“Hưng thịnh quốc gia” lẽ ra phải là trọng tâm của việc chuyển giao thế hệ. Nhưng vì lẽ nào đó, 10 năm qua, vẫn chưa bao giờ được coi trọng. Để tại hội nghị kỷ niệm 30 năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phải “mắng yêu”: FPT phải đứng ra giải quyết “những bài toán lớn lao” để Việt Nam hưng thịnh.
Bộ trưởng có thể đã không hoàn toàn khách quan. Việc xây dựng được một đế chế phát triển bền vững hơn 30 năm với gần 40 nghìn nhân viên, có mặt toàn thế giới, và về cơ bản không dựa vào nhà nước, không phá hoại môi trường, trong một đất nước còn đang nghèo đói như Việt Nam, đã là một đóng góp to lớn của FPT. Bản thân sự phát triển của FPT đã là lời giải cho một bài toán lớn của các doanh nghiệp Việt Nam “công nghệ quản trị phát triển bền vững”.
Nhưng Bộ trưởng có lý. Càng phát triển, kỳ vọng của xã hội càng cao. FPT có đầy đủ Nhân lực, Vật lực, Thế lực. FPT có thể và sẽ phải giải những “bài toán lớn lao” mà các thế hệ doanh nghiệp sau chưa làm được.
FPT hiện tại thiếu gì? Có lẽ thiếu một giấc mơ thật lớn, giải quyết các vấn đề thật lớn của đất nước. Và rất nhiều hardwork.
Khi chúng tôi sang gặp Infosys, mới bước vào phòng, ông Murthy – một huyền thoại của phần mềm Ấn Độ – đã nói ngay: “Việt Nam đã dám đương đầu với Mỹ thì có gì mà chúng mày không làm được. Vấn đề là chúng mày có muốn làm hay không thôi”.
Có mấy việc “lớn của Việt Nam” mà tôi trăn trở cũng đã lâu, mạnh dạn nêu ra đây. Biết đâu nếu quyết tâm, FPT hoàn toàn có thể biến thành những trụ cột phát triển mới trong 10 năm sắp tới.
Bình ổn giáo dục phổ thông. Giáo dục, đặc biệt là cấp phổ thông, rất cần sự nhất quán. Hiện tại, nền giáo dục phổ thông của Việt Nam bản chất không có vấn đề lớn, đang bị nhiễu vì nặng nề, vì cải cách và thông tin trái ngược. FPT School nên đóng gói, nhân rộng ý tưởng trường chuyên phong cách sống thời đại 4.0, mơ giấc mơ mục tiêu 1 triệu học sinh theo học.
Hỗn loạn giá thuốc. Đa số nhân dân hiện tại không được mua thuốc đúng thuốc, đúng giá. Vừa tốn kém vừa hại sức khỏe.
FPT Farma cần đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần nhà thuốc thông dụng (trừ các thuốc đặc hiệu chỉ bán trong bệnh viện), tiến tới sản xuất một phần thuốc trong nước. Làm được điều đó còn tạo ra vô khối cơ hội để FPT có thể tự sản xuất thuốc.
Giá thành vận tải quá cao. Chi phí logistic (70% là đường bộ) ở Việt Nam là quá cao, khoảng 20% GDP, so với 11% của các nước như Thái Lan và các nước phát triển.
Dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hệ thống vận tải đường bộ, hạ giá thành và thời gian vận tải đường bộ. Có thể kết hợp đường sắt, đường biển, đường thủy. Khách hàng: các công ty vận tải. Người hưởng lợi cuối: nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Chẩn đoán bệnh sớm. Người Việt gần như không được khám bệnh và chẩn đoán bệnh. Chỉ khi phát bệnh nặng mới đến bệnh viện, kể từ các bệnh đơn giản như da liễu.
Dùng Internet của vạn vật (IoT) để xây dựng mạng lưới khám bệnh, thu nhập dữ liệu. Sử dụng AI để giải quyết bài toán chẩn đoán bệnh sớm. Trước mắt tập trung các bệnh đơn giản.
Trước khi đến đây, tôi có ghé qua thăm Tâm Việt school của anh Phan Quốc Việt, Trưởng phòng Marketing đầu tiên của FPT. Trường của anh Việt đang dạy 40 học sinh tự kỷ, đủ thể loại từ nằm ườn đến phá phách. Tây, Tàu đều đã bó tay. Bí kíp của anh, có thể tóm gọn là: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương (theo tên cuốn sách của nữ tác giả người Israel). Cả thế giới đang đến học anh.
Để làm được những việc lớn lao, chúng ta cần tập hợp được những người giỏi nhất: các nhà lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ. Ngược lại, những người giỏi nhất đang đợi những ngọn cờ lớn lao để tụ hợp, để mang thế giới về Việt Nam.
Ta đem thân ta liều cho nước
Ta đem thân ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào
Người dân Việt, lắm chí cao
(trích lời: Nam bộ kháng chiến, tác giả Tạ Thanh Sơn)
Nguyễn Thành Nam
Leave a Reply