Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thầy Thích Nhất Hạnh trên một chuyến bay từ New York về San Francisco, tầm hơn 10 năm trước.
Lúc đó ngồi cạnh một ông Mỹ đang chăm chú đọc một cuốn sách. Tôi hỏi sách gì: hóa ra là cuốn “Art of Power” của Thích Nhất Hạnh. Ông lại hỏi tôi đang đọc sách gì? Cuốn “My life at IBM” của Thomas Watson. Cả hai phá ra cười. Mỹ đọc của Việt. Việt đọc của Mỹ. Mỹ thì chưa đọc của Mỹ, còn Việt chưa đọc của Việt.
Cũng có chút tự hào, một cuốn sách của người Việt được phổ biến ở Mỹ, mà không phải về cuộc chiến đã qua, cũng không phải là thơ ca trao đổi văn hóa. Mà lại về một chủ đề rất thời sự ở Mỹ: cách thức sử dụng quyền lực.
Lúc đó mới biết thầy là thiền sư lừng lẫy trên thế giới. Lại nghe nói Làng Mai nổi tiếng. Nhưng sau bận rộn quá, tôi cũng không thật sự quan tâm.
Tình cờ, lần này đi Pháp, dư mấy ngày, lại có người rủ đi Làng Mai. Thế là tôi đi.
Làng Mai đón tôi thật yên bình. Mùa Xuân, cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát trời. Nói Thầy Thích Nhất Hạnh đã tạo ra một chốn có thể gọi là thiên đường từ những trang trại bỏ không vùng nam nước Pháp quả cũng không ngoa.
Không có cảm giác e ngại như khi bạn lần đầu đến một cơ sở tôn giáo. Chỉ là một cái làng bình dị, ở nước Pháp, rất Tây, nhưng tỏa ra ánh sáng của tinh thần Phật giáo làng xã Việt Nam.
Quan điểm của thầy Thích Nhất Hạnh – kết hợp những tư tưởng tôn giáo với ngành tâm lý học đương đại của phương Tây – đã biến Phật giáo trở thành một thứ “Nghệ thuật sống”, có sức hấp dẫn to lớn với công chúng Tây phương đang mệt mỏi về cuộc sống vật chất. Bạn không cần phải ngồi hàng giờ trong chùa xa lạ thần bí, bạn học cách thiền mọi lúc, mọi nơi. Khi ăn, khi đi lại, khi đàm đạo, khi chơi, khi làm việc, khi trình diễn… Tóm lại bạn học cách sống đẹp từng phút từng giây.
Bởi thế Làng Mai đã trở thành một ngôi làng quốc tế, với tăng thân đến từ hơn 40 nước. Tuy tiếng Anh là tiếng chính thức nhưng tất cả các tăng thân nước ngoài đều phải học tiếng Việt. Họ đều là những người có trình độ cao. Sư cô Hiếu Nghiêm, người Anh, trước đây là phóng viên của BBC, phụ trách truyền thông. Lái xe đưa đón bọn tôi ra ga là sư thầy Đức Lượng, người Pháp, cử nhân sinh học, tiếp tục tự học trên mạng các môn liên quan đến thần kinh học y tế. Người dành thời gian nhiều thời gian đàm đạo với chúng tôi về “WakeUp School for Educator” là thầy Pháp Linh vốn có bằng thạc sĩ toán topo từ Đại học Cambridge, đã từng là một nhạc sĩ có tên tuổi ở London trước khi xuất gia.
Chiều, không có BBQ. Bên bờ hồ nước xanh như ngọc, các sư thầy từ Mexico, Đức, Hà Lan … bẻ những búp măng trong bụi tre làng. Măng nướng, măng kho, ăn cơm với xì dầu. Thấy hương vị của làng quê trong đầu lưỡi. Các thầy dạy bọn tôi những bài hát của môn phái. Những bài hát về triết lý xuất phát từ Việt Nam bằng tiếng Anh vang lên giữa nước Pháp. Học mãi mới nhớ được một đoạn lời:
Deep, slow. Calm, ease. Smile, release. Present moment, wonderful moment…
Với tinh thần của người Việt, cộng với cách làm bài bản của Phương Tây, Làng Mai đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt nam ở châu Âu.
Khi chia tay, Pháp Linh nói với tôi: “Nam, đây là hạt giống của văn hóa Việt Nam, mà Thầy đã gìn giữ và gieo nó nảy mầm trên đất Pháp. Hãy giúp Thầy làm cho nó sinh sôi nảy nở ở quê hương của thầy: Việt Nam”.
Chúng ta có cần những hạt giống ấy, khi cũng bắt đầu mệt mỏi với xã hội vật chất, và cả những thứ nhân danh văn hóa nhưng nhuốm màu vật chất?
Leave a Reply