ổn của nhân viên không chỉ cho văn hóa làm việc của Silicon Valley mà còn về mô hình kinh doanh mà ông gọi là “Chủ nghĩa tư bản cổ đông”. Các công ty công nghệ đắm đuối kiếm tiền cho các nhà đầu tư, với chi phí lợi ích của nhân viên. Ngay cả khi một số nhân viên có cổ phiếu, thì số tiền đó cũng chẳng là gì so với tiền chảy vào túi các nhà đầu tư. Những chiêu trò trên, giống như cái kính phù thủy: “đánh lạc hướng nhân viên là họ đang bị móc túi.” David Heinemeier Hanson, cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Ruby on Rails, gọi đó là chứng “Nghiện làm việc nhỏ giọt”, là hậu quả của việc “cố gắng nén một đời làm việc vào chuỗi đánh số dòng tiền của các quỹ đầu tư”.

Tệ hơn nữa, thế giới công nghệ còn biến “cơn nghiện làm việc vì lợi ích của người khác”, thành một phong cách làm việc đáng mơ ước. Họ kêu gọi làm việc từ 9h đến 5h thành 996, từ 9h sáng đến 9h tối 6 ngày một tuần. Elon Musk hô hào: bạn không thể thay đổi thế giới nếu chỉ làm việc 40 giờ một tuần.

Liệu chúng ta có thể sửa được văn hóa mà chúng ta đã tự tạo ra này không? Có thể. Gần đây, các công ty bắt đầu điều chỉnh. Ít nhất là thừa nhận sự ngớ ngẩn của một số “norm”. Sau khi Verge công bố điều tra môi trường làm việc tại Away, công ty khởi nghiệp mới nhận đầu tư $100m, CEO đã phải từ chức vì thường xuyên thả bom tin nhắn Slack kêu gọi nhân viên qua đêm, không cần ngày nghỉ. Sau vụ này, Austen Allred, CEO của Lambada School, đăng lên Twetter: “Tôi nghĩ phải đến 99% các công ty khác cũng thế.”

Thế là cũng đủ, để có người muốn qua trở lại những năm 1950. Không phải vì nửa thế kỷ trước người ta có môi trường làm việc tuyệt hảo. Ron Friedman viết trong cuốn “The Best Place to Work”năm 2014: mọi thứ đều phải trả giá!. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải quay lại định nghĩa cổ điển: văn phòng là nơi chúng ta đến đó để làm xong việc, rồi đi về nhà!

Lời người dịch: 

Tại sao?

Có thể không đồng ý một số điểm, nhưng điều mà tôi thích trong bài này là cách đặt vấn đề. “Chẳng phải văn phòng là chỗ để chúng ta đến làm cho xong việc rồi về nhà.” Thế thì cần gì phải có giường ngủ và ăn tối miễn phí.

Không chỉ có các công ty khởi nghiệp Việt Nam mà ngay cả nhiều khi cá nhân chúng ta cũng cứ cố adua theo danh tiếng, tốn kém hàng mớ tiền, cho đến khi ngớ người ra khi có người hỏi: “tại sao ta lại làm như thế?”

Trước khi quyết định xây văn phòng cho FPT Software, tôi đã tham khảo sư phụ Murthy của Infosys. Câu trả lời của ông đơn giản, bất ngờ và hoàn toàn thuyết phục.  (Tôi đã chia sẻ trong một status có tính đúc kết từ năm 2013)

Công nghệ có thể thay đổi chóng mặt. Nhưng tâm lý con người thì không!

Nguyễn Thành Nam dịch