Khác với mọi năm, năm nay Mentor FUNiX du xuân đầu năm cũng có….tí khác, chúng tôi cùng nhau quay về nguồn cội, tìm về nơi lưu giữ lịch sử quá trình hình thành và phát triển CNTT trên thế giới và ở Việt Nam. Và nghe đâu đây là bảo tàng CNTT đầu tiên ở Việt Nam mà hướng dẫn viên chính là tác giả – TS Nguyễn Chí Công – một trong những chuyên gia CNTT kỳ cựu của Việt Nam.

Từ thập kỷ 70, ông đã cùng đồng nghiệp làm những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam và cũng là của châu Á. Ông là nhân chứng sống, là người trải nghiệm trong suốt quá trình hình thành và phát triển CNTT ở Việt Nam cho đến ngày nay. 

Đón tiếp đoàn FUNiX là TS Nguyễn Chí Công – vị trưởng bối CNTT ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ông trông trẻ khỏe hơn tuổi rất nhiều, dáng người tầm thước, nhanh nhẹn.

Chọn ngày mồng 7 tháng giêng, ngày thứ hai sau khi mọi người đi làm để đến thăm bảo tàng tại số nhà 89, ngõ 41 Đông Tác (cạnh Nhà Văn hoá C14, Khu tập thể Kim Liên). Ngôi nhà nằm tĩnh lặng trong một con ngõ nhỏ, cách xa nơi phố xá đông đúc, ồn ào. Chúng tôi gồm các mentor ở nhiều lĩnh vực, từ mentor các môn lý luận chính trị đến mentor các môn về CNTT, không ai bảo ai cùng háo hức cho cuộc viếng thăm thú vị này. 

FUNiX tới thăm Bảo tàng CNTT Việt Nam dịp đầu xuân Canh Tý

Founder Nguyễn Thành Nam với ý tưởng đưa mentor đi tham quan bảo tàng để gợi mở thêm cách thức mentoring tới xTer cho các mentor: Hiện vật ở bảo tàng, các nhân vật, sự kiện lịch sử sẽ có sức thuyết phục lớn tới nhận thức của mọi người hơn là với sách giáo khoa nặng về câu chữ, số liệu… không gây ấn tượng sâu. Tương tự FUNiX Way, đây là một trong nhiều hình thức giảng dạy mang lại hiệu quả cao hơn cách giảng dạy truyền thống.

Hiện vật ở bảo tàng, các nhân vật, sự kiện lịch sử sẽ có sức thuyết phục lớn tới nhận thức của mọi người hơn là với sách giáo khoa nặng về câu chữ, số liệu.

Đón tiếp chúng tôi, khác với hình dung của tôi về một trưởng bối CNTT ở tuổi thất thập cổ lai hy, TS Nguyễn Chí Công trông trẻ khỏe hơn tuổi rất nhiều, dáng người tầm thước, nhanh nhẹn. Giọng nói ông vẫn sang sảng và tràn đầy hứng khởi trong suốt hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ thuyết minh cho đoàn của chúng tôi. Ông nói không ngừng nghỉ và chỉ dừng lại khi có câu hỏi ngoài lề của mentor khi muốn tìm hiểu sâu hơn về một vấn đề nào đó. Kể cả vấn đề ngoài lề hay “ngoài chính sử”, ông vẫn khiến chúng tôi trầm trồ ngạc nhiên, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đôi khi xen lẫn cả sự tiếc nuối những thời điểm vàng trong quá khứ bị lỗi nhịp bởi hoàn cảnh lịch sử…

Năm 1977, đề án thiết kế chế tạo máy vi tính đầu tiên ở Việt Nam của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. VT80 không hề kém chiếc máy vi tính đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới năm 1975 (Altair 8800). Tuy nhiên, mọi công việc đang diễn ra thuận lợi thì đất nước lại lâm vào cảnh chiến tranh với cuộc chiến chống Khmer Đỏ và cứu Campuchia khỏi họa diệt chủng và sau đó là chiến tranh biên giới phía Bắc.  

Theo TS Nguyễn Chí Công, thời kỳ bao cấp với nhiều khó khăn đã khiến cho họ không thể phát triển tiếp được các mẫu máy tính mới. Thời kỳ đổi mới sau đó cũng đã đến nhưng các công ty tin học lại đi buôn máy vi tính của Phương Tây và Đông Nam Á cho các nước XHCN. Rất tiếc là do hoàn cảnh khó khăn, cũng có thể là do quyết tâm chưa đủ lớn của những người có trách nhiệm và cũng có thể do hướng đi của ngành KHCN nước nhà mà Việt Nam, cho đến nay, đã không có một ngành sản xuất máy tính mà đáng ra nó phải có, thậm chí là thuộc những quốc gia đi đầu trong sản xuất máy tính.

Giọng ông tràn đầy nuối tiếc khi không mang về bảo tàng để trưng bày được những máy tính cỡ lớn Minsk do Liên Xô sản xuất xưa kia của các cơ quan như Viện Công nghệ Thông tin, Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học Công nghệ), Trung tâm Máy tính Quân đội… do tất cả đều bị chủ nhân của nó thanh lý cho đồng nát từ nhiều năm trước.

Mentor Quách Bình sau buổi tham quan đã chia sẻ rằng: “Người ngoại đạo như chị nếu chỉ xem hiện vật và hình ảnh thì đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa, nhưng khi được nghe bác Công hướng dẫn thuyết trình và kể những câu chuyện theo dòng thời gian và sự kiện, thực sự bị cuốn vào mải miết mấy giờ đồng hồ hết ngạc nhiên này đến sự ngưỡng mộ khác với các tiền nhân, thế hệ cha anh những người tuyệt vời như bác Công đã ghi dấu trên bản đồ CNTT thế giới và nước nhà, tạo ra những sản phẩm CNTT từ rất rất sớm đã và đang ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.”

Mentor môn Triết học chị Ngụy Liễu chia sẻ rằng: “Đây là một buổi du xuân rất nhiều ý nghĩa. Nó cung cấp cho chị một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của công nghệ nói chung và những đóng góp bằng tài trí của người Việt Nam trong sự phát triển của lĩnh vực này nói riêng. Nó cũng làm thay đổi suy nghĩ của chị, trước đây, chị nghĩ chúng ta rất nhỏ bé so với thế giới và về nền tảng công nghệ thì chúng ta cần phải có nhiều thời gian nữa mới theo kịp thì giờ đây chị đã có cái nhìn khác và kì vọng mới về sự phát triển CNTT ở Việt Nam”.

Thú thật là trong suốt hơn hai giờ đồng hồ nghe TS Nguyễn Chí Công kể lại câu chuyện lịch sử về ngành CNTT thế giới và Việt Nam, tôi hoàn toàn bị “ngợp” vì không hiểu sao TS có thể sắp xếp được thời gian và năng lượng để làm nhiều thứ đến thế: TS là một trong những người đặt nền móng cho FPT, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam, cũng từng là giảng viên ở nước ngoài, đồng thời có vốn kiến thức nền rất rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện tại, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục các dự án cá nhân: Ông là chủ trang web http://360.hncity.org/ (chuyên review các địa điểm du lịch quanh Hà Nội – ông tự đi chụp ảnh, tự phỏng vấn người dân để tổng hợp + viết thông tin và tự code web post bài như một sở thích) và http://dongtac.hncity.org (tuyển tập các bài do ông sưu tầm và tự viết).

Người Việt Nam trước giờ không mê lịch sử, CNTT hiện tại lại đang là ngành “hot”, đầu năm đi thăm bảo tàng CNTT nhắc nhở chúng ta cần phải giữ lại cho đời sau hiểu, trên thực tế ngành CNTT Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên từ rất sớm. Nếu như mỗi người trong ngành tin học đều có ý thức về lưu giữ lịch sử thì ý định sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Tin học chắc chắn sẽ thành công và ý nghĩa hơn. Khi đó, các thế hệ kế cận sẽ dễ dàng biết đến thuở hàn vi của các thế hệ đi trước nếu có dịp ghé thăm bảo tàng này, Những nỗ lực của cá nhân TS Nguyễn Chí Công cùng những người đã đóng góp kỷ vật là điều rất đáng được trân trọng và tôi mong sao bảo tàng sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng trong giai đoạn hai, được chăm chút đầu tư nhiều hơn để hấp dẫn khách tham quan và hỗ trợ hoạt động giáo dục nhiều hơn nữa.

Hoàng Thu Trang