Hôm trước cãi vã với một ông em trên Facebook. Vấn đề thì xưa như trái đất. Công ty ông em bắt đầu ăn nên làm ra thì thiếu người. Cãi nhau là lỗi tại ai.
Thực ra thiếu người là một vấn đề tốt. Tốt hơn thiếu tiền, thiếu ăn rất nhiều. Nhưng đối với một người làm ăn tham vọng, cơ hội thị trường bày ra, mà không có nhân sự xua đi để “chén”, bức xúc cũng là điều dễ hiểu.
Ở quy mô quốc gia cũng vậy. Ngay từ đầu những năm 2000, lãnh đạo ngành CNTT cũng đã hiểu ra là nếu chúng ta giải được bài toán nhân lực, thì có cơ hội lớn để đưa đất nước vượt lên. Chúng ta đã có khẩu hiệu đại loại như “Việt Nam là trường đào tạo cán bộ cho Cách mạng CNTT thế giới”, đào tạo hàng triệu lập trình viên etc… Nghị quyết TƯ, Bộ ngành, doanh nghiệp, trường học bàn bạc chán chê. Các trường cũng đã tận dụng hết công suất của mình. Nhưng ngành phát triển còn nhanh hơn, thiếu càng trầm trọng hơn. Như ông em kể, bọn headhunt nó ăn tiền môi giới của mình xong nó lại xúi quân mình chuyển đi để ăn tiếp. Trong khi ở các công ty CNTT hàng đầu của Ấn độ, tỉ lệ chọi khi xin việc là 1:15 (tức là 15 hồ sơ mới lấy 1 người), thì hiếm có công ty nào ở Việt Nam có tỷ lệ chọi >2. Thật là bi đát!
Bởi thế cần có một cách tiếp cận khác! Chúng tôi gọi đó là FUNIP (FUNiX Industrial Partnership)
Ở FUNiX, chúng tôi tin rằng chỉ có thể giải quyết được bài toán nhân lực của ngành CNTT bằng cách đặt niềm tin vào năng lực tự học của thanh niên Việt Nam. Rất nhiều người nghi ngờ quan điểm này, cho rằng thanh niên ta lười, ăn sẵn, thiếu năng động, etc… Nhưng từ thực tế FPTSoftware, cũng như từ thực tế lịch sử đất nước, chúng tôi tin rằng thanh niên Việt Nam ham học, có năng lực tự học và tìm hiểu công nghệ mới khá nhanh
Nhưng tự học cũng phải học, nếu muốn đến đích sớm và không bị lạc lối.
Nên FUNiX cần có Doanh nghiệp. Mô hình hợp tác FUNIP muốn tạo nên một mô hình học tập kiểu mới. Doanh nghiệp đặt đích đến, là những ngành nghề, có thể cổ điển, cũng có thể rất mới. FUNiX vẽ lộ trình, là curiculum, các assigments, projects, labs cần phải hoàn thành để đến đích đó. Mentors chính là nhân viên của Doanh nghiệp là những người động viên, khuyến khích, chỉ đường. Còn chạy cật lực hay thong thả đi bộ ngắm hoa là hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm của người học.
Mô hình này cộng hưởng được nỗ lực của cả 3 ba bên: người học – nhà trường – doanh nghiệp. Trong mô hình này bằng cấp chỉ là cái chứng nhận cuối cùng khi người học đã thực sự làm chủ được nghề của mình. Chủ yếu là để đi khoe với người khác. Kiểu như leo lên được Vạn lý trường thành thì được cấp cái giấy “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, nếu tiếc tiền thì tự selfie cũng được.
Ông em vỗ đùi: Hay, vậy em cũng là một phần của nhà trường đúng không! Để em mở ngay một nghề mới. Khách có rồi, mà chưa thấy nơi nào đào tạo cả. Nhận được cả trăm chú. Học mấy tháng là đi làm được luôn.
Nguyễn Thành Nam
Leave a Reply