Nếu bạn từng tìm kiếm phần mềm miễn phí trên internet, rất có thể bạn đã bắt gặp thuật ngữ “mã nguồn mở” (open source).
Bạn có thực sự hiểu thuật ngữ này, lịch sử và ý nghĩa của nó không? Bài viết này sẽ giúp bạn định nghĩa PMNM tốt hơn.
Phần mềm nguồn mở là gì?
Hầu hết phần mềm được sử dụng cho mục đích thương mại có mã nguồn đóng. Điều này có nghĩa là code được dùng để tạo ra nó, tức là mã nguồn, hoàn toàn nằm trong tay của công ty tạo ra phần mềm. Những người dùng bình thường như chúng ta không thể truy cập cũng như thực hiện bất kỳ thay đổi nào ới nó.
Phần mềm nguồn mở thì hoàn toàn ngược lại. Mã nguồn của nó được cung cấp miễn phí cho công chúng, thường dưới dạng tải xuống miễn phí thông qua trang web chính thức của phần mềm hoặc các nền tảng như GitHub.
Ngoài ra, có nhiều điều kiện tiên quyết khác để một phần mềm được gọi là mã nguồn mở.
Điều gì tạo nên mã nguồn mở cho phần mềm?
Sáng kiến Nguồn mở (Open Source Initiative, hay OSI) nêu ra các điều kiện khác nhau để một phần mềm được coi là phần mềm nguồn mở. Một vài trong số đó là:
- Mã nguồn có sẵn miễn phí: Như đã nói, mã nguồn của phần mềm phải được công bố công khai.
- Phân phối lại: Một trong những điều kiện quan trọng nhất là phần mềm có thể được phân phối lại miễn phí. Có nghĩa là bạn có thể chia sẻ bản sao của bất kỳ phần mềm nguồn mở nào với bạn bè của mình mà không vi phạm bất kỳ điều khoản pháp lý nào.
- Sửa đổi: bạn có thể tự do sửa đổi mã nguồn khi thấy phù hợp — và phân phối các phiên bản phần mềm của riêng bạn.
- Không phân biệt đối xử: Điều này có nghĩa là bất kỳ người hoặc nhóm người nào cũng có thể sử dụng phần mềm. Chính sách không phân biệt đối xử cũng áp dụng cho cách mọi người chọn sử dụng chương trình — bạn có thể dùng nó trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Sự khác biệt giữa phần mềm nguồn mở và nguồn đóng
Có nhiều điểm khác biệt giữa phần mềm nguồn mở và phần mềm độc quyền:
Loại | Phần mềm nguồn mở | Phần mềm độc quyền (nguồn đóng) |
---|---|---|
Mã nguồn | Có sẵn miễn phí cho mọi người tải xuống và sửa đổi nếu muốn | Mã nguồn không có sẵn cho bất kỳ ai ngoài những người tạo ra phần mềm. |
Kiểm thử | Được phát triển theo cách mở và người dùng cuối thường giúp tinh chỉnh nó. | Trải qua các giai đoạn kiểm thử nội bộ khác nhau trong công ty. Công chúng hoàn toàn không tham gia vào quá trình. |
Chi Phí | Miễn phí cho mọi tổ chức và cá nhân. | Các công ty thường tính tiền cho phần mềm độc quyền, có thể ở dạng đăng ký hoặc thanh toán một lần. |
Cài đặt | Có thể được cài đặt trên bao nhiêu máy tính tùy thích. | Thường đi kèm một khóa cấp phép duy nhất chỉ có thể được kích hoạt một lần. |
Bản vá lỗi | Vì các nhà phát triển làm việc cùng cộng đồng, các bản sửa lỗi được phát hành nhanh hơn. Người dùng tìm ra nhiều cách sáng tạo để giải quyết các lỗi khác nhau. | Một tổ chức hoặc một nhóm các nhà phát triển chịu trách nhiệm duy trì phần mềm. Người dùng chỉ có thể thông báo lỗi nhưng không thể làm gì để giải quyết chúng. |
Thuật ngữ “Nguồn mở” bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều người được ghi nhận là người đã đưa khái niệm phần mềm nguồn mở đến với công chúng. Richard Stallman, một sinh viên Viện Công Nghệ MIT, người ủng hộ mạnh mẽ cho sự phát triển mã nguồn mở, đã đưa ra GNU vào năm 1983. Đây là một tập hợp lớn các phần mềm miễn phí mà bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi. Thông qua việc sử dụng GNU, Linux, một trong những hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới đã ra đời.
Stallman cũng là người sáng lập Phong trào Phần mềm Tự do (Free Software Movement, hay FSF). Nó trở thành một phong trào thúc đẩy sự hợp tác cởi mở giữa các nhà phát triển và khuyến khích họ tạo ra phần mềm miễn phí theo Giấy phép Công cộng GNU.
Tuy nhiên, sự kiện quan trọng nhất trong phong trào mã nguồn mở là việc Netscape quyết định làm cho Netscape Communicator — một tập hợp các ứng dụng internet — trở nên miễn phí vào những năm 1990. Đây là bước tiến quan trọng vì Netscape Navigator là trình duyệt web được sử dụng rộng rãi nhất trong thời gian đó.
Ngay sau đó, vào ngày 3 tháng 2 năm 1998, thuật ngữ nguồn mở đã được ra đời trong một cuộc họp ở Palo Alto, California. Một thời gian sau, tổ chức được gọi là OSI được hình thành với sứ mệnh nâng cao nhận thức công chúng về phần mềm nguồn mở và những ưu điểm của nó.
Nguồn mở: Một phần quan trọng của thế giới phần mềm
Phong trào mã nguồn mở đã định hình toàn cảnh công nghệ hiện nay. Ngày nay, hầu hết chúng ta đều sử dụng một dạng phần mềm mã nguồn mở nào đó mà không hề nhận ra. Dù là Android, Linux hay VLC Media Player, cuộc sống của chúng ta sẽ không được như vậy nếu không có phần mềm nguồn mở.
Bình luận (0
)