Trước diễn biến phức tạp của Covid19, nhiều khả năng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn khuyến cáo các trường chưa cho học sinh tựu trường sớm. Nhà trường bí. Thầy cô giáo bí, học sinh cũng bí.
Trộm nghĩ, các trường có thể thừa cơ chuyển sang hoạt động online, tiện thể tạo cho học sinh thói quen tự học và kết nối qua Internet. Hết dịch, tựu trường, nhà trường và học sinh đã sẵn sàng cho việc áp dụng internet vào giáo dục, tăng hiệu quả đào tạo, mở rộng biên giới tri thức, tiết kiệm chi phí. Hóa ra là con Coronas lại giúp ta vững vàng bước vào cách mạng 4. Khác gì “Một đòn chết 7”!
Thông thường khi nói đến hoạt động giảng dạy online, chúng ta hình dung ngay đến việc thầy cô vẫn giảng bài và học sinh sẽ theo dõi từ xa, như xem đá bóng truyền hình trực tiếp, hay các “ngôi sao” vẫn lai-trim (live stream). Cách thức online đó thực tế là vẫn lấy giáo viên và sự dạy làm trung tâm. Đòi hỏi học sinh phải tập trung vào giờ giấc nhất định, buồn chán, gây áp lực lên hạ tầng, và thường là phải dùng các tool trả tiền khá tốn kém.
Cách thứ hai mà các thầy cô hay dùng bây giờ là soạn bài và gửi email, zalo cho các em. Đơn giản, hiệu quả. Nhưng rất khó để nhà trường quản lý được em nào đang học ai đến đâu. Và còn nhiều vấn đề khác như phụ đạo, thi cử.
Có một cách thức mới, nhấn mạnh vào việc tự học dưới sự theo dõi và quản lý của các thầy cô và nhà trường. Có thể triển khai rất nhanh. Từ một ngày đến tối đa là một tuần. Với chi phí thực tế gần như bằng 0. Đã được triển khai thử nghiệm trong hơn 4 năm qua tại FUNiX, đại học thực sự trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi hay quen mồm gọi là FUNiX Way.
Mạo muội giới thiệu đây xem các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, phổ thông… nào thấy có thể sử dụng được. FUNiX sẽ xin hết lòng hỗ trợ.
Quá trình giảng dạy truyền thống đại loại có thể tóm tắt làm 9 quá trình như sau.
1 – Lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo
2 – Soạn bài
3 – Giảng bài và Học
4 – Ra bài tập/Lab
5 – Làm bài tập
6 – Chấm bài tập
7 – Chuẩn bị đề thi
8 – Thi
9 – Chấm thi và xử lý khiếu nại
FUNiX Way thêm 2 quá trình
10 – Mentoring
Trong quá trình này, học sinh có thể trao đổi với giáo viên về các thắc mắc trong quá trình học và làm bài tập. Thay vì trực tiếp đứng ra giao tiếp, giáo viên có thể huy động đội ngũ trợ giảng là các em học sinh lớp lớn hơn, các chuyên gia trong ngành. Làm cho việc học trở nên bổ ích hơn
11 – Dỗ
Trong quá trình này, nhà trường có thể sử dụng các Cộng tác viên có kỹ năng giao tiếp và tâm lý tốt để giao tiếp với các học sinh yếu kém, chán nản… động viên các em học tập.
Ngoài ra, FUNiX Way tách độc lập việc Dạy và Học, trả lại cho học sinh có quyền chủ động lựa chọn thời điểm (thích ngủ nướng, hay dậy sớm) và cường độ học (aka có thể cày thâu đêm suốt sáng để còn thời gian đi đá bóng hoặc đi chơi với bạn gái chẳng hạn)
Để chuyển sang hoạt động theo mô hình online mới, nhà trường cần chuẩn bị những công cụ sau
- Website: để cung cấp các thông tin. Thường thì đa số các nhà trường đã có. Chưa có thì làm cũng nhanh.
- Lập thư viện Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo số: nếu không tìm được bản số của sách giáo khoa, có thể sử dụng smartphone để chụp từng trang (hoặc những trang mình cần). Cũng ko cần phải độ phân giải quá cao. Cốt là đọc được. Để lưu trữ, có thể dùng GoogleDriver hoặc nếu lớn hơn, có thể sử dụng thư viện mở của công ty Tinh Vân: classbook.vn
- Thống nhất sử dụng công cụ giao tiếp giữa học sinh và nhà trường. Gợi ý là Facebook Messenger
- Cấp cho mỗi nhân viên, giáo viên, học sinh một account email. Có thể dùng gmail.
-
LMS: Learning Management System để giáo viên đưa bài giảng lên và học sinh có thể học. Dễ nhất và miễn phí là sử dụng OpenEdx: https://open.edx.org/. LMS không những chỉ lưu các bài giảng mà còn cho phép nhà trường:
- Cấp tài khoản truy cập cho các học sinh
- Soạn Quiz (câu hỏi trắc nghiệm nhanh)
- Cấp link đến tài liệu đọc thêm
- Ra bài tập
- Tổng kết thời gian học, tiến độ học của các em
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia FUNiX, giáo viên CNTT của trường có thể chuẩn bị sẵn sàng tất cả trong vòng một ngày và tối đa là một tuần. Tất cả đều là miễn phí hoặc là chi phí rất thấp.
Để hệ thống bắt đầu vận hành:
1/ Nhà trường lên danh sách học sinh, lên lịch các môn mà học sinh phải học online, khai báo danh sách học sinh vào LMS. Phân công chuẩn bị bài giảng cho giáo viên
2/ Soạn và giảng bài: Giáo viên có thể soạn trên word, ppt… Giáo viên có thể tham khảo các bài giảng tiếng Việt ở thư viện miễn phí của cty Bạch Kim: https://baigiang.violet.vn/ hoặc tham khảo các nguồn trên Internet.
Sau khi có bài giảng, giáo viên có thể trực tiếp giảng lại cho dễ hiểu hơn. Sau đó ghi hình giảng bài. Không cần phải nhờ ai quay, bạn có thể sử dụng phần mềm có sẵn trên Windows để ghi hình cả màn hình và lời giảng của bạn. https://sea.pcmag.com/operating-systems-and-platforms/31137/how-to-capture-video-clips-in-windows-10.
3/ Giáo viên thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm, soạn bài tập
4/ Giáo viên đưa bài giảng, câu hỏi trắc nghiệm, bài tập lên LMS
Thế là ale hấp, có thể mở cửa trường trên mây:
5/ Học và làm bài
Học sinh có tài khoản ở LMS, sẽ tự vào và tự học bài, trả lời các quiz, làm và nộp bài tập. Học sinh có thể học, trả lời câu hỏi, làm đi làm lại bài tập nhiều lần.
6/ Trong quá trình học và làm bài, học sinh có thể hỏi giảo viên, hoặc người trợ giảng (mentor) tốt nhất là qua Facebook Messenger (hoặc Zalo)
7/ Các giáo viên và cộng tác viên (dỗ/mentor) cũng có thể kết nối với các em để nắm được tình hình. Có thể theo từng cá nhân, cũng có thể theo nhóm, nhưng không nên quá 10 em một lúc
8/ Thi
Có thể tổ chức thi off-line, theo từng lớp. Và cũng có thể tổ chức online 1-1 cho từng em, phần mềm dễ sử dụng nhất để hỏi thi 1-1 là Skype hay bất cứ phần mềm nào cho phép kết nối video với tốc độ đường truyền thấp.
Đội ngũ kỹ thuật của FUNiX xin sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho tất cả các trường nào muốn tận dụng thời gian nghỉ bắt buộc này để đưa giáo viên và học sinh của mình lên mây, phù hợp với thời đại mới.
Liên lạc anhdv@funix.edu.vn hoặc xuanqn@funix.edu.vn
PS:
Cho các trường mà kết nối Internet còn yếu. Đề nghi các nhà mạng hỗ trợ nâng băng thông và các chi phí hosting
Học sinh không có máy tính ở nhà có thể mượn/thuê máy tính ở các quán Net gần nhất.
Bài liên quan:
Leave a Reply