Được đánh giá như một mô hình giáo dục độc đáo, nơi trẻ em được rèn luyện và phát triển về tư duy sáng tạo, tính kiên trì và rất nhiều tính cách khác, Creative Gara đang là điểm đến được nhiều trẻ em Hà Thành yêu thích và các phụ huynh ủng hộ.

Vào ngày 4/11 tới đây, Sáng lập Creative Gara – anh Phạm Quý Phúc sẽ là khách mời của chương trình xDay, trò chuyện cùng cộng đồng FUNiX về chủ đề “Creative Gara: Nơi tự do sáng tạo”. Đây là dịp tuyệt vời để xTer, xMen của FUNiX được gặp gỡ và trao đổi với người đàn ông ấp ủ nhiều tâm huyết cũng như ý tưởng khởi nghiệp hướng về giáo dục trẻ em.

Xưởng Creative Gara của Phạm Quý Phúc nằm trong khuôn viên của Thung lũng Stem Valley rộng hơn 1.000 m2 trên phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Đối tượng phục vụ của xưởng là các em nhỏ (từ 3 đến 12 tuổi). Tại đây, các em tự lên ý tưởng, tự tay làm các công đoạn của nghề mộc như đánh mịn gỗ, tô màu, dán keo để hoàn thành những đồ chơi theo ý tưởng của mình. Vào cuối tuần, xưởng tổ chức các lớp có sẵn chủ đề để các em có thể đăng ký những chủ đề yêu thích. Cha mẹ hoàn toàn có thể tham gia làm mộc cùng con qua đó có cơ hội trò chuyện vui chơi, hướng dẫn và chia sẻ niềm vui làm mộc với con mình.

Anh Phạm Quý Phúc khẳng định hoạt động ở xưởng kích thích tư duy, thúc đẩy vận động, hình thành tính kiên nhẫn cho trẻ em.

Theo anh Phúc, Gara là nơi những đứa trẻ đến để thực làm, thực vui chơi và tự do sáng tạo. Các con học được sự kiên nhẫn, kiên trì trong lao động. Chúng được tận mắt chứng kiến những chú thợ mộc cùng các máy móc như máy cưa, máy khoan, máy bào hoạt động. Trẻ sẽ được hướng dẫn để làm ra món đồ mình yêu thích. Nhiều cha mẹ cho biết, bình thường trẻ không phải là người kiên nhẫn, nhưng đến với Gara, các con có thể ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ để làm ra một sản phẩm. Sản phẩm đó có thể không quá đẹp nhưng các con cảm nhận được giá trị của lao động và rất vui vì chính tay mình làm ra.

“Tinh thần yêu lao động và tính sáng tạo là những điều cốt lõi trẻ sẽ học được khi đến với Gara. Nhưng nhiều khi chính các con lại dạy lại cho chúng tôi tính sáng tạo, khiến chúng tôi bay bổng hơn trong công việc” – anh chia sẻ.

“Tôi bắt đầu công việc ở Gara như là một trò chơi thuở bé. Ham chơi hơn ham làm nên tạo được nhiều sản phẩm hay nhưng không đem lại hiệu quả về tài chính. Khó khăn thì nhiều lắm, tìm được một địa điểm rộng rãi và đẹp đẽ trong thành phố chật hẹp là điều không dễ. Không có khuôn mẫu sẵn nên chúng tôi vừa làm vừa mò mẫm. Quá trình tạo sản phẩm, nội dung cũng vất vả. Tạo ra sản phẩm gì cho các con, các con sẽ làm nó như thế nào. Nhiều khi phải làm đi làm lại như một đứa trẻ. Rồi khó khăn về nhân sự. Một công việc vừa đòi hỏi kỹ năng như những người thợ, vừa đòi hỏi phải hiểu biết tâm lý, có thể chơi cùng trẻ, không phải người lớn nào cũng làm được. Rồi đầu tư nhà xưởng, thuê mặt bằng cũng khá tốn kém. Có nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác cùng tôi, nhưng họ đặt nặng vấn đề lợi nhuận nên tôi chưa quyết định hợp tác cùng ai. Làm cho trẻ em điều quan trọng nhất là phải yêu và hiểu trẻ, tôi muốn được đồng hành cùng những người có chung đam mê” – anh tâm sự.

Thời gian tới, Creative Gara sẽ đến các trường học nhiều hơn, vì các trường có không gian rộng lớn, nơi anh Phúc và các cộng sự có thể tiếp cận nhiều trẻ hơn, các em cũng có thể thoải mái sáng tạo hơn.

Coi Creative Gara như một phần không thể thiếu đối với mình sau hơn 3 năm hoạt động, anh Phạm Quý Phúc khẳng định, xưởng là điều ý nghĩa nhất anh từng làm.

Anh cho hay, mình cũng sẽ nghiên cứu để làm thêm về STEM tái chế từ những đồ bỏ đi, dự án này không đem lại kinh tế, nhưng có ý nghĩa cộng đồng: “Có thể, tôi sẽ đầu tư một công ty sản xuất đồ chơi bằng gỗ và sau sẽ phát triển trên các vật liệu khác, tuy nhiên, mục đích của tôi không chỉ là bán đồ chơi mà là bán công cụ. Tôi mong ước gia đình nào cũng sẽ có một gara thu nhỏ. Chỉ cần một bộ hộp dụng cụ, một bức tường hay một góc nào đấy, cha mẹ và các con có thể cùng nhau tạo nên những món đồ chơi, đồ dùng sáng tạo và lý thú”.

Trước Creative Gara, anh Phạm Quý Phúc từng có thời gian làm sách về STEM (sách về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Bộ sách “Tập làm nhà phát minh” giúp anh nảy sinh ý tưởng làm ra những món đồ chơi giàu trí tuệ và sức sáng tạo cho trẻ em.

Sau sách, anh kinh doanh dược phẩm và được học nhiều về các tiêu chuẩn hóa, tính nhân văn. Anh cũng là người rất thành công với thương hiệu xe thăng bằng Babigo.

Để có cơ hội giao lưu với anh Phạm Quý Phúc tại xDay tháng 11/2018 của FUNiX, mời bạn đăng ký tại đây.

Quỳnh Anh (tổng hợp)

xDay là sự kiện offline vào sáng chủ nhật đầu tiên hàng tháng do FUNiX tổ chức, là không gian cho các học viên và mentor FUNiX giao lưu, gặp gỡ.

Trong khuôn khổ xDay, ngoài các hoạt động nội bộ như Lễ khai giảng và tôn vinh, FUNiX luôn mời các chuyên gia trong ngành CNTT hay các lĩnh vực khác nhau tới tham dự nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành, cũng như mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.

Tới xDay, ngoài được nghe các diễn giả chia sẻ, mọi người còn được tham gia xBeer “bữa trưa vui vẻ”. Đây là không gian để mọi người có thể trao đổi và trò chuyện sảng khoái về tất cả những chủ đề đang “hot”.