Có rất nhiều lý do đưa người trẻ đến với thành công. Nhưng để luôn tự tin vào chính mình, trở thành người chuyên nghiệp, tạo dựng giá trị cho bản thân và cộng đồng, thì một “chìa khóa mềm” là vô cùng quan trọng. Chìa khóa ấy là gì? Diễn giả Bạch Tuấn Vũ – Phó Phòng Đào tạo FPT Telecom đã cùng chia sẻ, thảo luận và đưa ra lời khuyên quý giá cho các xter FUNiX, những người đã và đang đi theo ngành công nghệ thông tin trong khuôn khổ xDay ngày 5/1 vừa qua.

Qua  chủ đề “Professional Behaviour” (kỹ năng giao tiếp – ứng xử chuyên nghiệp), anh Bạch Tuấn Vũ đã nhiệt tình mang đến những thông tin hữu ích cho các xter về vấn đề giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống cũng như trong công việc, học tập. 

Diễn giả Bạch Tuấn Vũ mang tới xDay 49 chủ đề talk “Professional Behaviour” (Kỹ năng giao tiếp – ứng xử chuyên nghiệp)

Với bất cứ ai, kể cả với người học công nghệ thông tin, học lập trình… thì kĩ năng “mềm” về giao tiếp, ứng xử đều vô cùng quan trọng. Còn với người trẻ, thì những điều này càng có vai trò quyết định trong những bước đi đầu đời, ảnh hưởng to lớn tới bước đường thành công của họ.

Bởi lẽ, người trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, không được trang bị kĩ năng tốt có thể dễ bị chới với, thất bại, từ đó dễ dàng buông xuôi trước thách thức, khó khăn. Với dân học công nghệ thông tin thì điều đó lại càng quan trọng. Hiểu được điều này, Diễn giả Bạch Tuấn Vũ đã có những chia sẻ rất thực tế, cụ thể. Theo anh, có 4 bài học then chốt giúp người trẻ tạo dựng tác phong chuyên nghiệp cho mình.  

Bài học Thứ nhất, đó là sự Tự tin: Tự tin là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng  đến sự chuyên nghiệp của bạn, để có sự tự tin, không gì khác bạn phải có sự trải nghiệm thực tế. Càng va chạm, càng trải nghiệm nhiều, bạn càng rèn luyện được tự tin cho mình, điều mà những lời nói suông, lý thuyết chẳng thể mang lại.

Diễn giả đưa ra các bài học quan trọng để tạo dựng sự chuyên nghiệp, tự tin cho người trẻ

Bài học Thứ hai, muốn tự tin, người trẻ hãy luôn là chính mình. Bạn không thể tự tin khi khoác tấm áo của người khác, giả vờ sống dưới lớp vỏ bọc của một kẻ xa lạ. Khi là chính mình, cùng với giá trị của mình, bạn sẽ tự tin và có nền tảng để bộc lộ khả năng thực sự.

Bài học Thứ ba, cần biết kiểm soát và gọi tên cảm xúc, không để cảm xúc chi phối… Điều này rất quan trọng, giúp làm nên ứng xử chuyên nghiệp trong mọi tình huống của cuộc sống. Thật vậy, một kẻ có cái đầu “nóng”, hành xử tùy tiện theo cảm xúc, chắc chắn không bao giờ đạt được sự chuyên nghiệp trong tác phong, công việc. Và như vậy, họ mãi mãi đứng xa vạch đích của thành công.

Bài học cuối cùng, bài học thứ Tư, bạn trẻ cần biết lắng nghe người đối diện, lắng nghe chính bản thân mình. Biết lắng nghe chân thành, lắng nghe đúng cách giúp bạn trẻ thành công trong giao tiếp.

Các học viên học công nghệ thông tin tại FUNiX đều rất tò mò cũng như đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xung quanh những kiến giải của diễn giả. Liệu chúng ta lắng nghe ra sao với một người không chịu chia sẻ? Và trong thực tế giao tiếp, không phải lúc nào bạn cũng thuận lợi có được đủ sự trải nghiệm để tự tin, cơ hội để lắng nghe hay môi trường để rèn luyện sự chuyên nghiệp!

ưCác xTer FUNiX hào hứng trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề này

Sinh viên FUNiX có nhiều lợi thể để trải nghiệm, học hỏi nhờ các mentor giàu kinh nghiệm và cộng đồng xter FUNiX đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp…

Thì đây, diễn giả Bạch Tuấn Vũ sẵn sàng hiến kế. Với câu hỏi, thế nào là một sinh viên FUNiX “chuyên nghiệp”, anh đã đưa chủ đề của buổi trò chuyện trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với các xter. Anh khẳng định, chuyên nghiệp không phải cái gì xa xôi. Chuyên nghiệp là chuyên tâm, chuyên sâu, chuyên chú về lĩnh vực mà mỗi người theo đuổi.

Một người bán trà đá chuyên nghiệp không chỉ bán trà ngon, mà còn phải có tác phong nhanh nhẹn, nắm được nhiều thông tin, biết khơi gợi câu chuyện để khách hàng – dù chỉ dành dăm ba phút uống chén trà cũng cảm thấy thú vị, vui vẻ và hài lòng. Có như vậy họ mới thu hút được nhiều khách hàng, nuôi dưỡng mối gắn kết với khách quen, và cũng không ngừng mở rộng hiểu biết, kinh nghiệm sống phong phú cho mình nhờ kĩ năng học hỏi.

Sinh viên học lập trình, học công nghệ thông tin ở FUNiX cũng vậy, các bạn đang nắm trong tay một cơ hội rất lớn để làm giàu trải nghiệm, vốn sống, trau dồi sự chuyên nghiệp. Các bạn nên chuyên chú học tập, nắm vững chuyên môn để trở nên thành thạo trong lĩnh vực của mình.

“FUNiX là một môi trường rất mở, tập hợp được hàng ngàn mentor chuyên nghiệp. Xter hãy biết tận dụng, chọn cho mình một người thầy, một mentor thích hợp, hãy cố gắng tương tác thật nhiều để học hỏi, trên cơ sở bám sát mục tiêu của mình. Hãy tự hỏi mình đã chuyên nghiệp chưa và điều gì làm chúng ta chưa chuyên nghiệp? Tìm câu trả lời, khắc phục để hoàn thiện mình… Đó là bạn đang bước tới thành công” – diễn giả chia sẻ.

Bên lề hội thảo, diễn giả Bạch Tuấn Vũ cho biết, các sinh viên FUNiX vô cùng vô cùng có lợi thế đó chính là được tiếp xúc, cọ sát với các sinh viên khác ở nhiều độ tuổi khác nhau! Sinh viên FUNiX dường như hiểu biết rất rõ mục tiêu của mình, cùng với cơ hội được tiếp xúc trao đổi với những người có kinh nghiệm hơn giúp các bạn có được nhiều trải nghiệm.

Có thể nói, dù là ai, ở vị trí nào, là người học công nghệ thông tin hay gì đi nữa thì với những “chìa khóa mềm” mà diễn giả Bạch Tuấn Vũ gợi ý, bạn cũng hoàn toàn có thể rèn luyện để trở thành một người giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp, một người giỏi trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Cùng với bệ phóng từ FUNiX, tin rằng bạn sẽ sớm chạm tới mục tiêu và sự thành công mà mình hướng tới.

Quỳnh Anh