AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo) đang góp phần thay đổi sâu sắc nhiều khía cạnh của cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong thời đại số. “Tự học AI như thế nào để có hiệu quả?” là một câu hỏi không dễ để trả lời. Trong buổi offine định kỳ tháng 1/2019, Nguyễn Hải Nam – AI R&D Team leader (nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo) tại ASILLA Việt Nam – cựu sinh viên FUNiX – sẽ chia sẻ quá trình tự học về AI của mình.

Nguyễn Hải Nam (1991) tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính: Kỹ thuật viễn thông tại Trường UNICAS, Italy (7/2018), sau đó anh trở về Việt Nam và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực AI gần cuối năm 2018.

Trước khi sự kiện diễn ra, Nguyễn Hải Nam đã có những chia sẻ khá cởi mở xoay quanh chủ đề này.

Sau 1 năm rưỡi tự học AI, tại sao anh lại quyết định về Việt Nam làm việc?

Năm 2017, khi còn đang học ở Italy, mình có sang Đức học về Computer Science trong 6 tháng theo chương trình học bổng “Erasmus Mundus (UNI-DUE, Germany), trong quá trình này có 1 số môn học liên quan đến AI và cũng có cơ hội thực tập trong 1 phòng lab về AI.

Ở nhiều nước phát triển, việc AI được áp dụng trong công việc đã dần trở nên khá bình thường, tuy vậy ở Việt Nam, dù tiềm năng của AI nhiều người nhìn thấy, nhưng việc ứng dụng AI lại khá hiếm hoi. Mặc dù vậy, với tốc độ phát triển IT ở Việt Nam, rất nhiều vùng đất trong AI chưa được khai thác và tìm hiểu, mình nghĩ rằng về Việt Nam sẽ nhiều đất diễn hơn (cười).

Nguyễn Hải Nam (phải) – AI R&D Team leader tại ASILLA Việt Nam – cựu sinh viên FUNiX – sẽ chia sẻ quá trình tự học về AI trong vòng 1,5 năm trong buổi xDay 37 tại Hà Nộicủa mình.

Quá trình tự học khá dài, những khó khăn nào anh gặp phải trong quá trình tự học AI?

Các công thức toán luôn luôn là rào cản khá lớn khi tự học, ngoài ra việc làm quen với các framework về AI trên Python cũng không đơn giản. Đầu tiên là nguồn kiến thức từ đâu, chọn lọc kiến thức thế nào vì có nhiều ngôn ngữ lập trình cho AI, nhiều thuật toán cho classification. Quá trình tự học dài nên nhiều khi mình nản chí, nhất là trong giai đoạn đầu khi lượng kiến thức rất nhiều, không thể học hết.

Khó khăn rất nhiều nhưng không có người hướng dẫn, rất may là ở Chứng chỉ 1 – Chứng chỉ Công dân số của FUNiX, mình đã học được rất nhiều kỹ năng sử dụng Google ở môn “Trở thành Công dân số”. Điều này giúp mình dễ dàng tìm kiếm, chọn lọc kiến thức để học.

Theo anh, 3 kỹ năng quan trọng nhất để học AI là gì?

Tự học là kỹ năng rất quan trọng, các bạn có thể xem qua khóa học “Learning how to learn” trên Coursera – khóa học MOOC được nhiều người học nhất. Tiếp đến là Ngoại ngữ, cụ thể hơn là tiếng Anh, hầu hết các tài liệu về AI đều không phải tiếng Việt.  Và cuối cùng là Lập trình, nên cố gắng thông thạo 1 ngôn ngữ, Python có thể là sự lựa chọn phù hợp lúc này.

Ngoài 3 kỹ năng trên thì kiến thức cơ bản về Toán là không thể thiếu: Giải tích, đại số, xác suất thống kê, giải thuật cơ bản.

Nguyễn Hải Nam tự học AI với quyết tâm “Don’t give up” (không bao giờ bỏ cuộc).

Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ chuẩn bị và đang theo học để sẵn sàng bước vào lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo?

Trước khi học hãy tìm hiểu, nghiên cứu những bài viết về AI, và các khái niệm liên quan xem mình có hợp không, luyện tập những thuật toán, công thức viết code từ cơ bản đến nâng cao.

Tích cực học thêm tiếng Anh chuyên ngành để có thể tìm hiểu được các tài liệu nước ngoài.

Sử dụng thành thạo 1 ngôn ngữ lập trình và kỹ năng sử dụng Google là những điều không thể thiếu. Khi đã đam mê thì phải có trách nhiệm và sự kiên trì với những việc mình đang làm. Và cuối cùng: “Don’t give up” (không bao giờ bỏ cuộc).

Lí do nào anh muốn chia sẻ với cộng đồng xTers FUNiX về quá trình tự học AI và đi làm trong lĩnh vực này?

Trí tuệ nhân tạo hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt, kéo theo AI Engineer sẽ là 1 vị trí thiếu nhân lực rất lớn trong 1-5 năm tới. Mình chọn chia sẻ với sinh viên về quá trình tự học AI vì các bạn học FUNiX khi nghĩ đến AI là khó khăn, trong khi hoàn toàn có thể học được, đồng thời muốn truyền cảm hứng tự học cho các bạn đã và chuẩn bị bước chân vào lĩnh vực AI.

Ở FUNiX học về Lập trình, khi kết hợp với AI sẽ có nhiều lợi ích. Thứ nhất, có thể cải thiện cuộc sống vì mức lương lập trình phát triển Trí tuệ nhân tạo rất cao. Thứ hai, với việc ứng dụng AI, cuộc sống của chúng ta sẽ có nhiều tiện ích hơn. Thứ ba, về chuyên môn, các bạn sẽ thực sự bắt kịp, và hòa nhập nền công nghệ tiên tiến trên Thế giới.

Để có cơ hội giao lưu với Nguyễn Hải Nam tại xDay tháng 1/2019 của FUNiX, mời bạn đăng ký tại đây.

Thanh Nga

xDay là sự kiện offline vào sáng chủ nhật đầu tiên hàng tháng do FUNiX tổ chức, là không gian cho các học viên và mentor FUNiX giao lưu, gặp gỡ.

Trong khuôn khổ xDay, ngoài các hoạt động nội bộ như Lễ khai giảng và tôn vinh, FUNiX luôn mời các chuyên gia trong ngành CNTT hay các lĩnh vực khác nhau tới tham dự nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành, cũng như mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.

Tới xDay, ngoài được nghe các diễn giả chia sẻ, mọi người còn được tham gia xBeer “bữa trưa vui vẻ”. Đây là không gian để mọi người có thể trao đổi và trò chuyện sảng khoái về tất cả những chủ đề đang “hot”