Thấy mạng đồn ầm lên là một trong những lý do làm Hà Nội “mờ sương ảnh” là bà con nông dân đốt rơm ngoài đồng. Thấy lạ. Vì xưa nay rơm toàn mang về nhà, sao bây giờ lại bỏ lại.
Nhân tiện sắp đến ngày thành lập FUNiX, liền rủ anh chị em về quê điều nghiên. Quê là nhà của một Dỗ Viên số 1 thế giới (em này là Dỗ Viên số 1 của FUNiX, mà nghề này mới do FUNiX đặt ra). Nép dưới chân đồi, mít ổi lợn gà chó dê đủ cả. Ăn uống no say suýt quên nhiệm vụ điều nghiên vụ rơm bỏ lại đồng. May có mentors (là bố mẹ Dỗ Viên) nhắc.
Đúng tinh thần FUNiX Way, đăng ký là phải học ngay, muốn biết rơm dài hay ngắn, mang về hay bỏ lại, cứ tay liềm tay hái thẳng tiến xuống ruộng cái đã. Vèo một phát bay hết một quãng ruộng. Đang dương dương tự đắc, thấy mentor nữ (mẹ Dỗ Viên) đi theo mắng xa xả: “Mày cắt lúa thế này thì bu đi sau chỉ khóc thôi”.
Hóa ra là mình cắt sát gốc quá. Lạ quá, hỏi mentor nam (tức là bố Dỗ Viên), được giải thích cặn kẽ: “Cắt sát gốc lâu hơn, lại không còn chỗ để xếp lúa đon lại. Nhưng quan trọng nhất là kinh tế. Bây giờ người ta cho thuê máy tuốt tính theo giờ. Anh cắt ngắn, tuốt nhanh, sẽ tiết kiệm được tiền. Ví dụ thế này, cắt như anh, thì cả chỗ này sẽ phải tuốt hết 15 phút, cắt như bu nó kia, chỉ mất độ 5-7 phút, anh rõ chửa.”
Có mentors có khác. Vừa được ăn uống, mắng mỏ, lại được giải thích cặn kẽ rồi cho xe trâu đưa về. Cắt lúa ngắn, rơm rạ phải để lại trên đồng, không đốt đi thì để làm gì. Mấy ông Hà Nội hay kêu thì liên hệ cho về quê lấy rơm nhé.
Leave a Reply