“Thực tế cuộc sống và internet là người thầy lớn nhất” | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

“Thực tế cuộc sống và internet là người thầy lớn nhất”

Góc Nguyễn Thành Nam 22/10/2021

Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên báo Nhân Dân.

(Theo Nhân Dân) Mặc áo phông đen in hình Bác Hồ, quần bò, đi dép cao su, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đến chỗ hẹn với tôi bằng chiếc xe máy cà tàng. Ông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi và khi trò chuyện tôi chỉ có thể lý giải: ông trẻ vì ông luôn mới. Luôn mới ở vai trò nhà toán học, doanh nhân, nhà đầu tư và mới ở cách nhìn, mới ở tư duy khi ông nói về cơ hội của đại học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – hình thức giáo dục mà cách đây gần 10 năm sau khi rời vị trí CEO FPT, ông đã khởi xướng mở trường đào tạo công nghệ thông tin FUNiX ba không: không giảng đường, không thầy giáo, không sách giáo khoa.

Năng lực tự học là năng lực quan trọng nhất

Vì sao vào năm 2013, thời điểm mà ở Việt Nam khái niệm học trực tuyến vẫn đang rất xa lạ, ông lại quyết định mở trường học ba không: không giảng đường, không thầy giáo, không sách giáo khoa?

Thực ra tôi khởi xướng dự án FUNiX không xuất phát từ lý do công nghệ, mặc dù tôi làm ở FPT. Tôi học chuyên toán, là học sinh giỏi toán nhưng khi ra nước ngoài, tôi nhận thấy cái gọi là “học sinh giỏi” của mình chẳng có nghĩa lý gì. Nhiều bạn bè tôi học ở nước ngoài thậm chí không biết có kỳ thi Toán quốc tế. Ra nước ngoài, tôi thấy những cái cần thì mình không biết, cái mình biết thì người ta không cần. Vậy thì cần đi học nhưng vào trường thì muộn rồi. Phải học từ thực tế cuộc sống thôi. Lúc đó, xác định cái gì mới nhất thì học, tìm công nghệ mới nhất để học. Khi chọn cái mới nhất thì ít nhất sẽ không lạc hậu. Kinh nghiệm tôi đúc kết được cho thấy để cạnh tranh trên thế giới, quan trọng là mình có điểm mạnh gì chứ không phải đi tìm điểm yếu để khắc phục. Điểm mạnh nhất của thanh niên Việt Nam là học nhanh. Và từ sự quan sát, trải nghiệm, tôi khám phá ra con người có một năng lực tự nhiên rất lớn là tự học. Năng lực tự học là năng lực quan trọng nhất. Internet giúp năng lực tự học dễ hơn rất nhiều. Thời chúng tôi đi học kiếm cuốn sách còn khó, bây giờ có internet thì có cả một kho tàng tri thức không giới hạn. Từ ý tưởng đó, tôi nhận thấy nhu cầu tự học về công nghệ thông tin rất lớn và nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin trên thế giới cũng rất lớn.  

Lúc đó anh Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đặt ra mục tiêu đào tạo 1 triệu lập trình viên để thay đổi nền kinh tế. Nhưng với cách giáo dục truyền thống không thể đào tạo được 1 triệu lập trình. Muốn thế phải tự học, giống như phong trào “Bình dân học vụ”, người biết ít dạy cho người không biết mới ra được số lượng đông đảo. Tôi đi nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu về giáo dục online. Cuối cùng tôi hoàn toàn tin vào một điều: Với thời đại internet thì thực tế cuộc sống và internet là người thầy tốt nhất. Tôi mở trường Funix dựa vào hai tiên đề: Có thể tự học bất cứ điều gì bằng cách dựa vào thực tế cuộc sống và internet.

Khi ông mở FUNiX, phải chăng được truyền cảm hứng từ câu nói của Bill Gate: “Quên đại học đi, web là tương lai của giáo dục”?

Gates nói vậy và đưa ra hai lý do: Thứ nhất, chi phí theo học tại các trường như truyền thống trở nên quá đắt đỏ cho nhiều sinh viên. Điều này khiến việc đến trường trở nên khó khăn hơn với nhiều người. Thứ hai, ông cho rằng sinh viên châu Âu đang dần bị sợ hãi trước những cuốn sách giáo khoa. Các sinh viên châu Á ngày càng xuất sắc hơn sinh viên châu Âu trong khi những quyển sách của họ có kích thước nhỏ bằng một phần ba so với ở đây.

Quãng cuối thế kỷ 20, trí thức phương Tây đã nhận thấy hệ thống đào tạo của mình đã lạc hậu, hệ thống đào tạo ấy được sinh ra trong thời đại cách mạng công nghiệp và nó đào tạo nhân lực như những viên gạch trên bức tường, đều tăm tắp, khuôn mẫu. Đó là ý nghĩa của bài hát “Một viên gạch khác trên bức tường” (Another Brick in the Wall) của ban nhạc Pink Floyd mà tôi rất thích nghe. Bài hát đó truyền cảm hứng rằng mỗi người nên tự trở thành bản thân mình thay vì trở thành những viên gạch.

Khi khai giảng trường FUNiX vào ngày 13/10/2015, bạn tôi có gửi cho tôi tuyên ngôn của Giáo sư Richard Muller trường Đại học UC Berkeley, ông cho rằng internet đã phát triển đủ để thành lập ra những trường đại học với chất lượng của Mỹ nhưng giá của các nước thứ ba, giúp các nước đang phát triển có thể tiếp cận nền giáo dục đại học đỉnh cao. Ông ấy đưa ra 15 nguyên tắc hoạt động, đề xuất lên trường đại học của mình nhưng bị từ chối. Ông viết lên internet: “Tôi tin rằng sẽ có một ai đó sẽ hiện thực hóa những ý tưởng này”. Lúc đó, tôi mới thấy 15 nguyên tắc hoạt động của ông ấy rất giống với những nguyên tắc của chúng tôi. Tôi tin triết lý giáo dục của mình đã đi đúng xu hướng của thế giới, vấn đề bây giờ là thực thi thôi.

Tôi thêm vào ý nữa rất Việt Nam, tiếng Việt có hai chữ về giáo dục rất hay đó là “học hỏi” và “dạy dỗ”. Nếu đã hỏi được sẽ học được. Tiêu chí của sinh viên trường tôi là phải hỏi. Sinh viên Việt Nam vốn thụ động, ở trường tôi nếu sinh viên không hỏi sẽ cho nghỉ học. Không hỏi chỉ có hai trường hợp thôi: một là giỏi quá, hai là không biết gì. Hai trường hợp đó đều không nên học.

Chữ “dạy dỗ”, “dỗ” cũng rất quan trọng, “dỗ” cho sinh viện tự học, tự làm. Chúng tôi có đội ngũ “dỗ viên” – những người giúp sinh viên tự học, động viên, khích lệ, hướng dẫn, giám sát. Tôi có đội ngũ các đồng nghiệp, tôi cho sinh viên số điện thoại của họ, sinh viên có thể hỏi thoải mái.

Lớp học đầu tiên của chúng tôi có 50 sinh viên, về sau tôi gọi họ là các sáng lập viên vì họ tin mình, bởi lúc đó mình có gì đâu. Bài giảng ở trên internet, sinh viên có gì khó khăn trong quá trình học thì hỏi tôi hoặc đồng nghiệp của tôi, học với niềm tin có thể đi đến cuối con đường. Có những học viên trong khóa đầu tiên đó đã lập cả công ty về trí tuệ nhân tạo.

Chắc hẳn sẽ có nhiều trở ngại và chông gai khi mở trường đại học trực tuyến “ba không”?

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Sinh viên được học trực tuyến 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Trường tôi dạy trực tuyến mà quy định chỉ được học online 30% thời lượng thì khó quá. Tại sao nói học online lại kém hơn offline? Đây là cái mới cần khuyến khích, thực tế sẽ chứng minh là đúng hay không đúng, hãy cho người học lựa chọn và quyết định. Quy định vậy nghĩa là cơ quan quản lý vẫn không tin đây là một phương pháp mới. Nhưng với tôi, khi mà nhiều người không tin thì chính là cơ hội, còn cái gì ai cũng tin thì đã quá muộn.

Ngoài ra, còn những quy định khác: Muốn mở trường đại học phải có 5hecta đất và có đội ngũ giáo viên cơ hữu. Trường học trên mạng thì cần gì 5hecta đất, trường lấy cơ chế tự học là gốc thì đâu cần giáo viên cơ hữu.

Đó là hai trở ngại chính nhưng tôi cho rằng trở ngại ấy nằm trong nhận thức, không phải trở ngại thật. Tôi đang làm hồ sơ đề nghị Chính phủ chính thức thừa nhận có một loại hình trường đại học số (digital university), hoàn toàn dựa trên công nghệ, dựa trên thời đại internet. Sẽ có những nguyên tắc giáo dục mới như cá nhân hóa việc đào tạo, mỗi người thầy sẽ dạy riêng cho từng sinh viên vì trình độ của mỗi sinh viên khác nhau, khung giờ học khác nhau. Việc học này như dạy đi xe đạp, ban đầu dạy để biết đi còn đi được bao xa là việc của học viên.

Việc cấp bằng cũng là vấn đề vì tâm lý người Việt vẫn thích được cấp bằng có dấu đỏ. Chúng tôi đang khắc phục bằng cách thuyết phục các tập đoàn công nghệ lớn công nhận. Điều quan trọng nhất là chất lượng sinh viên đã được chứng minh rồi, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng đã thừa nhận chất lượng hoàn toàn tương xứng.

Có thể biến mỗi quán games thành một trường đại học

Có phải với triết lý và hình thức dạy trực tuyến mà ông đề cập, sẽ không có ai bị lãng quên hay bỏ lại phía sau nếu muốn học vì nó xóa bỏ đi nhiều rào cản vốn có của giáo dục truyền thống?

Tôi được mời nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh, lúc nào tôi cũng nói về “Lời kêu gọi toàn của kháng chiến” của Bác, trong đó Bác nói: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, tức là ai cũng phải được tham gia kháng chiến cứu quốc. Chúng ta kêu gọi cách mạng về công nghệ nhưng lại dựng lên những rào cản, phân biệt người này được tham gia người kia không được, muốn học công nghệ của trường top phải thi tốt nghiệp 30 điểm thì khó quá.

Cách tự học qua môi trường mạng phá vỡ những rào cản của đại học truyền thống như đất đai, hậu cần, sách giáo khoa, giảng viên, tận dụng được sức mạnh của nhân dân. Có thể biến các quán game với giá truy cập internet chỉ khoảng 5.000 đồng một giờ thành nơi học đại học. Điển hình là em Hoàng Mạnh Tiến – sinh viên tại Hội An. Mùa lũ, Tiến vẫn lội nước ra hàng game học bài, xung quanh cậu là các “game thủ”. Ba tuần miệt mài vượt lũ để học online, Tiến hoàn thành chứng chỉ cũng là khi nước rút. Chẳng cần gì, chỉ cần bạn quyết tâm tự học. Nếu không có laptop cũng không sao. 45.000 quán internet ở Việt Nam đều có thể trở thành điểm trường đại học. Tôi muốn đem giáo dục đại học chất lượng quốc tế về mọi ngóc ngách ở Việt Nam chỉ bằng sự kết nối của internet

Với trường tôi, không có rào cản đầu vào, chúng tôi chỉ cần cam kết tự học bởi vì tôi quan niệm ai chẳng đi xe đạp được, nếu không học được người ta sẽ bỏ cuộc, vậy tại sao không cho họ thử. Trường tôi học viên trẻ nhất là 10 tuổi, già nhất là 86 tuổi. Cụ 86 tuổi bảo: “Tôi cái gì cũng tự học hết, mỗi cái trí tuệ nhân tạo nghe báo chí nói nhiều mà không hiểu, tôi đăng ký học hẳn môn Trí tuệ nhân tạo”. Cụ học vì tò mò, còn cậu bé 10 tuổi học vì cần thay đổi cuộc đời. Tôi có thể nói trường chúng tôi là trường Việt Nam duy nhất tuyển sinh ở Nhật Bản bởi vì không có biên giới, không có rào cản.

Có một cậu lơ xe cả đời mơ ước có một chiếc laptop nhưng nhà quá nghèo. Sau khi lấy vợ, cậu ấy thổ lộ ước mơ đó với vợ và được vợ mua cho một chiếc laptop. Cậu tâm sự khi theo học trường tôi: “Em có thể trở thành lập trình viên được rồi!”. Hãy mơ đi vì cuộc đời cho phép. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, bị lãng quên, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin này dành cho tất cả mọi người.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hình thức học truyền thống bị dừng lại và hình thức học trực tuyến trở nên phổ biến, đây là một cơ hội để khẳng định những thế mạnh của học trực tuyến và trở thành xu thế không thể đảo ngược?

Tôi cho rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cho xã hội nhận ra học trực tuyến là một sự lựa chọn đúng và không thể khác. Muốn học trực tuyến trở thành chủ đạo cần phải chứng minh được rằng chất lượng của hình thức học mới này không hề thua kém so với cách học truyền thống. Nhưng để học trực tuyến trở thành trào lưu phải tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách. Nhà nước cần công nhận đây là một hình thức đào tạo tương đương với các hình thức đào tạo khác. Tổ chức giáo dục số nào cấp bằng thì phải chịu trách nhiệm.

Nhiều trường nhờ tôi tư vấn về hình thức học trực tuyến. Tôi đặt câu hỏi: Các vị xem đó là việc tạm thời hay lâu dài? 10 trường thì chỉ có 1 trường cho rằng học trực tuyến là cách học lâu dài. Họ vẫn xem học online như một sự đối phó với dịch, không cho đó là một cơ hội. Nhưng nếu mạnh dạn cởi bỏ những rào cản về pháp lý, tôi nghĩ ngay lập tức sẽ có nhiều trường chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bởi vì chi phi thấp hơn rất nhiều, chất lượng đào tạo không hề thua kém, tận dụng những gì tốt nhất của thế giới, nguồn lực gần như là vô tận, có thể giáo trình Mỹ, giáo sư Mỹ nhưng chi phí không phát sinh ở Mỹ.

Một hệ thống trường liên cấp rất nổi tiếng đến nhờ tôi tư vấn, tôi hỏi: Nếu có nhiều tiền thì cái muốn đầu tư nhất là gì? Họ trả lời: Đầu tư vào thư viện. Tôi bảo: Nếu chuyển đổi số có thể có tới 1 triệu cuốn sách cho sinh viên mà không cần tới một thư viện nào cả, sao lại phải xây thư viện rồi mua sách về để vào đấy.

Chúng ta không phải đầu tư gì lớn nếu chọn được hướng đi đúng, rẽ đúng hướng chứ đợi lúc tất cả đều rẽ mình mới đi theo thì còn gì là cơ hội.

Khi học trực tuyến được công nhận, quan niệm học sẽ thay đổi, học thật, làm thật, chứ không phải học để lấy bằng. Rút ngắn quá trình học, có thể lựa chọn học những thứ mình thực sự cần học. Học sớm, làm nhanh, kiến thức phải đưa vào cuộc sống. Nhiều người lo ngại học nhanh sẽ không có cơ bản. Thế nào là cơ bản, cái gì trên cuộc đời này là cơ bản, ba môn Toán, Lý, Hóa à? Tôi đưa ra hai thứ cơ bản trong cuộc sống mà không ai phủ nhận được: đó là sức khỏe và khả năng tự học. Đã tự học được thì lựa chọn học gì là việc của họ.

Nhiều quan niệm cho rằng học trực tiếp thì giao tiếp với nhau dễ dàng hơn trực tuyến nhưng khi học trực tuyến mới thấy giao tiếp với nhau cũng không hề khó. Học tập là một trải nghiệm, không đơn giản là một quá trình nhồi nhét kiến thức. Online cũng tạo ra môi trường học tập đặc biệt là với giới trẻ, thậm chí họ còn cảm thấy thoải mái hơn, chia sẻ với nhau chân thành hơn ngoài đời. Tôi nhận ra, trước đây chúng ta quen nhau ngoài đời rồi mới lên mạng, giờ thì với nhiều người quen nhau trên mạng trước rồi mới gặp ngoài đời.

Ai cũng có cơ hội thì đất nước có cơ hội

Nhìn vào tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy chất lượng nguồn nhân lực của mình đang rất thấp, nhiều công nhân lao động chân tay, phải làm việc dưới hình thức “ba tại chỗ” ở các khu công nghiệp, còn lại đa số thất nghiệp khi không thể đến nhà máy. Ông có cho rằng đã đến lúc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng những hình thức đào tạo mới như cách trường FUNiX đang vận hành?

Đầu tư nước ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân, giúp họ học được tính tổ chức, kỷ luật cao nhưng nếu chỉ lao động chân tay, làm những thao tác đơn giản trong dây chuyền thì 10 năm nữa sẽ là bi kịch vì khi bị thải loại sẽ không biết làm gì. Họ cần phải được học để tiếp nhận nguồn kiến thức mới, kỹ năng mới nhưng với cách học truyền thống, không thể vừa đến nhà máy vừa đến trường. Với hình thức học trực tuyến thì họ có thể vừa học vừa làm. Ban ngày đi làm, tối học, không phụ thuộc giờ giấc, ca đêm học ngày, ca ngày học đêm. Nếu ngày học 2 tiếng trong vòng 3 năm bạn có kiến thức tương đương bằng đại học, tôi bảo đảm nhiều công ty sẽ nhận. Trường tôi có những người làm thợ may nhưng đã tốt nghiệp. Chỉ học theo cách đó mới có thể chuyển đổi toàn bộ lực lượng lao động trình độ thấp. Những người công nhân ấy có mong muốn học nhưng không có cơ hội, phải cho họ cơ hội. Ai cũng có cơ hội thì đất nước có cơ hội.

Yêu cầu phát triển đang đặt ra đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực thế hệ mới. Theo ông, nguồn nhân lực thế hệ mới phải như thế nào? Thanh niên “vừa hồng vừa chuyên” thời đại này có khác gì so với thế hệ trước, họ chắc chắn không phải là “những viên gạch trên tường”?

Chuyên là kỹ năng, hồng là thái độ. Về kỹ năng có rất nhiều thứ chúng ta phải học, không biết được tương lai thay đổi thế nào. Kỹ năng phải học liên tục. Thái độ đúng với tôi là: không bỏ cuộc, đó là một sự cam kết chứ không phải “hồng” là ngoan. Trong đời tôi đánh giá rất cao những người không bỏ cuộc, học đến cùng, chắc chắn sẽ thành công.

Tôi cho rằng đào tạo công dân có hai khái niệm quan trọng: công dân số và công dân toàn cầu. Thực ra hai khái niệm này trùng nhau, nếu là công dân số nhiều khả năng là công dân toàn cầu. Vì số không có biên giới. Tôi chọn công dân số trước. Nếu làm chủ được không gian số sẽ thành công dân toàn cầu. Thế nào là công dân số? Phải tự tin bước vào không gian số, biết cách tự bảo vệ mình trong không gian số. Biết lập trình nhưng không nhất thiết phải trở thành lập trình viên.

Ông hình dung 10 năm tới, hình thức học trực tuyến “ba không” sẽ như thế nào?

Tôi hình dung ra hai kịch bản: Nếu trường đại học số được Chính phủ thừa nhận, sẽ có nhiều người đầu tư mở trường đại học số, lúc đó chúng tôi sẽ phải cạnh tranh nhưng như vậy sẽ có lợi cho cái chung.

Nếu không được công nhận, chúng tôi sẽ hướng tới dạy công nghệ cho thế hệ học sinh, lứa tuổi còn trong sáng, dễ tiếp nhận. Học công nghệ khá giống học ngoại ngữ, càng sớm càng tốt. Chúng tôi đi từng bước một, bây giờ có hơn 10.000 sinh viên rồi, sẽ hướng tới 100.000 sinh viên, tất nhiên càng nhiều người học càng tốt, để đào tạo ra một thế hệ công dân số. Học phí trường tôi chỉ bằng 40% so với trường bên ngoài. Có nhiều lý do để rẻ, trong kinh doanh, định giá là một triết lý chứ không phải chi phí cao hay thấp. Tôi tính nếu nước ta  có 100.000 lập trình viên, có thể giúp tăng 1,4% GDP.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định phải hướng tới nền kinh tế sáng tạo, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 nhưng nếu không đào tạo nhân lực thì làm sao phát triển 4.0. Muốn có cách mạng phải đào tạo người làm cách mạng. Mặt khác, đại dịch Covid-19 là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách thay đổi, tháo gỡ những rào cản để đẩy mạnh giáo dục trực tuyến. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị viết rất rõ ràng: Tận dụng tối đa môi trường internet để đổi mới giáo dục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                                                               Phùng Nguyên (Nhân Dân)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!