Là giảng viên lâu năm Đại học FPT, anh Hoàng Xuân Sơn từng đồng hành với rất nhiều sinh viên, cho ra lò những dự án tốt nghiệp được doanh nghiệp săn đón từ chính các ý tưởng, dự án tốt nghiệp này.

Mentor Hoàng Xuân Sơn cho biết, anh rất thích thú với công việc của một thầy giáo online. Ảnh: NVCC.

Ngoài việc là một mentor mới phụ trách bộ môn IOT của FUNiX, anh Hoàng Xuân Sơn còn có nhiều đóng góp cho mảng phát triển chương trình của FUNiX. Thời gian hoạt động chưa lâu nhưng anh Sơn cũng rất thích thú với công việc của một thầy giáo online.

Tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Sơn sau đó đã có nhiều năm công tác tại các công ty, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội trước khi chọn đầu quân vào làm giảng viên Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc.

Với 5 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học FPT, anh Sơn là một người thầy đã từng ghi dấu ấn với nhiều khóa sinh viên Công nghệ thông tin, đồng hành cùng sinh viên với nhiều dự án tốt nghiệp được đánh giá cao, thậm chí ra lò những các sản phẩm công nghệ được doanh nghiệp săn đón từ chính các ý tưởng, dự án tốt nghiệp này.

Được một đồng nghiệp giới thiệu về FUNiX, anh Sơn đã nhanh chóng tham gia và ấn tượng với công việc thú vị cũng như cơ hội học hỏi thêm nhiều điều mới lạ ở môi trường giáo dục độc đáo nơi đây. Sau một thời gian làm việc tại FUNiX, vừa với vai trò mentor, vừa với vai trò xây dựng một khóa học online cho trường, anh chia sẻ cảm nhận của mình là hình thức học online có những điểm rất tích cực như: Các nội dung đưa vào chương trình đều được chọn lọc kỹ lưỡng, có nhiều hình thức truyền đạt kiến thức (video, text, test online…) và sinh viên có thể dễ dàng xem lại bài học, “nên chất lượng học tập cũng không thua kém học offline, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn” – anh nhận xét.

Tất nhiên, hình thức học này cũng có một số hạn chế nhất định như: Do mentor và sinh viên không được gặp trực tiếp nên việc đánh giá (chấm điểm) hơi cứng nhắc, mất nhiều thời gian. “Phần này có thể FUNiX cũng sẽ tìm hiểu và cải tiến cho phù hợp hơn với từng môn học. Nếu có thể nên cải tiến quy trình chấm điểm/ đánh giá sao cho thuận tiện hơn và cân nhắc phát triển thêm công cụ hỗ trợ việc mentor theo hướng đa phương tiện giúp tiết kiệm thời gian của học viên và mentor.” – anh Sơn “hiến kế”.

Trong quá trình mentoring, có những tình huống khiến anh ấn tượng như trường hợp một sinh viên đặt câu hỏi: “Tại sao lại nối chân một chân Led vào chân “tiêu cực” của nguồn điện?

“Mình đoán chắc bạn ấy đọc tài liệu hướng dẫn có từ “negative” nghĩa là “cực âm” của nguồn điện thì bạn lại dịch là tiêu cực nên không hiểu câu đó nghĩa là gì. Đây có lẽ là câu hỏi “ngờ nghệch” nếu người hỏi là một sinh viên kỹ thuật, nhưng bạn sinh viên đó lại học ngành kinh tế nên câu hỏi đó lại là một câu hỏi bình thường” – anh vui vẻ kể lại.

Nếu có “mentor” chắc chắn sẽ giúp ta đi nhanh và đúng hướng hơn, anh Sơn cho biết. Ảnh: NVCC.

Liên quan tới quy định “phải hỏi khi học” của FUNiX, anh Sơn nói, trong quá trình trợ giúp cho sinh viên, đôi khi anh thấy có những câu hỏi quá dễ hoặc không liên quan lắm đến môn học – có lẽ là do sinh viên hỏi để “cho đủ chỉ tiêu”, khiến thầy giáo cảm thấy hơi hài hước. Dù vậy anh vẫn vui vẻ trả lời và hi vọng, biết đâu đó là những mối quan tâm thật sự của các bạn. Quan trọng hơn, anh hi vọng sinh viên FUNiX sẽ biết tận dụng cơ hội được hỏi của mình một cách tốt hơn nữa, giúp ích cho quá trình học tập.

Là một người có quan điểm sống đơn giản, anh Sơn chia sẻ anh luôn tôn trọng quan điểm sống của mỗi cá nhân và không đòi hỏi nhiều ở những người xung quanh.

Với câu hỏi trong cuộc sống, anh có “mentor” nào không? Anh chia sẻ –  “Nếu có “mentor” chắc chắn sẽ giúp ta đi nhanh và đúng hướng hơn. Mentor ở đây có thể là người thân, có thể là một nhân vật có uy tín nào đó, mình sẽ học hỏi từ họ những thói quen, cách nghĩ tích cực, cách hành động… qua đó giúp nhìn nhận cuộc sống rõ ràng và đơn giản hơn”.

Nguyễn Quỳnh