“Kỹ năng giải quyết vấn đề” là chủ đề training mà các học viên FUNiX được tìm hiểu và học hỏi qua xDay 50 diễn ra đồng loạt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày 1/3 vừa qua.
Tại Hà Nội, anh Bạch Tuấn Vũ – Phó phòng Đào tạo FPT Telecom là người trực tiếp training cho người tham gia về Kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong khi đó, tại TP.HCM, trainer là Tiến sĩ Trần Nam Dũng, người được mệnh danh là “ông bầu” của các thần đồng Toán học Việt Nam”, hiện anh đang là Giảng viên khoa Toán Tin học trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Tp.HCM, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông năng khiếu.
Thông qua các hoạt động teamwork, mini game, các tình huống và các câu chuyện, hai diễn giả từng bước dẫn dắt sinh viên học cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Cách giải quyết vấn đề, theo các trainer đều có những bước chung, và việc hiểu, rèn luyện kỹ năng này sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn, vững vững vàng và linh hoạt, sắc bén hơn khi gặp phải các vấn đề trong công việc, học tập và cuộc sống. Cụ thể các bước giải quyết vấn đề gồm có:
Nhận biết vấn đề: Việc nhận biết vấn đề rất quan trọng. Nhận biết đúng vấn đề giúp chúng ta đưa ra phương án giải quyết phù hợp và triệt để.
Để nhận biết vấn đề, đôi khi cần nhìn nhận đánh giá từ nhiều phía, thái độ khách quan.
Phân tích vấn đề: Phân tích vấn đề, tìm hiểu nguồn gốc vấn đề giúp chúng ta giải quyết nó một cách dễ dàng và rốt ráo hơn.
Lập kế hoạch xử lý, giải quyết vấn đề: Một vấn đề xảy đến khi đi vào giải quyết, khắc phục thường đòi hỏi nhiều bước thực hiện. “Phân tích để lập một kế hoạch thật chỉ tiết đến mức ai cũng có thể xử lý được” là lời khuyên của TS Trần Nam Dũng.
Việc chia nhỏ kế hoạch rất quan trọng, bao gồm cả yếu tố tâm lý vì nó sẽ khiến người thực hiện cảm thấy khả thi, từ đó cảm thấy mạnh mẽ hơn trong quá trình giải quyết vấn đề. Ngược lại, nếu không chia nhỏ vấn đề sẽ khiến người ta cảm thấy “ngợp” và không còn động lực giải quyết.
Còn anh Bạch Tuấn Vũ đưa ra lời khuyên: “Để giải quyết vấn đề một cách dễ dàng, hãy tập trung vào công việc của mình và không quan tâm đến các điều kiện ngoại cảnh”.
Cùng với kế hoạch cụ thể, cần lên phương án dự phòng cho các vấn đề gặp phải để chủ động hơn khi ra quyết định.
Đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm về giải quyết vấn đề: Đánh giá hiệu quả của quá trình giải quyết vấn đề đã xảy ra. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể áp dụng hiệu quả hơn trong những lần sau.
Thảo Ly – Phạm Mơ
“Kỹ năng giải quyết vấn đề” – kỹ năng khẳng định năng lực người đi đầu
Leave a Reply