Cao Văn Việt – Quỳnh Anh

Công bố từ đại học Bách Khoa cho thấy, tỉ lệ sinh viên trường này ra trường , tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo lên tới 91%  với phổ lương dao động từ 3 – 60 triệu đồng, trong đó không ít sinh viên mới ra trường đã đạt được mức lương 60 triệu (tương đương 3.000 USD).

Trả lời phỏng vấn trang tin điện tử Cafe F, Đại diện ĐH Bách Khoa, PGS. Văn Hải cho rằng đây là kết quả không bất ngờ vì từ nhiều năm nay ĐH Bách khoa luôn tiến hành các khảo sát tương tự.

“Phổ lương những năm trước cũng đã tiệm cận dần đến mức 60 triệu đồng và dấu mốc 3.000 USD không phải là con số mà đợi đến năm nay sinh viên Bách khoa mới giành được.

photo-0-1495416209883

Ảnh: Cafe F

Không phải bỗng nhiên mà ngay sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên Bách khoa có thể tìm được việc lương cao 3.000 USD. Hầu hết họ đã phải đặt ra mục tiêu này ngay từ năm nhất, định hướng phát triển bản thân, biết mình cần phải học hỏi, rèn luyện như thế nào bởi công việc cho mức thu nhập cao như vậy, hầu hết đều là các doanh nghiệp nước ngoài có tiêu chí chọn lựa nhân sự rất khắt khe”.

photo-1-1495416209885

Phát biểu của PGS Văn Hải – đại diện ĐH Bách Khoa

Phản ứng trước thông tin này, dư luận có không ít ý kiến trái chiều. Trong đó, anh Cao Văn Việt – Mentor Đại học trực tuyến FUNiX, người có 9 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực IT, hiện là teamlead tại FPT Software cảm thán phát biểu: “Bài viết như đạp vào mặt mấy anh hơn chục năm kinh nghiệm”.

Dưới đây là góc nhìn của mentor Cao Văn Việt về chủ đề này.

Lương có thể coi là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các bạn trẻ sau khi ra trường (và cả khi trên ghế nhà trường hay chuẩn bị chọn trường). Điều này xuất phát từ nhiều lý do như sức ép tự nuôi sống bản thân, sức ép từ gia đình, phấn đấu – ganh đua với bạn bè… Coi trọng mức lương không hề xấu, nhưng nếu quá quan tâm đến “lương”, rất có thể sẽ khiến bạn mất đi nhiều cơ hội khác.

Khi nghĩ đến lương, hiện tại hầu hết các bạn quan tâm đến con số – số càng to thì càng tốt, càng chứng tỏ “giá trị” của mình.

Tuy nhiên, con số càng to liệu chắc đã tốt hay không? Câu trả lời là, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Một người có mức lương 60 triệu/ tháng (3.000 USD/tháng) ở Nhật, nhưng chi phí cho ăn một bữa cơm là 200.000 đồng. Còn một người làm ở Việt Nam, tuy nhận lương 10 triệu/tháng (500 USD/tháng), nhưng chi phí cho một bữa cơm trung bình chỉ là 30.000 đồng mà thôi.

Hay, một người làm lương 60 triệu đồng nhưng làm việc tới 200 giờ/tháng, so với người kia lương 20 triệu đồng nhưng chỉ làm 50 giờ/tháng.

Đây chỉ là 2 ví dụ đơn giản, để chúng ta hiểu rằng, con số to và cao chưa chắc đã là “giỏi”, nhiều khi chỉ đơn giản là bạn đang làm việc nhiều hơn, hoặc làm tại một đất nước có mức sống cao hơn Việt Nam mà thôi.

13697031_1161853487211792_6276813024385575596_n

Anh Cao Văn Việt – Mentor Đại học trực tuyến FUNiX, hiện đang là teamlead tại FPT Software

Ngoài ra, còn có một lưu ý rằng, các công ty Việt Nam thường có 2 loại lương: lương hằng tháng và lương thưởng (thường là thưởng cuối năm, 1 số công ty có thưởng phụ hằng quý). Nhiều công ty như FPT Software hay Vietel, tổng thu nhập hằng năm của người lao động thường dao động trong khoảng 14 – 16 tháng lương nhận hàng tháng. Trong khi đó, các công ty nước ngoài thì lương thường chỉ chia đều ra 12 tháng và không có thêm thu nhập nào khác.

Do đó, nếu chỉ nhìn vào con số “lương”, với một người không có kinh nghiệm thì bạn rất dễ mắc vào cái bẫy của một số công ty – số tiền nhận hằng tháng tưởng là cao, nhưng chưa chắc đã cao so với công sức, thời gian và nỗ lực bạn bỏ ra.

Một sinh viên mới ra trường, nếu làm cho các công ty ở Việt Nam, nói tiếng Việt thì chỉ đạt tới mức lương 20 triệu đồng/ tháng đã là mức khá cao. Nhưng có một rủi ro là, nếu bạn không giỏi hay đặc biệt mà dám đòi hỏi mức lương ấy, thì công ty sẽ cho rằng bạn ảo tưởng và đương nhiên từ chối bạn.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ , bà Nguyễn Phương Mai (CEO Navigos Search) cho biết hiện mức lương cấp giám đốc dao động ở Việt Nam mới có thể đạt từ 3.000 – 5.000 USD/tháng.Và, sinh viên mới ra trường đến lao động có hai năm kinh nghiệm mức lương tối đa chỉ vào 800 USD/tháng. Đây là các con số mà tôi cho rằng nó đúng và là phổ biến cho các cty phần mềm Việt Nam”.

Đối với các bạn giỏi tiếng Anh, giỏi tiếng Nhật (ở mức độ giao tiếp thành thạo), các bạn có thể chọn lựa các công ty nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam để ứng tuyển. Tại đó, mức lương có thể cao hơn một chút, nhưng thường không quá 1.000 USD/ tháng cho những ứng viên mới tốt nghiệp. Trường hợp các bạn sang nước ngoài làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore thì hãy cân nhắc mức thu nhập của bạn với thu nhập trung bình của người dân nước sở tại, tính toán chi phí sinh hoạt… xem còn giữ lại được bao nhiêu?

Nếu lương/tiền đang là vấn đề bạn quan tâm số 1, thì bên trên chỉ là một số lưu ý giúp bạn định giá và so sánh lương của mình. Điều quan trọng hơn cả, đó là, sau vài năm, bạn nhận ra rằng, lương hay tiền không phải là tất cả. Ngoài lương, còn có rất nhiều những yếu tố phụ khác khiến bạn có thể khiến bạn có tinh thần để làm việc lâu dài và kéo dài đc tuổi thọ của nghề IT – cái nghề vốn rất khô khan và bạc bẽo này. Đó là yếu tố như văn hóa công ty, quan hệ đồng nghiệp, đời sống tinh thần được công ty chăm sóc ra sao. Yếu tố quan trọng hơn cả, mà bạn nên cân nhắc – so với tiền- lương, đó là tương lai, là cơ hội mà bạn có được sau cả quá trình làm việc.

Và điều tôi muốn nói rằng, bạn sẽ không thể sống cả đời và giàu bằng lương.