Là một mentor mới tinh của FUNiX phụ trách môn IoT (Internet of Things), anh Lê Thanh Hải (43 tuổi) còn có một đam mê rất lớn với máy bay mô hình.

Gia nhập FUNiX từ năm 2018, mentor Lê Thanh Hải tham gia mentoring ở môn Internet of Things. Ảnh: NVCC.

Làm công tác giảng dạy Công nghệ thông tin tại ĐH FPT, mới đây thầy giáo Lê Thanh Hải đã được FUNiX mời về làm mentor ở  môn IoT (Internet of Things). Đây là lần đầu tiên anh trải nghiệm công việc của một nhà giáo online song nó đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm thú vị.

“Tôi thực sự thấy công việc rất hay vì vừa  được tăng thêm thu nhập qua việc giảng dạy,  vừa được tiếp cận một mô hình dạy học mới mẻ, có thể sẽ là mô hình chiếm tỷ lệ lớn trong tương lai. Điều thú vị thứ hai mà tôi thấy rất “sướng”, đó là hầu hết sinh viên của mình đều là đối tượng có nhu cầu học thực sự. Họ “khát” kiến thức, họ cần kỹ năng, họ thực sự muốn được nghe mình chia sẻ.  Điều đó cũng giống như việc vợ nấu ăn cho chồng mà chồng ăn hết sạch vậy, chẳng cần khen thì bà vợ cũng sướng trong lòng…” – anh hóm hỉnh so sánh.

Ngoài giảng dạy, anh Lê Thanh Hải có một sở thích khá đặc biệt, đó là làm máy bay mô hình.

Thú chơi khá khó, nhưng đầy thử thách và quyến rũ anh Hải suốt 6 năm qua. Anh cho biết, “cơ duyên” đến với máy bay mô hình bắt đầu từ năm 2013.

Ngoài giảng dạy, anh Lê Thanh Hải có một sở thích khá đặc biệt, đó là làm máy bay mô hình. Ảnh: NVCC.

“Một lần, tôi được xem trình diễn máy bay mô hình trên mạng và “mê” luôn từ đó. Tôi tự tìm hiểu trên Internet, tham gia các diễn đàn của những người cùng sở thích trong và ngoài nước nhằm học hỏi và từ từ làm chủ những sản phẩm rất thú vị và mới lạ này” – anh Hải chia sẻ.

Bên anh đó, anh cũng phải tự mình học hỏi để nâng cao một số kỹ năng về thiết kế đồ họa phục vụ cho thiết kế mẫu mô hình máy bay bất kỳ, thiết kế mạch đèn nháy cho máy bay theo ý muốn. Cũng nhờ chơi máy bay mô hình, anh đã thành công trong việc quấn lại motor – trái tim của máy bay khi bị cháy, hỏng; sửa chữa được các linh kiện điện tử khác của máy bay khi bị lỗi.

Mất khoảng một tháng để đưa được chiếc máy bay mô hình đầu tiên bay được lên trên bầu trời, anh Hải đã vỡ òa trong những cảm xúc khó tả “chân tay run, miệng cứng đờ”. “Ấy là khi bạn tự chơi một mình, còn nếu có người trước hướng dẫn thì thời gian có thể rút ngắn hơn nhiều. Tuy nhiên, mọi cái đều có giá của nó, nếu bạn tự nghiên cứu, tìm hiểu, thời gian có thể hơi lâu một chút, nhưng bạn sẽ làm chủ được mọi thứ của môn chơi thú vị này.” – anh chia sẻ . Thành công ban đầu khiến anh có thêm động lực để tiếp tục nuôi dưỡng sở thích, đam mê của mình.

Mentor Lê Thanh Hải và những người bạn có cùng sở thích trong một ngày tụ hội để trình diễn máy bay. Ảnh: NVCC.

“Ban đầu tôi thường một mình nghiên cứu và tự chơi nên không có cảm giác “bay”, thường xuyên lo sợ máy bay của mình mất hoặc gặp tai nạn. Có chiếc máy bay tôi chỉ mất khoảng 1 – 2 ngày để làm xong, cũng có chiếc, phải trầy trật cả năm trời, nghiên cứu – dừng lại – rồi tiếp tục nghiên cứu mới hoàn thành được. Tuy gian nan nhưng thực sự hạnh phúc, càng chơi, càng mê” – anh Hải khẳng định.

Thông qua Facebook và Youtube, các sinh viên, học sinh trong biết đến anh Hải và thú chơi máy bay mô hình của anh. Nhiều bạn chung đam mê, đã chủ động tìm đến thầy để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Vui vì điều đó, anh thường sẵn sàng dành thời gian chỉ bảo tường tận cho các học trò.

“Thỉnh thoảng mấy thầy trò mang máy bay ra cánh đồng để thử nghiệm, máy bay rơi là cả thầy trò túa đi tìm: lội bùn, lội ruộng, vào làng, trèo nóc nhà dân… thậm chí đi bộ cả vài kilomet để tìm máy bay.  Có lần chúng tôi tập bay ở cánh đồng, bị nhiễu sóng nên mất điều khiển, bay vào tận khu KTX 5 tầng của sinh viên nữ, bảo vệ nhìn thấy nam giới nên nhất định không cho vào, bảo đi nhặt máy bay mô hình thì họ ngơ ngác không biết là gì, mãi sau họ mới đồng ý cùng leo lên tầng thượng nhặt xem thực hư thế nào” – anh Hải nhớ lại những kỉ niệm vừa hài vừa bi khi cùng sinh viên của mình chơi máy bay mô hình.

Một trong hai chiếc máy bay dòng chở khách Boeing 787 dreamliner sải cánh 3.3m, dài 3.15m của mentor Lê Thanh Hải dự kiến cuối năm nay hoàn thành. Ảnh: NVCC.

Sở hữu hơn chục chiếc máy bay mô hình “có số má”, mới đây, anh Lê Thanh Hải lại cho ra đời hai chiếc  dòng chở khách đó là một chiếc ATR 72 sải cánh 2.3m, chiều dài 2.2m làm theo đúng tỷ lệ và các chi tiết của máy bay thật, dự kiến chiều chủ nhật 22/7 này sẽ bay thử nghiệm.

Chiếc thứ 2 là Boeing 787 dreamliner sải cánh 3.3m, dài 3.15m cũng theo đúng tỷ lệ, có chi tiết đến cả cánh tà, phanh gió, hệ thống động cơ, càng gập,… và trang trí của Vietnam Airline, dự kiến cuối năm nay mới hoàn thành.

“Đây là chiếc máy bay mô hình dòng chở khách to và chi tiết nhất ở Việt Nam mà mình từng biết, quá trình thiết kế, cắt chi tiết, lắp ghép thử nghiệm đã mất hơn 1 năm rồi” – anh tâm sự.

Nguyễn Quỳnh