Bài đăng trên facebook Nguyễn Thành Nam ngày 28/3/2018
Link bài gốc: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211200082546505&set=a.1034375228248.2005759.1491451285&type=3&theater
Giáo dục nhồi nhét
(phát biểu tại Đại học quần hùng Hội – APAIE 2018)
Nhồi nhét, hay gọi văn hoa là giáo dục thụ động, nơi thầy “nói” và học sinh “nghe”, rõ ràng là không hiệu quả. Chẳng cần phải là nhà sư phạm lừng danh mới biết, mà mỗi con người bình thường chúng ta, trong vai trò bố mẹ ắt cũng nhiều lần trong đời phải ngậm ngùi nhận trái đắng khi áp dụng kiểu giáo dục đó với con cái.
Người ta lên án kiểu giáo dục này lâu rồi. Bên Tây thì cả trăm năm, bên Ta, bên Tàu thì cũng phải mấy chục năm.
Báo chí to mồm. Hầu như bài báo nào về giáo dục cũng đả kích việc nhồi nhét. Mạng xã hội sôi sục về các kết quả ngây ngô do các học sinh được nhồi nhét tạo ra. Các nhà khoa học sư phạm đẻ ra vô số các phương pháp mới như lớp học lộn ngược (flipped classroom), giáo dục kiến tạo (constructivism), học đi đôi với hành (learning by doing) etc…
Nhưng hệ thống “nhồi nhét” vẫn hiên ngang trụ vững. Càng nhiều trường, càng đông học sinh, thì càng phải nhồi nhét, mới kịp cho hết giáo ân để sinh viên còn tốt nghiệp.
FUNiX là một trường được thiết kế để chống “nhồi nhét”. Cố gắng thực thi triệt để quan điểm của John Dewey (một nhà tư tưởng giáo dục của Mỹ đầu thế kỷ 20), giáo dục phải là “một quá trình tiến tới mục đích chung, thực hiện bằng cách giao tiếp trực tiếp giữa các cá nhân (sinh viên/thầy giáo) thông qua môi trường vật chất là những chất liệu học tập (bài giảng, bài tập)”.
Chúng tôi thiết kế chương trình bằng cách map các khóa học mở (MOOC) với tiêu chuẩn nhân viên của các công ty công nghệ tiên tiến. Chúng tôi tuyển giáo viên là những người đang làm việc trong nghề, có mong muốn chia sẻ kiến thức. Chúng tôi tuyển học sinh mong muốn tự học và cam kết bỏ thời gian. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ tương tác với nhau.
Website của FUNiX thông báo là trong hơn 2 năm hoạt động, sinh viên và mentor của trường đã tạo ra gần 40,000 bài giảng mini – những cuộc “trò chuyện 1-1” giữa sinh viên và mentor về gần 150 chủ đề, hướng tới mục tiêu chung là sinh viên có thể tham gia sớm nhất hoặc chí ít là không sợ hãi trước cuộc cách mạng 4.0 đang lừ lừ tiến đến.
Từ gần 100 năm trước, Dewey đã nhận định: nguyên nhân chính mà các nhà cải cách chống nhồi nhét thất bại, là họ cũng chỉ làm mỗi một việc là “nhồi nhét” những tư tưởng “chống nhồi nhét” của họ qua các diễn đàn, các khóa học, vốn được thiết kế thuận tiện cho việc “nhồi nhét” chẳng khác gì nhà trường cả.
Chống nhồi nhét, đòi hỏi phải thay đổi không những các phương pháp sư phạm mà phải thay đổi cơ cấu nhân sự, tổ chức hoạt động và thậm chí cả cơ sở vật chất của nhà trường.
Thu hút khoảng 1500 đại biểu mỗi năm, Hội thảo APAIE (Asia-Pacific Association for International Education) tập hợp các nhà hoạch định chính sách giáo dục quốc tế, các học viên và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Hội thảo hướng tới mục tiêu liên kết, nâng cao trình độ chuyên môn và tìm hiểu về những phát triển mới trong giáo dục quốc tế. Diễn ra từ ngày 25-29/3, chủ đề của APAIE 2018 là Tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lên Giáo dục Đại học ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hội thảo có 7 sessions với tổng cộng trên 200 bài trình bày của đại diện nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục uy tín trong khu vực và thế giới. Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia APAIE 2018 ở vai trò speaker, TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX – mang đến bài trình bày, tựa đề “Internet Transforms Challenges into Opportunities” (Internet biến những thách thức thành cơ hội), lúc 9h00-10h30 ngày 28/3. Trong đó, FUNiX Way được xem là một giải pháp tổng thể để giúp người học tự học trên mạng, khai thác hiệu quả kho tri thức khổng lồ và cộng đồng nghề được kết nối. Mục tiêu là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bằng cách sử dụng Internet để kết nối sinh viên trực tiếp với các chuyên gia làm việc tại hiện trường đồng thời tận dụng các nguồn học liệu mở có chất lượng như MOOCs.
Leave a Reply