VnExpress – Tốt nghiệp THPT, thay vì học đại học truyền thống, Lâm Thị Yến Nhung (sinh năm 2001) học online tại FUNiX để theo đuổi niềm đam mê CNTT.

Yêu thích máy tính, Lâm Thị Yến Nhung – nữ sinh 18 tuổi người Sóc Trăng bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực CNTT từ nhỏ. Cấp 2, Nhung đã nhiều lần được thầy cô chọn đi thi Học sinh giỏi môn Tin học. Qua bạn bè, Internet, Nhung càng hiểu hơn về triển vọng của ngành này.

Mô hình startup công nghệ cũng hấp dẫn nữ sinh. Nhung cho biết, một người quen học CNTT đã cùng bạn bè mở công ty riêng và hiện vận hành thành công ngay tại quê nhà. Đó là một tấm gương giúp cô thêm động lực học tập để thực hiện ước mơ trở thành lập trình viên giỏi, có thể tự khởi nghiệp, mở công ty CNTT riêng trong tương lai.

Xác định được hướng đi, song học ở đâu, và làm thế nào để đạt mục tiêu là chặng đường dài với nữ sinh Sóc Trăng. Sau hơn hai năm tìm hiểu, so sánh với các trường đào tạo CNTT khác, đánh giá năng lực bản thân cũng như cân nhắc điều kiện học tập, Nhung quyết định không đăng ký học đại học truyền thống mà trở thành sinh viên CNTT trực tuyến tại FUNiX.

Mục tiêu của Nhung là chuyên tâm học tập ít nhất một đến hai năm rồi mới đi làm để có thể trau dồi kiến thức cũng như lấy bằng Đại học CNTT.

“Hình thức học tại FUNiX linh hoạt, có thể online giao lưu với bạn bè và anh chị khóa trước, hỏi đáp với mentor giàu kinh nghiệm… Đặc biệt, tại đây, em có thể chủ động đi làm sớm hoặc vừa học vừa làm”, Yến Nhung phân tích.

Khi lựa chọn học CNTT, gia đình Nhung không tán thành vì quan niệm con gái không nên học công nghệ. Nhung vẫn quyết chọn con đường trở thành lập trình viên để chứng minh con gái không hề thua con trai trong lĩnh vực này.

Ba mẹ làm nông với hơn hai mẫu lúa và hoa màu, lại là con gái lớn trong gia đình nên Nhung dành phần lớn thời gian giúp đỡ ba mẹ. Hàng ngày, Nhung phụ việc đồng áng, việc nhà. Từ xế chiều và buổi tối, cô mới bắt đầu học online, hỏi mentor và luyện thêm tiếng Anh.

Sau hơn 10 ngày học ở FUNiX, cảm nhận lớn nhất của Nhung là “rất vui, vui hơn trên lớp”. Được mentor và Hannah nhiệt tình hỗ trợ, vừa học vừa được giao lưu, trao đổi với các anh chị, bạn bè mọi miền khiến cô bạn thêm hứng thú với việc học.

Tiếp xúc nhiều với máy tính, nhưng trước đây Nhung chưa rành việc khai thác, sử dụng máy và mạng Internet sao cho hiệu quả nhất. Vì vậy các bài học ở Chứng chỉ 1 – Công dân số rất hữu ích với cô gái Sóc Trăng. Từ một cô học trò cấp ba vẫn còn bỡ ngỡ với email và chỉ biết tìm kiếm đơn giản, hiện Nhung đã biết sử dụng những tính năng sâu hơn của các công cụ online như Facebook, Google và biết khai thác chiếc máy vi tính hiệu quả hơn.

“Một trong những giá trị lớn nhất khi đi học tại FUNiX là được trực tiếp hỏi các chuyên gia công nghệ đang làm việc trong nghề. Em thường xuyên đặt câu hỏi và được mentor giải đáp cặn kẽ, giúp em nhanh chóng hiểu, nắm được kiến thức”, Nhung chia sẻ.

Nữ sinh Sóc Trăng ấn tượng nhất với mentor Lê Hoàng Việt – một mentor có phong cách gần gũi, giảng bài dễ hiểu và nhiệt tình. “Em thường không hỏi chỉ một câu, mà hay đặt ra nhiều câu hỏi móc nối với nhau. Mentor Việt cũng nhiệt tình giải đáp từng bước một. Mentor không hạn chế về thời gian hỏi, bất cứ khi nào có thắc mắc em đều có thể kết nối để được giải đáp”, Nhung nói.

Theo Nhung, Tiếng Anh yếu là một điểm bất lợi để học tốt. Vì vậy, ngoài FUNiX, Nhung còn chăm chỉ học thêm ngoại ngữ. Vừa tham gia các lớp học thêm, Nhung vừa học qua các phần mềm như Doulingo, năng nghe nhạc, xem video tiếng Anh để nâng cao từ vựng và phản xạ nghe – nói.

Nhung chia sẻ, chủ động trong học tập và bất cứ việc gì sẽ giúp mỗi người có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai. Cô bạn đang nỗ lực từng ngày để dọn đường cho kế hoạch tương lai đã vạch ra.

Quỳnh Anh

Đam mê công nghệ, nam sinh Hà Nội học đại học CNTT từ lớp 10

Nam sinh Nghệ An quyết tâm học chương trình đại học từ lớp 10