Khởi nghiệp với dân CNTT nói riêng, và bất cứ ai  máu lửa mong muốn làm chủ là một con đường thử thách nhưng cũng hứa hẹn những trái ngọt. Người ta quen nghe nhiều về Khởi nghiệp, nhưng môn học “Khởi nghiệp” lại khá lạ lẫm với nhiều người.

Cùng gặp gỡ với anh Trần Đình Khâm – mentor môn Khởi nghiệp của FUNiX để tìm hiểu thêm về môn học vừa lạ vừa quen này nhé!

PV: Chào anh, trước hết xin cảm ơn anh đã nhận lời chia sẻ cùng FUNiX. Xin anh cho biết, cơ duyên nào đã đưa anh đến với FUNiX và trở thành mentor môn Khởi nghiệp của trường ?

Mentor Khâm Trần: Trước tôi cũng từng làm ở FPT Software 2 năm, rất thích thú với văn hóa doanh nghiệp mà FPT đã dày công xây dựng, không đơn giản. Tôi có nhiều bạn bè ở FPT nên cũng có theo dõi FUNiX một thời gian dài. Khi được mời làm mentor môn khởi nghiệp, dù khá bận rộn nhưng rất thích thú. Mong muốn của tôi là đưa được một góc nhìn thực tế hơn cho các bạn sinh viên về cách tư duy trong môn học này nên tôi nhận lời tham gia mà không cần đắn đo nhiều.

PV: Anh đánh giá như thế nào về FUNiX Way cũng như mô hình đại học trực tuyến của FUNiX?

Mentor Khâm Trần: FUNiX là cách đào tạo không mới ở nhiều nước phát triển nhưng ở Việt Nam rõ ràng là còn rất mới. Các bạn có thói quen đến trường đến lớp để học, các giảng viên có thói quen dạy lại những kiến thức lý thuyết cơ bản bậc đại học, điều này vô hình chung khiến cho sinh viên có tính thụ động khá cao và thiếu tính thực tế, nên khi mới ra trường, đa số các bạn học theo cách cũ rất vất vả để khẳng định mình, đôi khi còn cảm thấy sốc vì vừa bước vào một môi trường thực khác hoàn toàn.

Đối với con đường sự nghiệp của mỗi người, việc chủ động cho bản thân, thiết lập các mối quan hệ với các chuyên gia (ở đây là mentor) thật sự có ý nghĩa và giúp các bạn nâng bước trên con đường mình đã chọn.

Dù rất khó khăn nhưng thế hệ chúng tôi, thật sự chưa bao giờ có cơ hội và điều kiện tốt đến vậy. Những hiểu biết cơ bản của nền tảng thành công có khi phải 5-7 năm mới tự nhận ra.

FUNiX đang đi rất đúng hướng của đào tạo, nhất là câu ‘“Lý thuyết chỉ là một màu xám xịt, chỉ có cây đời mới mãi mãi xanh tươi”, việc học trên sách vở, đừng nói sách vở của nhiều năm về trước mà ngay thời đại IoT hiện nay, chỉ sau vài tháng đã là lạc hậu rồi. Cho nên, đào tạo tư duy thực tiễn và khả năng chủ động tự học hỏi mới là nền tảng của phát triển thời đại.

PV: Theo anh, học khởi nghiệp có khó hay không, và tầm quan trọng của việc đưa môn học này vào chương trình đại học CNTT mà FUNiX đang triển khai là như thế nào?

Mentor Khâm Trần: Học thì cái gì cũng không khó, chỉ có làm mới khó. Thành công của một con người là khả năng thực thi của họ chứ không phải khả năng học sách vở tốt đến đâu. Gạo chỉ có thể thành cơm nếu bạn bắt tay vào nấu. Như tôi đã nói, rèn luyện sự chủ động trong mỗi con người là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển bản thân và tổ chức, một tổ chức gồm nhiều con người thụ động là một tổ chức không thể phát triển.

Rõ ràng, các kiến thức về khởi nghiệp không phải là quan trọng, mà cách tư duy về khởi nghiệp mới là cái quan trọng nhất. Cho nên, tôi thật sự mong muốn các bạn sinh viên khi học môn này, đó là xây dựng tinh thần làm chủ, cách suy nghĩ của 1 người làm chủ ngay cả khi bạn đang đi làm thuê. Điều đó tốt cho tương lai của bạn và công ty bạn đang làm.

Môn học khởi nghiệp nên được hiểu là môn rèn luyện tinh thần khởi nghiệp. Nếu ai xây dựng được tinh thần này, người đó chắc chắn thành công.

PV: Là một mentor, anh thường sử dụng phương pháp giảng dạy nào để sinh viên, đồng nghiệp hoặc cấp dưới dễ dàng tiếp thu kiến thức? Ở FUNiX, quan điểm về giảng dạy của anh là gì?

Mentor Khâm Trần: Tôi yêu thích cách thức xây dựng tư duy hơn là giảng dạy kiến thức, đúng/sai với tôi chỉ là góc nhìn. Mỗi một ngành nghề có những triết lý riêng, tôi thích bắt đầu từ chủ thể của vấn đề, xây dựng góc nhìn chứ không phải xây dựng kiến thức. Tôi thích sự chủ động và chấp nhận sai lầm, đó là nguồn gốc của sự phát triển.  Cho nên trước khi là một thinker, bạn hãy là một doer và hãy bắt tay vào làm thay vì ngồi suy nghĩ về cái được học.

Với môn khởi nghiệp, như tôi đã nói, tôi thích huấn luyện tinh thần khởi nghiệp và chỉ có tinh thần khởi nghiệp mới là cái thật sự cần thiết cho mỗi con người. Mọi kiến thức chỉ là giáo điều và chung chung, cố nhớ chỉ để quên, nhưng tinh thần, bản lĩnh mới là thức cần vui đắp. Nếu bạn sinh viên nào đó phải vì quy chế ép buộc phải có ít nhất 8 câu hỏi cho mentor mới qua thì theo tôi bạn đố đã thất bại ngay trong suy nghĩ. Rèn luyện thói quen chủ động, liên tục đổi mới mình mới là thứ cần thiết trong môn học này. Bởi vậy, những học trò của tôi trong tương lai, phải hiểu rõ: Hỏi ngu cũng được, nhưng nó phải xuất phát từ mong muốn làm chủ bản thân, chứ không phải xuất phát từ học hành phải thế. Tôi sẵn sàng tranh luận và trả lời những câu hỏi của các bạn với một TINH THẦN KHỞI NGHIỆP.

Xin cảm ơn anh!

Mentor Trần Đình Khâm, xuất thân là một Lập trình viên, hiện giờ đang vận hành hi doanh nghiệp hoạt động trong mảng Nông nghiệp: Trang trại và dịch vụ với Nông nghiệp độ thị, vận hành 100% hữu cơ.

Ngoài là mentor môn Khởi nghiệp, anh Khâm cho biết anh có thể hỗ trợ cho các bạn về Tư duy lập trình, Nhân sự, Marketing, Tư duy tài chính, Bán hàng và dĩ nhiên là Nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ được các thành viên trong cộng đồng FUNiX ở thực tế cuộc sống và việc làm.

Entrepreneurship – Khởi nghiệp là một trong năm môn học thuộc Chứng chỉ 4 của FUNiX –  Industry Attachment Certificate – Chứng chỉ thông thạo môi trường làm việc CNTT

Những sai lầm trong khởi nghiệp